7. Đóng góp của luận văn
1.3. Sự hình thành cảm quan đôthị trong sáng tác Phong Điệp
Nhà văn Phong Điệp sinh ngày: 6 - 6 - 1976 tại thành phố Nam Định. Phong Điệp là cây bút nổi danh khá sớm. Năm 17 tuổi, Phong Điệp đã đạt giải nhất cuộc thi sáng tác văn học do Hội văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định tổ chức năm 1993 cho truyện ngắn Huyền thoại đêm. Phong Điệp gây bất ngờ cho thầy cô, bạn bè, và những ai kì vọng vào tài năng văn chương của chị khi quyết định theo học tại trường đại học Luật để trở thành một luật sư chứ không phải thành một nhà văn. Thế nhưng, có lẽ mối duyên với văn chương của Phong Điệp vẫn còn sâu đậm, bằng tinh thần làm việc miệt mài, bền bỉ và chuyên nghiệp, từ năm 1996 đến nay Phong Điệp thử nghiệm trên nhiều thể loại và thu được nhiều thành quả đáng nể. Chị viết đều đặn và cho ra mắt độc giả nhiều tác phẩm hấp dẫn và đạt giải trong các cuộc thi văn nghệ như: Giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi truyện ngắn trên báo Văn nghệ Trẻ năm 1996- 1997 với truyện ngắn Ma mèo. Giải thưởng “Văn học tuổi xanh” 1996 do Tạp chí Tuổi xanh tổ chức năm 1996 với truyện ngắn Hoạ sĩ. Giải khuyến khích cuộc thi sáng tác Văn học cho tuổi trẻ do NXB Thanh niên phối hợp với Tuần báo Văn nghệ tổ chức với tập truyện ngắn Vườn hoang. Giải Tư cuộc thi sáng tác Văn học tuổi 20 lần II và III do do NXB Trẻ, Báo Tuổi Trẻ
và Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức với tập truyện ngắn
Người phía bên kia đường và truyện dài Lạc chốn thị thành. Rời khỏi giảng đường đại học, chị không gắn bó với ngành luật mà theo đuổi đam mê từ thời niên thiếu của mình bằng sự gắn bó với Báo Văn nghệ Trẻ. Phong Điệp đã cho ra mắt độc giả 10 tập truyện ngắn, 4 tiểu thuyết, 3 truyện dài dành cho thiếu nhi, 1 tập tản văn với các đề tài tình yêu, thành thị, phụ nữ, thiếu nhi. Đề tài được Phong Điệp quan tâm nhiều nhất chính là thành thị. Trong số 18 tác phẩm thì có tới 12 tác phẩm Phong Điệp viết về cuộc sống và con người nơi đô thị với đủ thể loại từ truyện ngắn, tản văn đến tiểu thuyết. Có thể thấy, đề tài đô thị đã thành một vệt đậm liên tục trong những sáng tác của Phong Điệp.
Sự gắn bó với đề tài đô thị có lẽ bắt nguồn từ chính cuộc sống của chị. Sinh ra và lớn lên ở thành Nam, đã từng sống khổ, sống sở trong những căn nhà chật chội, nóng bức, hôi thối trong khu tập thể nhà máy sợi, trong khu lò mổ, cạnh nghĩa địa, cống rãnh nên dấu ấn của một đô thị đã in hằn trong tâm trí của chị. Đến khi đi học đại học rồi “đi làm báo, vật lộn với những con chữ, nhận mức lương 500.000 đồng, sống tằn tiện trong căn phòng trọ tồi tàn 9m2. Mùa hè nắng như thiêu đốt, đổ một chậu nước ra sàn nhà, chỉ mấy phút sau cái nóng đã nuốt chửng nó. Những giấc ngủ chập chờn mộng mị vì bất an, vì nóng, vì cô đơn không bè bạn, không tình yêu.”[36]. Không chỉ phải sống với những khó khăn thiếu thốn về vật chất chị còn trải qua bao đau đớn về tinh thần. Nhưng, sau thất vọng, và cả tuyệt vọng là đứng dậy, bò ra viết báo để kiếm tiền, để bám trụ với đời sống đô thị. Gắn bó với đô thị, thế nên, việc lựa chọn đề tài đô thị để viết là sự lựa chọn tự nhiên như chính hơi thở của chị vậy.
Trong phần lớn các trang viết của mình Phong Điệp quan tâm đến đề tài người trẻ sống ở đô thị. Đọc các tác phẩm Blogger, Lạc chốn thị thành, Phòng trọ. Ma mèo... chúng ta đều thấy rõ điều đó. Phong Điệp đang cố gắng khắc họa chân dung những người trẻ từ tỉnh lẻ về lập nghiệp và mưu sinh ở thành phố, và
họ phải đối mặt với những cuộc vật lộn, những niềm vui, nỗi buồn và cả bi kịch để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi mình là ai, mình đang đi về đâu? Viết về những người trẻ, cũng là viết về chính mình.
Phong Điệp chia sẻ: “Viết về tuổi trẻ đô thị mình có nhiều trải nghiệm. Trong văn chương quá nhiều tác phẩm về đề tài này, nhưng mình thấy hình như vẫn chưa có ai đào sâu đến tận cùng những vật lộn, những bi kịch mà những người trẻ tỉnh lẻ về đô thị mưu sinh đang phải trải qua. Mặc dù đã viết về đề tài này nhiều lần, nhưng mình luôn có cảm giác mắc nợ, và mình sẽ còn viết tiếp”[58]. Một trong những lý giải cho sự thiết tha với đề tài đô thị, Phong Điệp cho biết: “Vì mỗi buổi sáng mở mắt ra, âm thanh dội vào tai tôi đầu tiên không phải là tiếng gà gọi sáng mà là tiếng còi xe inh ỏi. Ám ảnh những giấc ngủ của các con tôi là tắc đường, kẹt xe. Ám ảnh đồng nghiệp tôi hàng ngày là ô nhiễm, dịch bệnh, cháy xe, sập nhà...”. Tất cả những điều đó đã khiến chị không ngớt nghĩ về đời sống nơi đây, với những thân phận người đang cố neo vào đô thị này để tồn tại bằng mọi cách. Nơi ấy những người bạn chung trường đại học Luật với chị, đã gần mười lăm năm chia tay nhau kể từ ngày tốt nghiệp, dù sống trong cùng một thành phố vẫn chưa thể gặp nhau vì bao nỗi ngổn ngang. Chị bày tỏ: “đô thị mang trong mình quá nhiều câu chuyện, và chúng thúc giục tôi viết ra.”[57].
Phong Điệp viết về đô thị bằng sự ám ảnh, thúc giục bởi trái tim của một người nghệ sĩ, sự lo lắng của một người mẹ, sự nhạy cảm một người phụ nữ đầy yêu thương. Chia sẻ với nhà văn Đỗ Bích Thúy trên Văn nghệ Quân đội, Phong Điệp đã không giấu được cảm xúc lo âu về đời sống đô thị: “Tôi luôn có cảm giác bấp bênh và âu lo về đời sống đô thị này. Những rủi ro bất trắc quá nhiều. Cũng có thể tôi cả nghĩ quá chăng. Hôm qua, chứng kiến một chiếc xe bốc cháy ngùn ngụt trên đường, ám ảnh không dứt trong tôi là, nếu tôi là người ngồi trên chiếc xe ấy thì sao? Ai sẽ đón các con, sẽ lo bữa cơm chiều? Mỗi buổi chiều đón con ngoài cổng trường, tôi luôn phấp phỏng đoán định cảm xúc của con qua từng biểu hiện trên nét mặt.Người lớn đã dễ tổn thương. Trẻ con càng mong manh vô cùng.
Hình như cuộc sống này, càng ngày con người càng ít chú ý đến cảm xúc sống của mình và của những người xung quanh. Chúng ta luôn vội vã mà không hiểu vì sao mình lại phải vội vã đến thế.” [21]. Phong Điệp không chỉ âu lo về nơi mình đang sinh sống mà trong sâu thẳm trái tim mình, chị luôn đau đáu về phố thị nơi thành Nam mà chị đã gắn bó cả tuổi thơ. Chị hiểu rất rõ: “Trong tâm hồn những người dân nhập cư tại các đô thị lớn, luôn có một vùng đất để trở về. Chỉ có điều, cuộc sống hàng ngày không cho phép họ làm điều đó. Và tôi cũng vậy thôi. Luôn có một cõi riêng để tôi trở về, dù cõi riêng đó - đôi khi chỉ còn là ký ức”[21]. Thế nên, sống ở Hà Nội gần hai mươi năm nhưng Phong Điệp vẫn canh cánh tâm thế của một người “ở trọ” dù chị đã có nhà riêng, đã có một tổ ấm mà chị biết cách chăm lo gìn giữ để nó được yên bình, có những đứa con xinh xắn. Trong một góc nhỏ cuộc sống của Phong Điệp vẫn có những cơn mơ về một vùng ký ức mờ xa, để rồi khi tỉnh lại giữa những tiếng còi xe báo hiệu một ngày mới, chị lại tất bật với những lo toan thường ngày, tất bật với công việc làm báo. Và đêm về, khi các con đã ngủ yên, chị lại ngồi bên bàn viết, tiếp tục những cơn mơ dang dở…
Sống bằng đầy ắp cảm xúc và sự thúc giục phải viết về hiện thực đô thị nên viết văn hay làm báo - Phong Điệp đều đề cao vốn sống, kinh nghiệm sống. Không ít chuyện của Phong Điệp được triển khai trên nền của một bối cảnh có thực, nhân vật thực, sự kiện thực với một đời sống có nhiều điểm nhấn sâu sắc. Phong Điệp viết để giải thoát sự ám ảnh hoặc để đồng cảm, cảnh tỉnh...Nếp nghĩ của Phong Điệp nghiêng hẳn về những câu chuyện, những số phận, những sự kiện mà cá nhân chị từng được sống, từng được chứng kiến trong đời sống của mình. Phong Điệp không phải tạng người ưa ứng dụng sức mạnh của hư cấu tưởng tượng vào những sự kiện, những tình thế mà chị trải nghiệm. Phong Điệp thuộc về hiện thực, một hiện thực có tính thời sự của các đô thị. Tính hiện thực đã làm tác phẩm Phong Điệp ngồn ngộn hơi thở cuộc sống thành thị đương đại. Nếu Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nữ chiếm được cảm tình của độc giả bắt đầu bằng những câu chuyện chân thực về miền đất mũi Cà Mau, vùng nông thôn. Đỗ Bích Thúy lại đưa người đọc
đến vùng cao Tây Bắc bằng giọng văn trong trẻo và đong đầy tình cảm, thì Phong Điệp lại là nhà văn dành được sự quan tâm bởi những câu chuyện đời thường nơi đô thị.
Có thể nói cảm quan đô thị của Phong Điệp được khơi nguồn từ chính cuộc sống đô thị mà chị gắn bó, lo lắng và yêu thương. Chính sự trân quý hiện thực cuộc sống nơi đô thị trong tác phẩm của mình đã tạo cho Phong Điệp có góc nhìn riêng về cuộc sống và con người đô thị.
TIỂU KẾT
Đô thị ở Việt Nam xuất hiện khá sớm nhưng văn học lấy đô thị làm đề tài sáng tác thì chưa có nhiều và chưa tạo thành dòng văn học đô thị riêng biệt. Trong suốt thời kì phong kiến, đô thị Việt Nam chỉ giữ vai trò là trung tâm hành chính là chủ yếu. Văn học thời kì này tuy đã có những tác phẩm lấy đô thị làm đề tài sáng tác nhưng đô thị vẫn chưa phải là cảm quan chủ yếu chủ đạo. Bước sang thế kỉ XX, cùng với những thăng trầm của lịch sử, sự phát triển của đô thị có lúc mạnh mẽ, có lúc trầm lắng và phát triển nhanh chóng sau khi đất nước bước vào thời kì đổi mới. Tuy chưa phát triển thành nhịp mạnh để mang đầy đủ nội hàm của một nền văn học đô thị như của phương Tây nhưng văn học đô thị Việt Nam đã để lại những dấu ấn sâu đậm với các tên tuổi lớn như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Việt Hà...cùng các tác phẩm có giá trị làm phong phú cho nền văn học Việt Nam. Là một nhà văn trẻ, tiếp nối truyền thống văn học viết về đô thị,
Phong Điệp với cảm quan nghệ thuật của một cây bút nữ trẻ đương đại đã dần hình thành một lối viết riêng thể hiện cảm quan đô thị đáng chú ý.
CHƯƠNG 2
CẢM QUAN VỀ ĐỜI SỐNG VÀ CON NGƯỜI ĐÔ THỊ TRONG TIỂU THUYẾT CỦA PHONG ĐIỆP