6. Kết cấu của luận văn
3.3.3. Triển khai thực hiện
Ủy ban nhân dân tỉnh và các Sở, ban ngành thuộc tỉnh đã ban hành 279 văn bản bao gồm các quyết định, hướng dẫn và triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án. Trong đó các kế hoạch, đề án, chương trình thực hiện tại địa bàn nông thôn, miền núi và hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số được hướng dẫn và triển khai tại 74 văn bản, chiếm 26,5% số văn bản triển khai thực hiện. Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội của của một số ngành và cấp trong tỉnh chưa quyết liệt, đồng bộ dẫn tới hiệu quả thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội còn hạn chế, cụ thể:
3.3.3.1. Tăng trưởng kinh tế còn dưới mức tiềm năng
- Kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội và yêu cầu phát triển của tỉnh; một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội không đạt kế hoạch đề ra.
Tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, dựa vào vốn đầu tư. Năng suất lao động xã hội còn thấp hơn nhiều mức bình quân của cả nước.
Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư còn thấp, chỉ số ICOR cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài thời gian xây dựng công trình, dự án chậm được khắc phục; nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn đã gây lãng phí, làm giảm hiệu quả đầu tư công.
- Kết cấu hạ tầng tuy có bước phát triển nhưng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế
Hệ thống kết cấu hạ tầng chậm phát triển, thiếu đồng bộ, mạng lưới giao thông chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chất lượng thấp; giao thông đến các xã vùng cao còn gặp nhiều khó khăn.
Nguồn và lưới điện chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân nhất là vào mùa khô và nắng nóng; chất lượng điện ở một số vùng nông thôn chưa ổn định ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Hệ thống thủy lợi chưa đồng bộ, hiệu quả sử dụng chưa cao. Nhiều công trình đã xuống cấp chưa được đầu tư cải tạo ảnh hưởng đến an toàn trong mùa mưa lũ, hạ tầng thủy lợi chưa đáp ứng được yêu cầu khai thác đa mục tiêu.
Hạ tầng đô thị, đặc biệt là giao thông, cấp thoát nước, thu gom và xử lý nước thải chậm được được đầu tư hoàn thiện. Tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường vẫn còn xẩy ra cục bộ ở một số nơi trong khu vực đô thị.
3.3.3.2. Thực hiện công bằng xã hội còn bất cập, độ bao phủ chưa rộng
- Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ chưa thực sự là động lực phát triển
Cơ sở vật chất trường lớp học đã được cải thiện nhưng đầu tư chưa đồng bộ, nhất là vùng sâu, vùng xa, học sinh vẫn phải học tại Nhà văn hóa, nhà tạm, phòng học cấp 4 cũ nát, thiếu các phòng chức năng, đồ dùng trang thiết bị dạy và học. Nguồn lực đầu tư của tỉnh còn nhiều khó khăn nên hệ thống các trường THPT và trường phát triển DTNT chưa thực hiện được theo lộ trình đã đề ra. Phương pháp dạy học chưa đổi mới mạnh mẽ, chưa phát huy được tính chủ động, tích cực và sáng tạo của học sinh
Hệ thống đào tạo của tỉnh là toàn diện, song chủ yếu phát triển về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực thấp so với nhu cầu phát triển, tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa tương xứng, chất lượng đào tạo một số nghề chưa đáp ứng được nhu cầu thị
trường. Kết quả giải quyết việc làm đạt chỉ tiêu đề ra nhưng chưa bền vững, một số chỉ tiêu không đạt như: xuất khẩu lao động, tạo việc làm thông qua cho vay vốn hỗ trợ việc làm
Việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất và đời sống chưa nhiều, chỉ mới tập trung ở một số lĩnh vực trong sản xuất nông nghiệp; công nghệ thông tin, công nghệ cao. Hiệu quả ứng dụng, sử dụng công nghệ mới còn thấp, gây lãng phí (máy móc, phương tiện chưa sử dụng hết công suất, tính năng…). Hiệu quả một số Đề tài nghiên cứu khoa học chưa cao, việc nghiên cứu, cung cấp các luận cứ Khoa học phục vụ xây dựng, hoạch đinh đường lối, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh còn hạn chế. Thị trường KHCN chậm phát triển, chưa tạo được môi trường kích thích cho việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KHCN vào sản xuất và đời sống.
- Một số vấn đề về đời sống, văn hóa xã hội chậm được giải quyết
Nguồn lực đầu tư cho Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 còn hạn hẹp nên chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi để thực hiện các mục tiêu của chương trình. Thực hiện xã hội hoá trong việc huy động nguồn lực của cộng đồng, của các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp hiệu quả chưa cao. Hàng năm một số hộ đã thoát nghèo nhưng thực tế cuộc sống vẫn khó khăn do không tính chỉ số trượt giá, tính bền vững thấp, nguy cơ tái nghèo cao. Ngược lại, một số không ít hộ nghèo lại không muốn thoát để hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước, nên hạn chế sự năng động vươn lên của người nghèo, hộ nghèo, xã nghèo.
Mạng lưới y tế phát triển nhanh, rộng khắp từ tỉnh đến xã phường nhưng có sự chênh lệch lớn giữa các khu vực, các bệnh viện đa khoa và các cơ sở y tế lớn hầu hết tập trung tại thành phố Thái Nguyên gây nên sự quá tải bệnh nhân tại các bệnh viện, bệnh nhân khám vượt tuyến, trái tuyến, trong khi các huyền miền núi, vùng sâu, vùng xa các cơ sở khám chữa bệnh còn thiếu và nghèo nàn. Số lượng cán bộ y tế có trình độ đại học và trên đại học vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của nhân dân.
- Công tác bảo vệ tài nguyên môi trường còn nhiều yếu kém, là thách thức lớn trong phát triển
Công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản còn bất cập, tình trạng khai thác, vận chuyển trái phép tài nguyên khoáng sản vẫn còn tồn tại.; Nhận thức về bảo vệ
môi trường, phát triển bền vững của các ngành, các cấp và nhân dân còn chưa đầy đủ, ý thức bảo vệ môi trường, đặc biệt là của các doanh nghiệp nhìn chung còn thấp. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, bệnh viện chưa được giải quyết dứt điểm, trong khi các thảm họa thiên tai và diễn biến thay đổi khí hậu toàn cầu đang tăng nhanh, đang gây những áp lực cho việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Hệ thống kiểm tra, giám sát các hoạt động về tài nguyên, môi trường chưa được thực hiện một cách đồng bộ, chưa có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động tài nguyên, môi trường.