7. Đóng góp của luận văn
1.2. Sơ lược về cảm quan đôthị trong văn học Việt Nam
1.2.3. Giai đoạn từ 1945 đến 1975
Con người trong văn học thời kì này thường xuất hiện với tư cách con người cộng đồng, con người dân tộc. Đề tài đô thị cũng tập trung phản ánh chân dung những công dân - chiến sĩ, những nhân vật thị dân hiện lên phần ít thiện cảm. Đôi mắt của Nam Cao khắc họa nhân vật trí thức tiểu tư sản - nhà văn Hoàng, về nông thôn tản cư vẫn giữ những tư tưởng, nếp sống của người thành thị. Vào thời điểm đó, lối sống đô thị trở nên lạc lõng và không phù hợp với đời sống của quần chúng lao động.
Khác với Nam Cao, Tô Hoài viết Những ngõ phố phản ánh sự đổi đời của
những người dân nghèo nơi đô thị. Họ thoát khỏi cuộc sống đói khổ để đến với cuộc sống mới vui vẻ, tự do, ấm áp tình người. Họ hăng hái xây dựng lại cuộc sống, làm lại từ đầu, trở về với chính mình.
Hà Minh Tuân đề cập đến cuộc sống đô thị ở Trong lòng Hà Nội và
Hai trận tuyến. Hai tiểu thuyết này viết về cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Hà Nội. Đến tiểu thuyết Vào đời, tác giả này tiếp tục khai thác đề tài xây dựng xã hội mới, không né tránh hay bóp méo hiện thực mà phản ánh trung thực cuộc sống thực tại.
Tác giả Nguyễn Huy Tưởng viết Sống mãi với thủ đô. Trong đó, thủ đô Hà Nội được chọn làm bối cảnh cho các nhân vật với một hình ảnh anh dũng, kiên cường. Không khí kháng chiến len lỏi vào từng ngõ phố.
Nguyễn Tuân viết Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi. Hà Nội hiện lên trong tập ký của ông với hình ảnh hiên ngang và hào hoa, đi qua công cuộc kháng chiến chống Mỹ anh hùng. Mảnh đất thủ đô được khắc họa như hương đất, hồn người của dân Việt qua những đêm trăng, những nhành hoa, vườn quất.
Ngoài ra, có một bộ phận các nhà văn sáng tác trong miền Nam những năm 1954 - 1975. Lấy chất liệu từ hiện thực cuộc sống và chủ yếu hướng tới hiện thực cuộc sống, tác phẩm văn xuôi giai đoạn này đã đáp ứng được khá linh hoạt nhu cầu của người đọc tại các vùng đô thị. Các tác phẩm văn xuôi giai đoạn sau 1954 không chỉ giới hạn trong những đề tài cổ điển như nói về cuộc sống của người thành thị, trí thức, tình cảm lãng mạn, phiêu lưu hay nỗi nhọc nhằn, đói khổ của những người nghèo. Văn xuôi hướng đến tất cả mọi vấn đề từ cao cả đến thấp hèn, hướng đến mọi đối tượng từ người lớn đến trẻ em, từ giới trí thức đến người lao động, nhưng tập trung nhất vẫn là đề tài tình yêu với đủ mọi cung bậc, biến thái khác nhau.
Nói chung, ở giai đoạn này, đặc biệt ở miền Bắc, con người và xã hội đô thị ít được chú ý trong văn học. Văn học chủ yếu khai thác đề tài từ hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Vậy nên, cảm quan đô thị cũng trở nên mờ nhạt. Còn ở Miền Nam, đời sống xã hội đã tiệm cận với đô thị phương Tây nên cảm quan đô thị trong văn học miền Nam có bước tiến sớm hơn văn học miền Bắc.