5. Kết cấu của luận văn
4.2.1. Thực hiện đúng quy trình kiểm soát, thực hiện triệt để việc kiểm soát lẫn
nhau giữa các bộ phận tham gia quy trình
Theo thông lệ quốc tế tiên tiến nhất, chức năng Quản lý rủi ro phải được tách khỏi chức năng tác nghiệp. Hơn nữa, công tác đánh giá rủi ro và rà soát nghiệp vụ phải do những người không liên quan đến phê duyệt nghiệp vụ thực hiện và quản trị rủi ro phải được tiến hành độc lập. Ngân hàng cần có sự phân tách trách nhiệm từ cấp cao đến các cấp tác nghiệp để tránh những xung đột tiềm tàng có thể có, tuân thủ đúng nguyên tắc chuẩn trong thực hiện các hoạt động kiểm soát: phân công phân nhiệm, bất kiêm nhiệm, uỷ quyền và phê chuẩn. Để tạo sự kiểm soát lẫn nhau giữa các bộ phận tham gia quy trình nghiệp vụ, các nhiệm vụ phải được phân chia rõ ràng cho từng bộ phận như sau:
Bộ phận quản lý khách hàng có chức năng thực hiện công tác tiếp thị khách hàng, thu thập thông tin, hồ sơ về khách hàng, thực hiện thẩm định ban đầu và lập bảng đề xuất.
Bộ phận quản lý rủi ro có chức năng thực hiện rà soát kết quả thẩm định, đánh giá rủi ro của nghiệp vụ phát sinh, xác định mức độ rủi ro và lợi ích cuối cùng mà khoản tín dụng có thể mang lại để có đề xuất quyết định.
Bộ phận quản trị có chức năng phê duyệt, kiểm tra, thực hiện nhập dữ liệu vào hệ thống, tiếp nhận hồ sơ khách hàng do bộ phận quản lý chuyển sang để xử lý về mặt tác nghiệp; chỉ thị cho bộ phận thanh toán thực hiện giải ngân theo yêu cầu của khách hàng, lưu trữ hồ sơ, chứng từ giải ngân, khế ước nhận nợ gốc, thực hiện giám sát, theo dõi lập thông báo các khoản nợ đến hạn…
Việc phân chia trách nhiệm này đảm bảo được các nguyên tắc quản lý rủi ro cơ bản của một ngân hàng hiện đại theo thông lệ, hiệu quả hoạt động ngân hàng sẽ được nâng cao nhờ các rủi ro đã được nhận diện, đo lường và dự tính bù đắp trước. Cùng với việc tạo sự kiểm soát lẫn nhau giữa các bộ phận tham gia quy trình nghiệp vụ, có thể được ngăn ngừa sự thông đồng của một bộ phận với khách hàng do mọi công việc đều có sự kiểm soát lẫn nhau giữa các bộ phận, có sự tách rời
giữa tiếp xúc với khách hàng và quyết định phê duyệt nghiệp vụ, đảm bảo không có bộ phận nào đảm nhiệm hai nhiệm vụ có sự xung đột về lợi ích.
Hiện tại NHNo&PTNT Việt Nam- Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên đã có sự tách biệt về mặt tổ chức giữa khối kinh doanh/Front Office và khối quản lý rủi ro/tác nghiệp/hỗ trợ “Back/SupportOffice” đồng thời đã thực hiện phân tách chức năng quản lý rủi ro độc lập với bộ phận trực tiếp tác nghiệp/đề xuất nghiệp vụ. Điều này đã phẩn nào đảm bảo tăng cường công tác kiểm soát lẫn nhau giữa các bộ phận tham gia quy trình. Tuy nhiên việc kiểm soát này vẫn chưa được thực hiện triệt để đặc biệt trong hoạt động cấp tín dụng, vẫn còn một số trường hợp bộ phận trực tiếp tác nghiệp/đề xuất nghiệp vụ được phép thực hiện toàn bộ giao dịch mà không phải qua một bộ phận khác thực hiện. Và thực tế qua kết quả kiểm tra cho thấy vẫn còn một số trường hợp, cán bộ tác nghiệp này lợi dụng thẩm quyền của mình, không thực hiện đầy đủ quy định, quy trình dẫn đến rủi ro cho ngân hàng. Do đó để hoạt động kiểm soát nội bộ phát huy được tối đa vai trò của mình, NHNo&PTNT Việt Nam- Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên cần thực hiện triệt để việc kiểm soát lẫn nhau giữa các bộ phận trong quy trình. Cụ thể đối với hoạt động cấp tín dụng, để đảm bảo an toàn trong hoạt động cần cắt giảm và hạn chế quyền phán quyết cấp tín dụng của các cấp Phó giám đốc phụ trách Quan hệ khách hàng ; Phó Giám đốc phụ trách rủi ro/Giám đốc Chi nhánh mà thay vào đó cần đảm bảo 100% khoản vay đều được thông qua Hội đồng tín dụng Chi nhánh. Với phương thức này sẽ giảm thiểu được rủi ro đạo đức nghề nghiệp, đồng thời việc xét duyệt sẽ đảm bảo tính khách quan do có ý kiến của cả tập thể.