Sự di động điểm nhìn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cảm quan đô thị trong tiểu thuyết của phong điệp (Trang 85 - 91)

7. Đóng góp của luận văn

3.2. Ngôi kể và điểm nhìn

3.2.2.2. Sự di động điểm nhìn

Trong tác phẩm tự sự, khi trần thuật lại câu chuyện, một nhà văn tài năng không bao giờ sử dụng điểm nhìn trần thuật một cách cứng nhắc bởi như thế sẽ tạo cho tác phẩm một sự đơn điệu, xơ cứng và nhàm chán mà luôn có sự di chuyển điểm nhìn một cách linh hoạt, đầy biến hóa. Ở tiểu thuyết Blogger, Phong Điệp luôn có ý thức di chuyển điểm nhìn trần thuật giữa các nhân vật, và trượt điểm nhìn từ điểm tác giả sang điểm nhìn nhân vật để tạo nên một cái nhìn đa diện về hiện thực, con người đô thị.

Điểm nhìn được thay đổi từ điểm nhìn bên ngoài đến điểm nhìn bên trong, từ điểm nhìn của một người đến điểm nhìn của số đông, có khi điểm nhìn trao cho nhân vật này, lúc thì trao cho nhân vật khác, nghĩa là toàn truyện có một sự di chuyển điểm nhìn liên tục. Trong các tuyến truyện được kể từ điểm nhìn của người kể chuyện ngôi thứ ba, Phong Điệp thường sử dụng phương thức trần thuật khách quan, phản ánh hiện thực theo cái nhìn bên ngoài của người kể chuyện có khoảng cách nhất định đối với nhân vật. Nhưng sang đến những tuyến truyện khác, tác giả lại di chuyển điểm nhìn của người trần thuật đến nhân vật, trần thuật câu chuyện theo điểm nhìn bên trong của nhân vật. Lúc này, người kể chuyện đã hóa

theo con mắt của nhân vật và trần thuật bằng chính giọng điệu của nó. Người đọc lúc này có cảm giác khoảng cách giữa người trần thuật với nhân vật trên thực tế đã bị thủ tiêu, điểm nhìn của cả hai phía hòa vào nhau.

Như vậy, có thể thấy rằng sự di chuyển điểm nhìn trần thuật xuất hiện thường xuyên và liên tục trong Blogger là do sự đan xen linh hoạt giữa các ngôi kể: ngôi

thứ nhất với điểm nhìn bên trong, ngôi thứ ba với điểm nhìn bên ngoài và kết hợp bên trong và bên ngoài.

Các điểm nhìn di chuyển liên tục từ nhân vật này sang nhân vật khác. Các nhân vật được soi chiếu từ nhiều góc, rõ đến mức như có thể chạm vào. Vì thế, sự di chuyển điểm nhìn có khi là từ ngoài vào trong hoặc có khi ngược lại từ trong ra ngoài vô cùng linh hoạt làm cho mạch trần thuật trở nên mới lạ làm cho câu chuyện được soi chiếu dưới nhiều góc độ khác nhau.

Chúng ta có thể khảo sát trường hợp một nhân vật được soi chiếu dưới nhiều điểm nhìn khác nhau từ đó bức chân dung về nhân vật ngày càng thêm rõ nét qua hai nhân vật là Phong và Hạ trong Blogger.

Trước hết là Phong, với lời tự giới thiệu ngắn gọn của chính nhận vật: “Tôi

là một nữ blogger. Mắt cận. Tóc ngắn. 25 tuổi”, người đọc có thông tin về công

việc, ngoại hình, tuổi tác của cô, nhưng ấn tượng về nhân vật Phong khá mờ nhạt. Từ điểm nhìn bên trong của chính nhân vật đến điểm nhìn bên ngoài của các thành viên Hội những người thích tự do, nơi Phong được Diệp, một cô bạn thân rủ đến. Đến với họ, hình ảnh Phong hiện ra thật rõ nét trong sự chú ý của mọi người. Trong suy nghĩ của họ, những tưởng một nữ “blogger” chủ nhân của một blog

gây sốt trong giới trẻ phải là một “cô gái rất thời thượng: tóc highlight, ipod nghe

24/24, và có thể sở hữu một hình xăm nhỏ trên rốn.”[18, tr. 102]. . Thế nhưng

trong mắt họ Phong là một cô gái “hầu như không có điểm gì đặc biệt ngoài một đôi mắt khá sầu muộn. Suốt cuộc gặp gỡ cô ta như bị gắn xi vào miệng. Giương mắt nhìn hết người này đến người kia. Và hơi luống cuống khi bị mọi người quan tâm.”[18, tr. 102]. Suốt buổi gặp gỡ “trông cô ta ngơ ngác và có vẻ sững sờ... Cô

ta dè dặt ngồi xuống ghế. Đôi kính mắt trễ xuống ngang sống mũi, để lộ đôi mắt xám xịt vì mất ngủ. Trông cô ta hơi ốm.”[18, tr. 101]. Dưới điểm nhìn của những người trong Hội những người thích tự do, sự hiện đại về ngoại hình của một “blogger” không hề có, sự nhanh nhẹn, minh mẫn, nhạy cảm, thời thượng của

một nhà văn mạng biến mất, thay vào đó là một cô gái cũ kĩ, mệt mỏi với ánh mắt thâm quầng vì thiếu ngủ triền miên, hay cắm mặt vào máy tính, sống với thế giới ảo nhiều hơn mà trở nên ngờ nghệch với thế giới thực. Không chỉ về ngoại hình, dưới điểm nhìn bên ngoài của những người bạn của Diệp, Phong trở thành một cô gái nhút nhát, thụ động, thiếu kĩ năng giao tiếp và tâm hồn thì u sầu và cô độc, sự hòa nhập với thế giới thực ở Phong hầu như mờ nhạt khi suốt buổi gặp gỡ cô luôn mang vẻ mặt ngơ ngác, sững sờ và gần như im lặng. Dưới góc nhìn này, Phong Điệp khéo léo gửi đi một thông điệp về tình trạng sống ảo của nhiều bạn trẻ ở các đô thị, các bạn trẻ đang quên đi cuộc sống thực với những mối quan hệ thực, mà đắm chìm vào thế giới ảo, với những mối quan hệ ảo, tình trạng ấy khiến các bạn luôn ngơ ngác trước cuộc đời, luôn âu sầu, lo lắng thậm chí cảm thấy bế tắc với cuộc sống thực. Sự bế tắc có thể gây nên những hậu quả đáng tiếc. Thông điệp này phải đủ tinh tế, người đọc mới nhận ra vì đó không phải phát ngôn của nhà văn mà đó là tầng ý nghĩa ngầm, ẩn sau sự cảm nhận và cái nhìn của nhân vật. Một thông điệp hoàn toàn khách quan, không mang tính áp đặt hay tính một chiều của nhà văn.

Đến nhân vật Hạ trong Blogger, Phong Điệp cũng xây dựng nhân vật này

từ những điểm nhìn bên ngoài khác nhau. Với điểm nhìn của người mẹ thì Hạ là một cô con gái đáng tự hào nhưng bướng bỉnh, dưới con mắt của lão sếp, là cô nhân viên không biết điều. Ở điểm nhìn của mẹ Quân, người yêu cô, cô là hình ảnh khiến bà khó chịu, ngoại hình, hành động của cô cũng không gây được thiện cảm với bà: “Nó có đôi mắt lạnh lẽo... Người nó thì xanh rớt. Nói năng thì ấp a

ấp úng. Làm việc gì thì rón ra rón rén.”[18, tr. 134]. Với con mắt của một người

nhìn của Quân, cô từ người yêu bé bỏng, ngoan hiền đến cô gái nhiều đòi hỏi, và trở nên hư hỏng khi cùng lão sếp lên taxi đi xa mấy chục cây số rồi cùng nhau chui vào một nhà nghỉ. Còn với Quyên, một người bạn của Hạ, làm nghề cắt tóc gội đầu, việc Hạ có ý định bỏ việc ở cơ quan đến làm cùng Quyên thì bị Quyên cho là điên rồ, còn việc Hạ mặc kệ cho Quân bỏ rơi mình đi với cô gái khác mà chẳng hành động hay phản ứng gì thì bị Quyên cho là ngu. Còn khi Hạ chết, dưới ánh mắt vô cảm của những kẻ cùng cơ quan đến viếng, cô trở thành kẻ bất bình thường.

Với các nhà văn viết đề đô thị khác, điểm nhìn thường có tính xác thực, tức là điểm nhìn thường là ở các nhân vật có tên tuổi, hoặc lai lịch rõ ràng để tạo ra tính tin cậy tương đối, người đọc có thể nhìn nhận, đánh giá điểm nhìn đó đúng hay sai, phù hợp hay không phù hợp. Nhà văn đóng vai trò gì trong các điểm nhìn. Phong Điệp lại khác, chị hay sử dụng điểm nhìn từ những nhân vật thiếu tính xác thực nhân vật thường không tên, không lai lịch, khó có thể xác định nhân vật đó là ai, làm nghề gì, đạo đức ra sao. Phong Điệp không tạo tính xác thực, cũng không thể hiện vai trò của nhà văn trong điểm nhìn của các nhân vật, chị chỉ đóng vai là người ghi lại câu chuyện một cách chính xác theo lời kể của nhân vật. Có thể chính điều này đã tạo nên sự khác biệt trong các tác phẩm viết về đô thị của Phong Điệp khi điểm nhìn của các nhân vật không chịu sự chi phối của tác giả, cũng không mạng nặng định kiến từ chính thế giới quan của nhân vật kể chuyện khiến cho câu chuyện đô thị không chỉ mang tính khái quát, mà còn trung tính, khách quan. Điển hình Phong trong Blogger, ngoài điểm nhìn bên trong từ chính nhân vật, điểm nhìn của tác giả, còn các điểm nhìn bên ngoài khác ta khó có thể xác định chính xác là điểm nhìn của ai, bởi nhân vật thường bị giấu tên, điểm nhìn đó có thẻ là một người bạn biết mặt, hay một người bạn chưa một lần gặp ngoài đời mặc dù có thể hàng ngày vẫn trò chuyện trên “diễn đàn”. Ở nhân vật Hạ cũng vậy, ngoài điểm nhìn từ các nhân vật xác quyết, Phong Điệp còn để nhân vật hiện hữu qua hàng loạt điểm nhìn của những nhân vật không xác quyết, có thể đó là điểm

nhìn của một người khách đến dự đám cưới Quân đã thấy Hạ: “Cô độc - đứng

nép vào góc hành lang - như một cây non cần cột chống, phòng cơn gió to. Khuôn mặt phờ phạc, Một chút son vương lại trên môi, nhợt nhạt. Nó khiến cô ta trông mệt mỏi hơn là không còn chút son nào” [18, tr. 214], cũng có khi Hạ xuất hiện

trong góc nhìn của những người qua đường không quen biết: “Tôi từng nhìn thấy cô ta trên phố”; “tôi nhìn thấy cô ta ngồi co ro trong quán nước ven đường.”; “Một lần khác , là ở cửa hàng quần áo thu đông.”; “Một lần khác , tôi gặp cô ta trong một cửa hàng sách giảm giá trên phố.”; “Một lần khác , ủ rũ trong hàng cơm bụi.”; “Một lần khác, chồn chân bên trạm đợi xe bus”[18, tr. 216, 217]. Với những điểm nhìn từ những nhân vật không xác quyết, hình ảnh Hạ đau khổ, chán nản, bế tắc, tuyệt vọng hiện lên thật rõ nét. Sự đa dạng điểm nhìn càng tô đậm cái bế tắc tuyệt vọng của nhân vật.

Sự di động điểm nhìn trong tiểu thuyết của Phong Điệp như một camera khi quay xa, bao quát với ngôi kể số ba gắn với điểm nhìn toàn tri của nhà văn, có khi lại quay cận cảnh với ngôi kể số một gắn với điểm nhìn bên trong của nhân vật để người đọc thấu tâm can, thấu những uẩn khúc trong tình cảm, thái độ của nhân vật. Trong mối quan hệ giữa mẹ Quân, và Hạ, nếu ở ngôi kể số ba, gắn với điểm nhìn của tác giả, người đọc dễ ngộ nhận mẹ Quân là một người mẹ ghê gớm, bà ở nông thôn nên bà luôn có cái nhìn cổ hủ và khắt khe với những cô gái sống ở đô thị như Hạ. Việc Hạ gọi điện cho Quân lúc nửa đêm, và ở một mình là điều hoàn toàn bình thường nơi thành phố với một cô gái. Từ điểm nhìn khách quan bên ngoài, người đọc dễ đổ lỗi cho bà, chính bà cản trở Quân đến với Hạ, coi bà chính là nguyên nhân dẫn đến đau khổ và bế tắc của Hạ trong tình yêu. Nếu chỉ dừng lại ở đó thì điểm nhìn của Phong Điệp có lẽ là cái nhìn một chiều, thiếu dân chủ và không phù hợp với việc tái hiện cuộc sống đô thị. Phong Điệp với sự nhạy cảm và đủ tinh tế để di chuyển điểm nhìn, từ điểm nhìn bên ngoài với ngôi kể số ba vào điểm nhìn bên trong với ngôi kể số một, để cho chính nhân vật lên tiếng, bộc bạch nỗi niềm. Chính sự bộc bạch ấy, ta hiểu được nguyên nhân mẹ Quân

không chấp nhận Hạ làm con dâu mình vì bà hiểu rằng: “Thằng con tôi là một thằng quen thói ỉ lại. Nó cần một con vợ tháo vát đảm đang. Con bé ấy không có vẻ tháo vát, hay đảm đang”[18, tr. 134]. Sự cấm cản ấy bắt nguồn từ sự yêu thương, lo lắng của một bà mẹ cho con mình cũng là điều bình thường và dễ cảm thông, ngoài ra, qua lời mẹ Quân người đọc còn được thấy một phần khác của con người Hạ. Đành rằng mẹ Quân mắng chửi Hạ là đồ đĩ thõa, lăng loàn là một sự xúc phạm khó có thể chấp nhận được, thế nhưng, việc Hạ dọa kiện bà ta ra tòa, lại là cách hành xử thiếu tê nhị, một cách hành xử mạng nặng lối sống dân chủ đô thị nặng tính trọng lý, đôi khi lại thiếu phù hợp trong những mối quan hệ tế nhị nhất là với mẹ Quân, một người quen lối sống nông thôn coi trọng tình cảm.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng hai nhân vật trên đã được đặt trong trung tâm của các điểm nhìn. Điểm nhìn trần thuật thường xuyên có sự thay đổi, dịch chuyển, đan xen giữa lời nhân vật và lời tác giả. Nhờ vậy, tâm trạng của nhân vật được soi chiếu từ nhiều chiều kích khác nhau, hiện lên rất sống động và đầy đủ. Việc trần thuật từ điểm nhìn của nhiều nhân vật đã tạo ra nhiều góc quét của "máy

quay" khác nhau, làm cho đối tượng miêu tả trở nên đa chiều.

Sự di chuyển điểm nhìn của các nhân vật, từ nhân vật này sang nhân vật khác vô cùng linh hoạt đã giảm thiểu đáng kể sự khô cứng và hạn hẹp nếu tác phẩm chỉ xoay quanh vài điểm nhìn. Để xây được những điểm nhìn trần thuật đòi hỏi nhà văn phải có được một tầm nhìn, sự hiểu biết sâu sắc về con người và cuộc đời, đòi hỏi nhà văn phải đi sâu khám phá thế giới đô thị. Việc thay đổi điểm nhìn đã tạo nên sự hấp dẫn cho câu chuyện khiến người đọc luôn phải chú ý theo dõi lời kể và sự di chuyển điểm nhìn. Các sự kiện, tình tiết được nhìn từ nhiều góc độ khác nhau tạo nên tính chân thực và khách quan cho lời kể, và phù hợp với cảm quan đô thị của các nhà văn.

Chính vì thế sự di động điểm nhìn góp phần tạo nên những trang viết sinh động và lôi cuốn cho tác phẩm, giúp cho người đọc có thể nắm bắt hết được những sự việc khá phức tạp trong tác phẩm và cũng có thể hiểu được nhân vật từ những

gì họ thấy và kể lại. Khi di chuyển điểm nhìn giữa các nhân vật, tác giả đã tạo dựng tính hiện thực trong mối quan hệ của rất nhiều con người trong xã hội đô thị , đồng thời tạo nên hệ quy chiếu đa chiều cho các mối quan hệ ấy.

Sự đan xen và dịch chuyển liên tục điểm nhìn cũng là một cách thức tạo nên tính phức điệu của tiểu thuyết. Theo đó tác phẩm là một cấu trúc đa tầng, có khả năng phá vỡ tính đơn âm và cùng lúc vang lên nhiều tiếng nói khác nhau. Nó cho phép sự hòa trộn nhiều sắc thái giọng điệu: vừa sắc lạnh, vừa mỉa mai chế giễu nhưng đôi khi cũng tràn đầy sự xót thương, đồng cảm. Sự đan xen và dịch chuyển liên tục điểm nhìn cũng phù hợp với bản chất của xã hội đô thị đương đại là phức tạp, đa nguyên, đòi hỏi một cái nhìn đa diện. Chính xã hội đô thị đương đại chấp nhận đa giá trị và đa điểm nhìn là một sự lựa chọn phù hợp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cảm quan đô thị trong tiểu thuyết của phong điệp (Trang 85 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)