7. Đóng góp của luận văn
3.1. Ngôn ngữ nhân vật
3.1.2. Ngôn ngữ giàu nhịp điệu và tốc độ
Nhịp điệu là đặc điểm nổi bật của ngôn ngữ trữ tình, dùng để phân biệt với ngôn ngữ tự sự. Tuy nhiên, đến với ngôn ngữ trong tiểu thuyết của Phong Điệp, chúng ta lại thấy đó là thứ ngôn ngữ tự sự giàu nhịp điệu. Nhịp điệu đó dựa vào phép lặp: lặp lại một từ, một câu, một lời nói. Nhịp điệu đó dựa vào những đặc tính của tiếng Việt: đa nghĩa, giàu âm, cấu trúc tự do, thời gian lỏng lẻo.
Trong ba cuốn tiểu thuyết viết về đô thị thì yếu tố nhịp điệu ở cuốn Lạc chốn thị thành hầu như vắng bóng. Trong Ga kí ức, Phong Điệp tạo dấu ấn về
nhịp điệu trong ngôn ngữ tiểu thuyết của mình bằng việc lặp đi lặp lại thứ âm thanh phát ra từng chiếc máy khâu cũ của mẹ cô bác sĩ tâm lí:
“ Xoèn xoẹt. Xoèn xoẹt. Xoèn xoẹt. Cứ thế mà làm. Có làm thì mới có ăn... Xoèn xoẹt. Xoèn xoẹt. Xoèn xoẹt.
Hết vụ len me mua cho cái áo mới...” [22, tr. 35].
Không phải ngẫu nhiên trong 9 trang của Ga kí ức, Phong Điệp đã dùng đến 32 lần từ “xoèn xoẹt”. Việc lặp lại nhiều lần từ “xoèn xoẹt”, Phong Điệp đã tạo ấn tượng mạnh về một âm thanh quen, và ám ảnh với cô bác sĩ tâm lí. Chỉ cần thứ âm thanh ấy cất lên ở bất cứ nơi đâu và khi nào thì quá khứ về xóm Chùa Cuối và tuổi thơ khốn khó với bao kỉ niệm đau buồn lại ùa về ngập tràn tâm hồn cô.
Đến Blogger, ngôn ngữ giàu nhịp độ được Phong Điệp thể hiện trên nhiều cấp độ khác nhau và đậm đặc trong suốt tác phẩm. Có khi là một từ được lặp lại nhiều lần: “Thứ Bảy” được lặp lại tới 17 lần trong ba trang. Có khi là một cụm từ: “Hai tháng mười bảy ngày trước đó.” được lặp lại 8 lần trong ba trang. Có khi là một câu được lặp lại:
“ Tôi chưa chết đâu mà mọi người phải lo! Tôi chưa chết đâu mà mọi người phải lo! Tôi chưa chết đâu mà mọi người phải lo!
Cũng khi là cả cấu trúc câu được lặp lại:
“ Sau Công đoàn là Hội phụ nữ... Sau Hội phụ nữ là Đoàn Thanh niên.
Sau Đoàn Thanh niên là Trưởng phòng mắt lé.
Sau Trưởng phòng mắt lé là chị tạp vụ nhiều chuyện. Sau chị tạp vụ nhiều chuyện là ...
Sau ... sau ... là...” [18, tr. 153].
Việc lặp từ ngữ ở nhiều cấp độ, Phong Điệp đã tạo được những điểm nhấn đặc biệt về hình ảnh và tâm trạng nhân vật. Mỗi từ “Thứ Bảy” được lặp lại như một bước đi của thời gian, nhàm chán và uể oải đồng thời gợi lên hình ảnh nhân vật quẩn quanh bế tắc trong không gian hai chục mét vuông phòng trọ tồi tàn của mình. Mỗi lặp lại của một “Thứ Bảy”, Phong Điệp khiến người đọc cảm thấy thời gian của đời sống đô thị luôn thừa sự buồn tẻ, nhàm chán, quanh quẩn mà thiếu đi niềm vui, hạnh phúc. Cái điệp khúc “Sau... là...” gợi ra cái dồn dập của những mối quan tâm bề ngoài mà thực chất chỉ là sự vô cảm của tình thương và lòng sẻ chia bên trong. Điệp khúc ấy gợi ra những con sóng, lớp sóng này gối lên lớp sóng kia dồn dập xô đẩy những cá nhân khốn khổ như Hạ hay những con người đáng thương như Hạ ở nơi công sở của đô thị.
Không dừng ở việc lặp từ ngữ để tạo ra những hiệu ứng tâm lí đặc biệt, Phong Điệp còn làm phong phú cho nhịp điệu ngôn ngữ tiểu thuyết của chị bằng cách cắt nhịp, gieo vần, ngắt dòng câu văn như một bài thơ:
“ Trong hoang mang
hỗn độn u mê
tê điếng... ”
Mỗi cảm xúc của nhân vật được in đậm, ngắt quãng, và kéo dài tạo nên cái lê thê của sự buồn chán, sợ hãi đến tuyệt vọng của nhân vật hay cái thê lê buồn chán của đời sống đô thị mà phải đi sâu khám phá Phong Điệp mới nhận ra.
Không chỉ giàu nhịp điệu, ngôn ngữ trong tiểu thuyết của Phong Điệp còn giàu tốc độ. Vòng quay hối hả của cuộc sống đô thị không cho phép con người ta có nhiều thời gian để giải trí, hay nghiền ngẫm. Thông tin đến với người đọc đòi hỏi tính cập nhật, ngắn gọn. Lối đọc và cảm thụ tác phẩm đã có nhiều thay đổi. Hiểu được bối cảnh xã hội, đặc biệt tác phẩm của Phong Điệp lại hướng đến người trẻ, đặc biệt là người trẻ ở chốn thị thành nên chị đã gọt rũa tối đa về hình thức câu chữ, để tăng thông tin đến với người đọc. Đoạn đối thoại giữa Hạ và Quyên trong Blogger là trường hợp điển hình:
“ Hỏi: - Gội đầu à? Trả lời:
- Em không gội đầu. Hỏi:
- Làm móng à? Trả lời:
- Em không làm móng...” [18, tr. 177-178].
Trong đoạn hội thoại, Phong Điệp đã tước bỏ mọi hình thức rườm rà của câu văn. Hai từ “Hỏi” và “Trả lời” được lặp lại 4 lần tuy có phần đơn điệu nhưng khiến cho tốc độ đoạn hội thoại diễn ra nhanh hơn và vì thế người nghe cũng nắm được nhiều thông tin hơn trong một khoảng thời gian ngắn ngủi đồng thời việc tiếc kiệm tối đa việc sử dụng từ ngữ cho việc hỏi và trả lời, với cấu trúc câu được
lặp đi lặp lại cũng giúp người đọc thấy rõ sự mệt mỏi, chán chường của cư dân đô thị, chán chả buồn giao tiếp .
Trong cả ba cuốn tiểu thuyết, Phong Điệp thường sử dụng lối viết lạnh, khá hiện đại. Cấu trúc câu đơn giản, ngôn ngữ đơn nghĩa, giàu thông tin và tốc độ. Chỉ một vài câu văn ngắn mà quá trình phòng thủ của Hạ với lão sếp dê già đã được Phong Điệp tái hiện đầy đủ: “Điện thoại bật. Máy ghi âm đã lắp băng. Máy ảnh đã nạp pin. Và thêm một con dao tỉa hoa quả, đủ sắc, đủ nhọn. Cho tình huống xấu nhất. Có thể xảy ra.”[18, tr. 68]. Đôi khi, chị lược bỏ đến tối đa những từ ngữ miêu tả hay diễn đạt mà gọi đích danh cảm xúc. Đoạn văn đầy ắp thông tin khiến người đọc có cảm giác chị đang dùng thao tác “nén file” để tiếc kiệm tối đa
khoảng không gian của trang viết nhưng lại mang cho độc giả nhiều thông tin với tốc độ nhanh nhất: “Giá có thể xóa trắng những nỗi đau khổ. Làm thế nào để hết ưu tư - phiền muộn - hoang mang - khủng hoảng - giả dối - độc ác - toan tính - lừa lọc - cạm bẫy - hèn nhát - tự ti - rầu rĩ - bế tắc -tuyệt vọng...” [18, tr. 210]
Một điều dễ nhận thấy, khi viết về nông thôn hay viết cho thiếu nhi, Phong Điệp ít sử dụng kiểu câu ngắn đến cộc lốc, ít sử dụng thủ pháp “nén file” để tăng tốc độ và tạo nhịp điệu cho ngôn ngữ. Giọng điệu trong các tác phẩm viết về nông thôn hay viết cho thiếu nhi khá mềm mại, giàu cảm xúc. Sắc thái lạnh trong ngôn ngữ ít được sử dụng, khác hẳn với các tác phẩm viết về đô thị. Sự đa giọng điệu và phong phú trong việc sử dụng ngôn ngữ không chỉ mang lại thành công Phong Điệp mà còn giúp chị ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng văn học.