7. Đóng góp của luận văn
1.2. Sơ lược về cảm quan đôthị trong văn học Việt Nam
1.2.2. Giai đoạn từ thế kỷ XX đến 1945
Đầu thế kỷ XX, sự ra đời và phát triển mạnh của các đô thị nhằm phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở Việt Nam đã có tác động lớn đến đời sống kinh tế cũng như đời sống tinh thần của đa số dân chúng đặc biệt là bộ phận dân chúng sống ở các thành thị. Chữ quốc ngữ ra đời thay cho chữ Hán và chữ Nôm. Nền văn học cùng đội ngũ sáng tác dần thoát khỏi sự ảnh hưởng của văn học Trung Hoa và hội nhập với nền văn học phương tây mà cụ thể là nền văn học nước Pháp. Nghề báo in xuất bản ra đời và phát triển khiến cho đời sống văn hóa trở nên sôi nổi. Tất cả những điều kiện xã hội thời điểm này thuận lợi cho đời sống văn học đô thị của tầng lớp thị dân ra đời và phát triển.
Người được coi là tác giả mở đầu cho văn học thị dân giai đoạn này chính là Trần Chánh Chiếu. Qua tác phẩm Hoàng Tố Oanh hàm oan, các bài báo và các truyện ngắn khác, người đọc dễ dàng nhận ra tác phẩm của ông tuy còn ảnh hưởng về hình thức theo kết cấu chương hồi của tiểu thuyết Trung Quốc nhưng nội dung đã mang hơi thở của thời đại. Qua các tác phẩm của mình, Trần Chánh Chiếu đã hé mở phần nào cái hiện thực phồn tạp của cuộc sống đô thị đang thay đổi.
Phạm Duy Tốn lại mang đến cho người người đọc cái nhìn về góc khuất, mặt tối của cuộc sống đô thị. Đọc tác phẩm Nước đời lắm nỗi, ta thấy rõ một bộ phận thanh niên Việt Nam ở các đô thị bị chính quyền thực dân đầu độc bằng rượu
cồn và thuốc phiện để họ quên đi hiện thực, quên đi tinh thần yêu nước, khát vọng giải phóng dân tộc.
Đô thị càng phát triển thì đời sống đô thị, nhất là đời sống tâm hồn của con người đô thị càng được các nhà văn quan tâm thể hiện. Tác phẩm viết về tình yêu của lớp thanh niên đô thị chịu ảnh hưởng của lối sống phương Tây có sức lay động lớn đến người đọc. Tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách là một minh chứng điển hình. Đóng góp cho văn học đô thị giai đoạn này ta còn có thể kể đến nhà văn Hồ Biểu Chánh, tác giả khá nổi tiếng của văn học Nam Bộ. Ông viết khá nhiều tác phẩm như: Cay đắng mùi đời, Tiền bạc - bạc tiền, Thầy thông ngôn, Kẻ làm người chịu... Phản ánh cuộc sống nơi thị tứ, tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh
đã ghi lại bức tranh đô thị ở nhiều địa điểm, với đủ hạng người ở các tầng lớp khác nhau, từ giang hồ, anh chị bến xe, nhà ga đến giới trí thức tân học hoặc có chí khí, có lòng với dân với nước.
Văn học Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, đặc biệt là giai đoạn 1930 - 1945 đã mau lẹ hoàn tất quá trình hiện đại hóa từ quan điểm nghệ thật đến vấn đề cách tân thể loại. Sự ra đời của Thơ mới đã đem đến cho văn học thời kì này diện mạo của một nền văn học mới. Một trong những thành tựu đặc sắc của thơ ca thời kì này là sự phong phú về đề tài. Đây là giai đoạn các nhà thơ đã tiến hành công cuộc cách mạng đề tài. Trong đó, đô thị là mảng hiện thực luôn đem đến nhiều cảm hứng cho các nhà văn và để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Trong số các nhà Thơ mới, có thể nói đến Thế Lữ là người có nhiều gắn bó với chốn thị thành. Ông đã từng hăm hở ra đi mang theo một hoài bão, một niềm tin mãnh liệt vào tương lai:
“ Bỗng một hôm từ phương ngoài xa cách
Cơn gió phồn hoa thổi qua đời tịch mịch
Giữa vinh hoa lồng lộng của văn minh.”
(Trả lời )
Không chỉ Thế Lữ mà ngay cả Nguyễn Bính, người thôn dân được coi là thi sỹ của hồn quê đất Việt cũng không cưỡng nổi sức hút của đô thành. Trong cuộc đời phong trần của mình ông đã không ít lần từ biệt chốn bờ lau gốc chuối để dấn bước vào chốn phồn hoa:
“ Bỏ vườn cam, bỏ mái gianh
Tôi đi dan díu với kinh thành ”
(Hoa với rượu )
Sức hấp dẫn của chốn phồn hoa là một ma lực khó cưỡng. Có lúc, nó đủ sức để đánh bật những ràng buộc, níu giữ của truyền thống xưa đã ăn sâu vào tiềm thức của một con người được coi là “con nhà nho cũ gắn với thôn quê” như
Nguyễn Bính. Vậy mà không ít lần dấn bước vào phồn hoa đô hội. “Phồn hoa rộn rã áo xiêm,
Muôn bao hình ảnh có tìm như không.”
(Mười hai bến nước )
Cùng viết về đề tài thành thị, bên cạnh những đặc điểm chung, mỗi nhà thơ lại tạo nên một bức tranh về đô thị theo cảm nhận riêng của mình. Trong đó có bức tranh đô thị rực rỡ ánh đèn, là tiếng gọi của công danh, vinh hoa, nhưng cũng là nơi bon chen lừa lọc, sự tha hóa, ngột ngạt, nỗi “sầu đô thị”. Háo hức với đô thị là thế mà rồi Nguyễn Bính cũng phải thở than:
“Chẳng đợi mà xuân vẫn cứ sang Phồn hoa thôi hết mộng huy hoàng Sớm nay sực tỉnh sầu đô thị”
Còn Thế Lữ, sự tiên phong, hăm hở, thiết tha gắn bó với đô thị giúp ông nhận ra đằng sau sự hào nhoáng, phồn hoa là sự giả dối, tầm thường khiến ông chán ghét:
“... Ghét những cảnh sửa sang tầm thường giả dối Hoa chăm cỏ xén, lối phẳng, cây trồng
Dải nước đen giả suốt chẳng thông dòng Len dưới lách những mô gò thấp kém...”
( Nhớ rừng )
Có thể thấy, Thơ mới đã góp một phần không nhỏ trong việc phản ánh sâu rộng cuộc sống ở thành thị và bao chứa nhiều đề tài khác nhau trong đó đề tài về đô thị là mảng đề tài được nhà thơ chú ý đến. Từ hiện thực cuộc sống, các nhà thơ sáng tạo nên những bức tranh nghệ thuật về đô thị đầy sức sống. Việc đi sâu, khám phá bức tranh đô thị trên bình diện rộng với những vấn đề ngoại cảnh, nội tâm, các cây bút đã có cách nhìn mới về con người và xã hội mang chiều sâu tư tưởng và nghệ thuật. Trong các bức tranh hiện thực sinh động về đô thị, mỗi nhà thơ lại lựa chọn từng điểm nhìn để sáng tạo. Do vậy, cùng viết về đô thị, mỗi nhà thơ đã tạo cho mình một bức tranh riêng để tạo ra một bức tranh đô thị nhiều chiều, đa sắc, đa xúc cảm.
Song hành cùng các nhà thơ mới, sự ra đời của nhóm văn chương Tự lực văn đoàn năm 1932 đã cổ súy không chỉ cho Thơ mới mà cho cả nền văn xuôi hiện đại phát triển. Họ tiếp nhận và cổ súy cho nền văn minh phương Tây với cuộc sống Âu hóa. Họ nhiệt thành với lối sống thành thị bởi nó đã giải phóng con người khỏi những hủ tục của xã hội phong kiến. Đồng thời cho ra đời những con người mới mang đậm cái “tôi” của đô thị hiện đại. Các nhà văn của Tự lực văn đoàn mà tiêu biểu là Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo đã thể hiện rõ sự xung đột giữa
“cái cũ” và “cái mới”, đề cao quyền được sống, quyền được yêu của con người.
của Tự lực văn đoàn vì thế mà thoát khỏi tư tưởng cũ. Họ ca ngợi và có những quan niệm mới về hôn nhân. Những cô gái tân thời, những chàng trai tiến bộ vượt qua lễ giáo phong kiến đến với nhau trong tình yêu. Đô thị trong cảm quan các nhà văn lãng mạn không chỉ là chốn hoa lệ, tấp nập đông vui mà ở đó còn là chốn ăn chơi trụy lạc. Thanh niên ngập tràn trong rượu, thuốc phiện, cô đầu hay gái làng chơi.
Cũng là thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn nhưng trong tác phẩm của Thạch Lam đô thị lại hiện ra với những không gian hoàn toàn khác. Có lẽ, Thạch Lam là người hoài cổ nên bóng dáng đô thị trong tác phẩm của mình là bóng dáng hình ảnh phố huyện nhỏ bé, tiêu điều, tối tăm, nơi ông đã từng sống. Ở đó không có sự đông đúc, huyên náo với nhà cao cửa rộng mà chỉ hiện lên với những ga xép, những phiên chợ tàn. Con người đô thị cũng vì thế hiện lên cũng tù túng, quẩn quanh với cuộc sống mỏi mòn.
Khác với các nhà văn theo xu hướng lãng mạn, các nhà văn theo xu hướng hiện thực lại nhìn cuộc sống đô thị bằng những cảm quan riêng. Tiêu biểu cho xu hướng này ta phải kể đến Vũ Trọng Phụng. Khi đáp lời các nhà văn lãng mạn trên báo Ngày nay ông đã tuyên bố: “Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi, muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời”. Các
nhà văn hiện thực phê phán nhìn đô thị bằng con mắt chân thực, cảm nhận cuộc sống đô thị phồn tạp như chính nó đang tồn tại. Cuộc sống Âu hóa đã tạo ra sự hợm hĩnh, đua đòi, a dua. Đô thị vì thế gắn liền với những tệ nạn xã hội như nghiện hút, cờ bạc, trai gái. Các nhà văn hiện thực đã vạch trần cuộc sống đô thị đen tối ẩn chứa đằng sau sự hào nhoáng kia. Với các tiểu thuyết: Giọt lệ sông Hương, Đời Hoàng Oanh và các tập phóng sự: Tôi kéo xe, Đêm sông Hương, Người...Ngợm, tác giả Tam Lang đã vẽ lên bức tranh về đô thị tạp nham, cuộc sống khốn khó, cùng cực. Con người bị bóc lột, bị xô đẩy đến bước đường cùng. Với các tập phóng sự: Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy tây, Làm đĩ, Cơm thầy cơm cô...Vũ Trọng Phụng đã lật tẩy cuộc sống bẩn thỉu, nhếch nhác, tối tăm của xã hội
đương thời. Ông phơi bầy mặt trái đầy ung nhọt của xã hội với cờ bạc bịp, bọn ma cô, đĩ điếm. Ông chỉ thẳng và gọi tên đó là một “xã hội chó đểu”. Cái “xã hội
chó đểu” ấy Vũ Trọng Phụng đã tái hiện vô cùng sinh động trong tiểu thuyết Số đỏ. Qua tác phẩm, tác giả đã dựng lên một xã hội Âu hóa lố lăng, kệch cỡm. Chính
cái xã hội được những kẻ hãnh tiến, vênh váo ngợi ca đã đẻ ra Xuân tóc đỏ, từ một kẻ không cha, không mẹ lang thang đầu đường xó chợ, từ một thằng nhặt bóng được bà Phó Đoan thương xót, cưu mang vì nó có hành vi nhìn trộm một cô đầm thay váy bị bắt quả tang. Được ra nhập xã hội thượng lưu với sự ma cô cộng với may mắn, Xuân tóc đỏ dần trở nên danh giá và cuối cùng đã trở thành vĩ nhân - anh hùng cứu quốc.
Cũng là nhà văn xuất phát từ cuộc sống cơ cực nhưng Nguyên Hồng lại cảm nhận đời sống đô thị ở một góc độ khác. Tác giả đã đi sâu thể hiện quá trình tha hóa của con người nơi đô thị khi họ bị xô đẩy khỏi lũy tre làng bởi những định kiến khắc nghiệt của xã hội cũ. Tám Bính trong tiểu thuyết Bỉ vỏ là một cô gái quê mùa, trót trao thân cho kẻ bội tình để rồi phải sống tủi cực khi sinh nở một mình. Những hủ tục của xã hội phong kiến đã làm cô phải trốn chạy lên thành phố. Từ đây, đô thị là nơi chứa đầy cạm bẫy với một cô gái quê như Tám Bính. Đi tìm lại người yêu cô bị lừa gạt, cưỡng ép và trở thành một gái điếm. Cuộc đời xô đẩy đã khiến số phận cô gắn chặt với tên trùm lưu manh Năm Sài Gòn để cuộc đời cuối cùng gắn chặt với lao tù và niềm đau đớn, ân hận về đứa con do chính Năm Sài Gòn hại chết.
Dưới con mắt trào phúng và tài viết truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, đô thị là nơi đầy dẫy những điều nhố nhăng và bỉ ổi. Ở đó, bọn nhà giàu đểu cáng, khốn nạn thì sống phè phỡn, còn người nghèo thì bị ức hiếp cùng khổ.
Nhà văn hiện thực cuối cùng tiêu biểu cho văn học giai đoạn này chính là Nam Cao. Ông không trực diện phản ánh đời sống thành thị với những cảnh bất công, ngang trái mà đi sâu vào thể hiện cuộc sống tù túng, bế tắc của tầng lớp trí thức. Họ luôn phải đối diện cơm, áo, gạo, tiền. Gánh nặng vật chất đã đè bẹp giấc
mơ hoài bão, khát vọng. Từng trang văn trong Sống mòn, Đời thừa,Giăng sáng...
ta thấy hiển hiện điều đó.
Có thể nói giai đoạn này, cảm quan đô thị đã trở thành cảm quan chủ đạo khi phản ánh xã hội và cuộc sống của con người. Dù văn học theo xu hướng thẩm mỹ nào thì đô thị cũng hiện lên khá rõ nét. Nếu như các nhà văn lãng mạn muốn thoát ly thực tại để cổ súy cho cuộc sống mới thì các nhà văn hiện thực phê phán lại phơi bầy tất cả sự nhố nhăng, bát nháo, đảo điên của xã hội. Chính điều này tạo nên bức tranh toàn diện về đô thị hiện đại Việt Nam trong buổi giao thời.