7. Đóng góp của luận văn
3.3. Không gian và thời gian nghệ thuật
3.3.2. Thời gian nghệ thuật
Cũng như không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật là dạng tồn tại mang tính đặc thù của vật chất, nghĩa là nghệ thuật có thời gian riêng để thể hiện phương thức tồn tại và triển khai thế giới. Nếu như không gian nghệ thuật không phải là không gian vật lý thì thời gian nghệ thuật cũng chưa phải tồn tại trong thời gian vật chất, mà thời gian nghệ thuật luôn vận động, biến đổi gắn liền với sự cảm thụ về thời gian của tác giả.
Các tác giả trong cuốn Từ điển tiếng Việt cho rằng: “thời gian là hình thức
tồn tại cơ bản của vật chất (cùng với không gian) trong đó vật chất vận động và phát triển liên tục, không ngừng”[45]. Đứng về phương diện triết học, “thời gian là hình thức tồn tại của vật chất bao gồm những thuộc tính, độ lâu của sự biến đổi, trình tự xuất hiện và mất đi của sự vật, các trạng thái biến đổi khác nhau của thế giới vật chất.”[45]. Như vậy thời gian là một phạm trù cơ bản của cuộc sống.
Thế giới tự nhiên và con người đều tồn tại trong quá trình vận động của thời gian. Tuy nhiên thời gian vật chất và thời gian nghệ thuật có những phạm trù riêng. Những sự kiện trong tác phẩm nghệ thuật không thể tồn tại trong thời gian vật chất. Bởi ở tác phẩm nghệ thuật, con người có quá trình vận động và phát triển riêng. Trong tác phẩm nghệ thuật, con người có thể trải qua một cuộc đời, một ngày, trải qua nhiều thế hệ, hoặc quay về quá khứ, hay nhảy vượt tới tương lai. Như vậy thời gian nghệ thuật có thể mang tính liên tục, cái này xảy ra sau cái kia theo một trình tự nhưng cũng có thể đảo ngược sự liên tục của nó. Bởi thế thời gian nghệ thuật có thể đảo ngược quay về quá khứ. Người nghệ sĩ có thể chọn điểm bắt đầu và kết thúc, có thể là nhanh hay chậm, có thể kể xuôi hay đảo ngược, có thể chọn độ dài một khoảnh khắc hay nhiều thế hệ, nhiều cuộc đời. Thời gian thể hiện ý thức sáng tạo chủ động, tự do mang đậm dấu ấn của tác giả.
Trần thuật trong văn học nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn nhất định trong thời gian. Cái được trần thuật bao giờ cũng diễn ra trong thời gian, được biết qua thời gian. Thời gian nghệ thuật vừa là hình thức hiện hữu, vừa là hình thức tư duy của con người được diễn tả bằng ngôn từ trong quá trình miêu tả tính cách, hoàn cảnh, đường đời của nhân vật.
Thời gian nghệ thuật là hình thức nghệ thuật, sản phẩm sáng tạo của tác giả bằng các phương tiện nghệ thuật nhằm làm cho người thưởng thức cảm nhận được: hoặc hồi hộp đợi chờ, hoặc thanh thản vô tư, hoặc đắm chìm vào quá khứ. Nhưng thời gian nghệ thuật cũng không phải là một hiện tượng của tâm lý mà cá nhân người đọc muốn cảm thụ nhanh chậm tùy ý. Thời gian nghệ thuật là một sáng tạo khách quan trong chất liệu. Nếu như một tác phẩm có thể gây hiệu quả
hồi hộp đợi chờ thì đối với ai, lúc nào, khi cảm thụ thời gian ấy đều xuất hiện. Điều đặc biệt là thời gian nghệ thuật là một biểu tượng, một tượng trưng, thể hiện một quan niệm của nhà văn về cuộc đời và con người.
Như vậy thời gian nghệ thuật trong văn học khác với thời gian khách quan, nó có thể trôi rất nhanh, bị dồn nén hay kéo dài cái chốc lát thành vô tận.
Có thể nói thời gian nghệ thuật được xây dựng theo cách cảm nhận thời gian của con người. Phản ánh sự cảm thụ thời gian của con người trong từng thời kỳ lịch sử, từng giai đoạn phát triển, thể hiện sự cảm thụ độc đáo của tác giả về phương thức tồn tại của con người trong tác phẩm.
Thời gian nghệ thuật là sự sáng tạo của nghệ sĩ để tạo ra “một thế giới nghệ
thuật có thể trường tồn trong thời gian” (Trần Đình Sử). Như vậy thời gian nghệ
thuật đã góp phần bộc lộ rõ quan điểm và tư tưởng của nhà văn. Có khi nhà văn tổ chức vận hành thời gian nghệ thuật trong tác phẩm của mình theo diễn biến của câu chuyện, được trình bày theo sự phát triển trước sau của thời gian. Đó là thời gian sự kiện, thời gian này được tính theo độ dài thời gian mà nó diễn ra. Các sự kiện được xâu chuỗi và xuất hiện một cách tuần tự, không đứt quãng. Tác phẩm không có thời gian chết và sức hấp dẫn của nó là ở nhịp điệu dẫn dắt câu chuyện.
Bên cạnh kiểu thời gian này còn có kiểu thời gian tâm lý. Nhà văn kéo dài thời gian để diễn đạt tâm trạng chờ đợi của nhân vật, có khi buộc thời gian phải đứng lại vận động theo chiều ngược lại hay vận động ngược chiều để thể hiện sự hồi tưởng của nhân vật. Quá khứ, hiện tại và tương lai không tách rời mà đan cài lẫn nhau; cái hôm qua hiện hữu trong cái hôm nay, cái hôm nay dự báo cái ngày mai. Điều đó thể hiện quan niệm về sự vận động biện chứng của con người và lịch sử.
Thời gian nghệ thuật rất đa dạng. Nó là một thuộc tính tất yếu của hình tượng nghệ thuật. Các nhà văn khi sáng tạo nên công trình nghệ thuật thường sử
dụng yếu tố thời gian nghệ thuật như một phương tiện cần thiết để tái hiện đời sống con người.
Khi nghiên cứu thời gian nghệ thuật, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra một số cách phân loại.
M.Bakhtin (nhà nghiên cứu văn học Nga) trong bài viết Tiểu thuyết giáo dục và ý nghĩa của nó trong lịch sử chủ nghĩa hiện thực (Tạp chí văn học số 4
- 1999) đã phân chia thời gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học thành bốn loại: thời gian phiêu lưu, thời gian cổ tích, thời gian tiểu sử và thời gian lịch sử. G.S Trần Đình Sử quan niệm trong tác phẩm văn học có thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật:
Thời gian trần thuật là thời gian vận động theo dòng vận động tuyến tính một chiều của văn bản ngôn từ. Người ta nói văn học là nghệ thuật thời gian bởi văn học diễn đạt các sự vật hiện tượng theo trật tự thời gian của lời nói liên tục, từ câu đầu đến câu cuối cùng, không đảo ngược. Thời gian trần thuật là thời gian của người kể, của sự kể. Nó có mở đầu và kết thúc; có tốc độ và nhịp độ riêng do người kể có thể nhanh hay chậm, kể lướt hay kể tỉ mỉ, dừng lại miêu tả chi tiết; có thể sắp xếp trật tự thời gian của sự việc đem cái xảy ra sau kể trước và ngược lại; nó luôn mang thời hiện tại (tương ứng với thời hiện của người nói).
Thời gian được trần thuật là thời gian của sự kiện được nói tới bao gồm: thời gian sự kiện, thời gian nhân vật, thời gian thiên nhiên, thời gian sinh hoạt, thời gian phong tục, thời gian xã hội lịch sử.
Nghiên cứu thời gian nghệ thuật trong các tiểu thuyết viết về đô thị của Phong Điệp chúng tôi thấy thời gian nghệ thuật trong các tiểu thuyết chủ yếu là thời gian tâm lí được thể hiện trên hai bình diện: Độ căng và sức nén cua thời gian và mất ý thức về sự diễn tiến của thời gian. Chính nó đã góp phần làm nên thành công của tiểu thuyết viết về đô thị của Phong Điệp.