5. Kết cấu của luận văn
1.2.2. Tầm quan trọng của hoạt động kiểm soát nội bộ tại NHTM
1.2.2.1. Bảo vệ tài sản và độ tin cậy của các thông tin tài chính
Kiểm soát tài chính đảm bảo rằng tổ chức tránh được các rủi ro tài chính và đảm bảo các thông tin tài chính được sử dụng trong kinh doanh và thông tin công bố là đáng tin cậy. Kiểm soát tài chính bảo vệ tài sản, ngăn ngừa và phát hiện gian lận, làm cho các hoạt động của tổ chức đó được minh bạch, chủ động trước rủi ro.
Thứ nhất, ngân hàng có một số lượng chủ nợ khổng lồ, sẵn sàng đòi lại
khoản tiền đã gửi vào ngân hàng bất cứ lúc nào nếu không cảm thấy an tâm khi có những thông tin bất lợi về hoạt động của ngân hàng.
Thứ hai, ngân hàng cũng là một chủ nợ lớn, sử dụng tới khoảng 2/3 vốn
để cho vay. Cho vay là khoản mục sinh lời chủ yếu của các ngân hàng thương mại. Rủi ro từ những khoản mục cho vay này ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả kinh doanh ngân hàng.
Thứ ba, bộ máy tổ chức của ngân hàng cực lớn, bao gồm nhiều đơn vị thành
viên phân bố trên một không gian rộng nên sự phân quyền rất mạnh, Ban quản trị rất khó nắm bắt được tổng thể hoạt động ngân hàng để kịp thời ra quyết định.
Thứ tư, thông qua hoạt động tín dụng, kinh doanh ngân hàng liên quan tới
nhiều lĩnh vực kinh doanh khác trong nền kinh tế. Do đó, các ngân hàng phải đối mặt với rất nhiều rủi ro và cực kỳ nhạy cảm khi môi trường kinh tế thay đổi.
Hoạt động kiểm soát nội bộ được tổ chức tốt và phù hợp, giúp ngân hàng bảo vệ tài sản và độ tin cậy của các thông tin tài chính, góp phần đem lại hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
1.2.2.2. Bảo đảm việc tuân thủ luật pháp và các quy định
Luật pháp và các quy định được đề cập ở đây bao hàm cả pháp luật do nhà nước đặt ra và những quy định, quy chế nội bộ của một ngân hàng thương mại. Đặc thù về tổ chức dẫn đến sự phân quyền mạnh mẽ trong nội bộ ngân hàng. Do đó, ngoài việc đòi hỏi phải chấp hành pháp luật của nhà nước thì ban quản trị tối cao của ngân hàng thương mại cũng yêu cầu rất ngặt nghèo về việc phải tuân thủ các quy chế nội bộ. Một hệ thống kiểm soát nội bộ vững mạnh sẽ đảm bảo mọi thành viên tuân thủ nội quy, quy chế, quy trình mà Ban giám đốc đã thiết lập, áp dụng cho từng lĩnh vực hoạt động của ngân hàng cũng như các quy định của pháp luật trong những lĩnh vực đó; kịp thời phát hiện ra sự vi phạm để chấn chỉnh, giảm bớt nguy cơ tổn thất do những hoạt động đơn lẻ lệch khỏi quỹ đạo của ngân hàng đem lại.
Ngân hàng với nhiều hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền là hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro, chịu nhiều sự điều chỉnh của pháp luật và cũng phải gánh chịu các quy định nội bộ ngặt nghèo nhất - những quy định hoàn toàn không đơn giản của ban quản trị ngân hàng. Việc vi phạm bằng cách này hay cách khác, do chủ quan hay khách quan là không thể tránh khỏi. Kiểm soát việc tuân thủ các quy định trong hoạt động ngân hàng sẽ giúp ban quản trị đánh giá đúng về thực trạng, kịp thời đưa ra những phán quyết để bảo vệ tài sản, hạn chế tổn thất cho ngân hàng.
1.2.2.3. Dự báo và ngăn ngừa rủi ro
Hệ thống kiểm soát nội bộ của một tổ chức đóng vai trò chủ chốt trong quản trị rủi ro. Như ta đã biết, kiểm soát nội bộ không chỉ chú trọng tới công tác hậu kiểm, tức là công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ, tiến hành khi sự việc đã xảy ra. Kiểm soát nội bộ mạnh phải ngăn chặn được sai phạm, dự báo và phòng ngừa rủi ro chứ không đơn thuần là tìm ra nguyên nhân để giải quyết hậu quả. Đối với hoạt động ngân hàng, hay bất cứ một hoạt động kinh doanh nào khác, dự báo và ngăn ngừa rủi ro đương nhiên sẽ tốt hơn và tốn ít chi phí hơn so với những tổn thất xảy ra. Đánh giá rủi ro trong quản trị rủi ro nhằm vào cả những rủi ro có thể lượng hóa (như rủi ro tín dụng, rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản…) và rủi ro
không lượng hóa được (như rủi ro nghiệp vụ, rủi ro luật pháp và rủi ro liên quan đến danh tiếng của ngân hàng). Quá trình đánh giá rủi ro để xác định loại rủi ro nào ngân hàng có thể kiểm soát được, loại nào không, phát hiện nguy cơ rủi ro mới thông qua việc xem xét các lĩnh vực hoạt động mới và các giao dịch mới của ngân hàng. Đánh giá rủi ro trong quản trị rủi ro có nghĩa rộng hơn đánh giá rủi ro của kiểm soát nội bộ. Kiểm soát nội bộ thường nhằm vào những rủi ro không lượng hoá được, bắt nguồn những nguyên nhân chủ quan từ phía ngân hàng, chủ yếu là rủi ro nghiệp vụ.
Kiểm soát đối với khách hàng là một trong những biện pháp tốt để hạn chế rủi ro này. Ngoài ra, như đã phân tích trong phần trước, tổn thất xảy ra với ngân hàng không chỉ xuất phát từ khách hàng. Ngân hàng có thể phải gánh chịu tổn thất từ chính nội bộ ngân hàng đem lại do việc không tuân thủ các chính sách và quy trình đã đặt ra trước đó. Rủi ro cũng xảy ra do quy trình các hoạt động nghiệp vụ chưa được xây dựng chặt chẽ. Kiểm soát nội bộ là một bộ phận hữu hiệu giúp ban giám đốc ngân hàng phát hiện việc không tuân thủ chính sách, điểm chưa phù hợp của chính sách để kịp thời chấn chỉnh, bổ sung, hạn chế nguy cơ tổn thất cho ngân hàng.