Kinh nghiệm một số địa phương ở ViệtNam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với vấn đề công bằng xã hội tại tỉnh thái nguyên (Trang 46 - 50)

6. Kết cấu của luận văn

1.2.2. Kinh nghiệm một số địa phương ở ViệtNam

1.2.2.1. Thành phố Hà Nội

Thực hiện chủ trương gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, thành phố Hà Nội đã luôn đề cao mối quan hệ biện chứng này trong mọi chính sách phát triển. Trải qua 30 năm đổi mới, cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế, Hà Nội còn đạt được những thành tựu nổi bật trong sự nghiệp phát triển văn hóa - xã hội và con người, tạo nên sức mạnh và sự bền vững của quá trình phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Với vai trò là Thủ đô, là trung tâm chính trị - kinh tế của quốc gia; trung tâm văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế lớn của cả nước, thành phố Hà Nội luôn chú trọng mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, góp phần quan trọng tạo nên sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Thủ đô.

- Tăng trưởng kinh tế tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người lao động Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Hà Nội luôn được duy trì ở mức ổn định và khá cao. GDP tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 9,0%, cao hơn 1,5-1,7 lần so với cả nước (năm 2014 tăng trưởng kinh tế của cả nước là 5,98%).[17]

Các thành phần kinh tế phát triển mạnh; đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tập thể, khuyến khích kinh tế tư nhân và hộ gia đình, thu hút mạnh đầu tư nước ngoài. Số doanh nghiệp Hà Nội chiếm khoảng 25% tổng số doanh nghiệp của cả nước (mỗi năm có thêm 7.283 doanh nghiệp thực tế đi vào hoạt động), chương trình xây dựng và phát triển các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế mở được triển khai đã thu hút hàng triệu lao động vào làm việc.[17]

Bên cạnh đó, nhiều chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn với các mô hình kinh tế trang trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng, phát triển các làng nghề, xã nghề... Trong những năm qua, Hà Nội đã xây dựng nhiều công trình trọng điểm, không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn tạo nhiều việc làm cho người lao động.

Tăng trưởng kinh tế nhanh trong thời gian qua đã tạo thêm nhiều việc làm ổn định cho người lao động. Trung bình hàng năm Thành phố đã giải quyết việc làm mới khoảng 137 nghìn lao động, ước tính năm 2015 giải quyết việc làm cho khoảng 141.500 lao động.[17]

Tuy nhiên, nhìn chung chất lượng việc làm mới được tạo ra còn thấp, vì việc làm chủ yếu được tạo thêm trong khu vực nông nghiệp với trang bị, công nghệ, kỹ thuật thấp; cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng còn chậm.

- Tăng trưởng kinh tế góp phần nâng dần thu nhập cho nhân dân, xóa đói giảm nghèo

Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người của Hà Nội năm 2012 đạt 2.257 USD/người, gấp 1,33 lần so với mức 1.696 USD/người năm 2008; năm 2013 đạt khoảng 2.580 USD/người(13); gấp 1,3 lần mức chung của cả nước. Hà Nội dẫn đầu cả nước về chỉ số phát triển con người. Năm 2013, toàn thành phố thực hiện giảm 16.500 hộ nghèo (giảm tỷ lệ hộ nghèo 1% so với năm 2012), căn bản xóa hộ nghèo thuộc diện chính sách. Nhìn chung, tốc độ giảm nghèo của Hà Nội luôn nhanh hơn so với mức bình quân chung của cả nước.

- Tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, giáo dục, y tế và đảm bảo an sinh xã hội

Về phát triển văn hóa, chi ngân sách cho các hoạt động văn hóa của Hà Nội tăng cao trong những năm qua. Nếu như năm 2008, nguồn chi cho hoạt động văn hóa là 449 tỷ đồng, thì năm 2013 tăng lên 1.293 tỷ đồng (tăng gần 3 lần). Đời sống văn hóa tinh thần của người dân từng bước được nâng cao, mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Hệ thống thông tin, các khu vui chơi, giải trí, nơi sinh hoạt văn hóa ngày càng hoàn thiện, hiện đại, phục vụ tốt đời sống tinh thần của đại bộ phận người dân. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân Hà Nội về cơ bản đã phản ánh kịp thời những thay đổi của đời sống vật chất.

Về giáo dục và đào tạo, trong những năm qua, giáo dục - đào tạo Thủ đô đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng theo hướng bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Đến nay, Hà Nội đã có 50% số trường đạt chuẩn quốc gia, hoàn thành xóa phòng học tạm và

phòng học nhà cấp 4; và đi đầu trong phổ cập giáo dục. Mô hình trường chất lượng cao được nhân rộng với mục tiêu đạt 35 trường chất lượng cao năm 2015. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục và đào tạo được tăng cường. Chi ngân sách cho giáo dục - đào tạo năm 2013 là 9.538 tỷ đồng, chiếm15,8% tổng chi ngân sách (gấp 3 lần năm 2008). Ngoài ra, hệ thống các trường, cơ sở dạy nghề, trung học chuyên nghiệp cũng lớn mạnh vượt bậc. Việc liên kết giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo nghề để phát triển nguồn nhân lực ngày một chặt chẽ. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của Hà Nội tăng khá nhanh, từ 38,7% năm 2011 lên 49,7% năm 2014 và năm 2015 ước đạt 55%.

Về y tế, hệ thống cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn Hà Nội dày đặc nhất trong cả nước với chất lượng điều trị, ứng dụng kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong khám chữa bệnh của nhân dân Thủ đô và cả nước. Hà Nội đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế. Từ năm 2008 đến nay, Thành phố đã đầu tư gần 3.200 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế xã/phường, trong đó đặc biệt ưu tiên các cơ sở y tế tuyến huyện. Đến năm 2013, toàn Thành phố có 570/577 xã/phường/thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế (98,8%).

1.2.2.2. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu [24]

Bà Rịa - Vũng Tàu nằm ở miền Đông Nam Bộ, giáp với tỉnh Đồng Nai ở phía Bắc, với Thành phố Hồ Chí Minh ở phía Tây, với tỉnh Bình Thuận ở phía Đông, còn phía nam giáp với Biển Đông. Đây chính là cửa ngõ hướng ra Biển Đông của các tỉnh trong khu vực miền Đông Nam Bộ. Vị trí này cho phép Bà Rịa - Vũng Tàu hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế biển như: khai thác dầu khí trên biển, khai thác cảng biển và vận tải biển, khai thác và chế biến hải sản, phát triển du lịch nghỉ dưỡng và tắm biển. Ở vị trí này, tỉnh còn có điều kiện phát triển tất cả các tuyến giao thông đường bộ, đường không, đường thủy, đường sắt và là một địa điểm trung chuyển đi các nơi trong nước và trên thế giới. Chiếm 0,6% diện tích tự nhiên, trên 1% dân số cả nước nhưng hằng năm, Bà Rịa -Vũng Tàu cung cấp 40% sản lượng điện quốc gia, tạo ra 11% GDP và đóng góp trên 30% tổng thu ngân sách nhà nước.

Sau 15 năm cùng cả nước tiến hành công cuộc đổi mới (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành lập năm 1991) và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ III, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo thế và lực mới cho sự phát triển đi lên.

Đi vào cụ thể, có thể thấy một số thành tựu nổi bật như sau:

- Tổng sản phẩm GDP trong giai đoạn 1992 -2005, kể cả dầu khí, tăng bình quân 14,7% mỗi năm; không kể dầu khí, tăng 21% mỗi năm. GDP bình quân đầu người 2005, kể cả dầu khí, đạt khoảng 7.050 USD, gấp 7,2 lần so với năm 1992; không kể dầu khí, đạt khoảng trên 2.570 USD, gấp 13,9 lần so với năm 1992.

- Kinh tế công nghiệp phát triển nhanh và chiếm tỷ trọng cao; nhiều cơ sở công nghiệp với vốn đầu tư lớn và sản phẩm có giá trị cao như khí, điện, đạm, thép... phát triển mạnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương. Các ngành dịch vụ phát triển khá nhanh. Nhiều khu du lịch lớn và khách sạn cao cấp đã đưa vào hoạt động tại các địa bàn du lịch trọng điểm của tỉnh. Các loại hình dịch vụ cảng, vận tải, bưu chính - viễn thông, tài chính - ngân hàng đều có bước phát triển. Các ngành nông - lâm - ngư nghiệp tăng trưởng khá. Tỉnh đã đầu tư trên 450 tỉ đồng để hoàn thành các chương trình, dự án phục vụ cho phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn.

- Công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa" được đẩy tới một bước. Môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện tốt hơn. Số dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép tăng gấp 3 lần trong 5 năm 2001 - 2005, và đứng đầu cả nước năm 2006. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa; kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân phát triển mạnh về vốn và số lượng doanh nghiệp.

- Sự nghiệp văn hóa - xã hội được chú ý phát triển, đặc biệt là đầu tư cho giáo dục - đào tạo, với tỷ lệ đầu tư chiếm 14,8% tổng chi ngân sách địa phương và tăng nhanh sau mỗi năm. Toàn tỉnh đã đạt chuẩn giáo dục trung học cơ sở vào năm 2004. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 5,6% năm 1992, lên 33% năm 2005. Nhờ vậy, trình độ dân trí ngày càng được nâng lên; chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện; khoa học, công nghệ từng bước được ứng dụng vào quản lý và sản xuất; chương trình xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách xã hội đạt kết quả cao; hoạt

động văn hóa, thể thao phát triển mạnh. Bằng phong trào hành động của toàn xã hội, tỉnh cơ bản xóa hộ nghèo theo chuẩn cũ; 100% Mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh được phụng dưỡng và hỗ trợ; 100% hộ nghèo và chính sách được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 96% hộ gia đình dùng điện lưới quốc gia; 47% dân số nông thôn sử dụng nước sạch. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" được toàn Đảng, toàn dân hưởng ứng tích cực. Đến nay, có 85% hộ gia đình, 70% thôn, ấp, khu phố và 70% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn văn hóa; Côn Đảo trở thành đơn vị huyện thứ 2 trong cả nước đạt danh hiệu "Huyện văn hóa".

Để đạt được kết quả trên, bài học kinh nghiệm rút ra của Tỉnh là:

Một là, xác định đúng cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Đây là cơ cấu kinh tế hợp lý, phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Hai là, ưu tiên đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm thu hút các dự án, vốn đầu tư cho phát triển và khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Ba là, coi xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, đồng thời thường xuyên cải thiện đời sống nhân dân.

Bốn là, trong xây dựng, phát triển kinh tế, phải đặc biệt coi trọng khai thác, tận dụng các lợi thế so sánh, nhất là lợi thế về tiềm năng kinh tế biển.

Năm là, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vừa có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế, vừa tạo được sự nhất trí cao về chính trị trong đại đa số nhân dân lao động, tăng cường được nội lực của địa phương về mọi mặt.

Sáu là, quán triệt tinh thần, nội dung cơ bản trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ (đặc biệt là trong tập thể cấp ủy và cán bộ chủ chốt), nghiêm túc thực hành phê bình và tự phê bình là những điều kiện cốt yếu bảo đảm đoàn kết nội bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với vấn đề công bằng xã hội tại tỉnh thái nguyên (Trang 46 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)