Đặc điểm của chương trình Ngữ văn phổ thông, Sách giáo khoa hiện hành

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giá trị văn hóa truyền thống của các tác phẩm văn học việt nam trung đại trọng chương trình ngữ văn phổ thông hiện hành​ (Trang 34 - 40)

5. Phương pháp nghiên cứu

1.3.1. Đặc điểm của chương trình Ngữ văn phổ thông, Sách giáo khoa hiện hành

1.3.1.1. Mục tiêu môn học

Chương trình Ngữ văn hiện hành nêu lên 03 mục tiêu, trong đó mục tiêu đầu tiên là cung cấp cho HS những kiến thức phổ thông, cơ bản, hiện đại, có tính hệ thống về ngôn ngữ (trọng tâm là tiếng Việt) và văn học (trong tâm là văn học

Việt Nam), phù hợp với trình độ phát triển của lưa tuổi và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mục tiêu thứ hai là hình thành và phát triển năng lực sử dụng tiếng Việt, tiếp nhận văn học, cảm thụ thẩm mĩ…. Mục tiêu thứ ba là bồi dưỡng tinh thần, tình cảm như tình yêu tiếng Việt, yêu thiên nhiên, gia đình, lòng tự hào dân tộc…

Có thể thấy rõ cấu trúc nội dung của mục tiêu môn học này gồm ba yếu tố: kiến thức, năng lực (kĩ năng) và thái độ. Đây chính là cấu trúc “kinh điển” của mục tiêu GD trong nhà trường phổ thông từ trước đến nay. Tuy nhiên, so với yêu cầu và xu thế mới có thể thấy một số bất cập trong cách xác định mục tiêu trên:

Thứ nhất: Việc cung cấpkiến thức được coi là mục tiêu số một cho thấy chương trình tập trung nhấn mạnh kiến thức mà chưa chú trọng thực sự đến hình thành, rèn luyện kĩ năng, năng lực.

Thứ hai: Các khái niệm “cơ bản, hiện đại” và nhất là “tính hệ thống về ngôn ngữ và văn học” đã tạo điều kiện cho các tác giả chương trình và sách giáo khoa nghiêng về trang bị các tri thức mang tính hàn lâm và xây xựng môn Ngữ văn trong nhà trường tương ứng với toàn bộ khóa học Ngữ văn. Kết quả là HS được học tất cả từ ngôn ngữ học, Việt ngữ học, lí luận văn học, lịch sử văn học… trong đó có một số kiến thức quá cao sâu chưa cần đối với HS phổ thông.

Chúng tôi cho rằng khi xác định mục tiêu môn Ngữ văn theo hướng mới cần điều chỉnh sự bất cập vừa nêu trên, theo hướng:

- Đề cao mục tiêu hình thành và phát triển năng lực Ngữ văn, mà trước hết là năng lực giao tiếp với việc sử dụng thành thạo bốn kĩ năng cơ bản: đọc, viết, nghe, nói. Sau đó mới là các kĩ năng khác.

- Việc lựa chọn kiến thức (văn học, tiếng Việt…) tất nhiên cần cơ bản, hiện đại nhưng phải hướng tới phục vụ cho yêu cầu phát triển năng lực, tránh kinh viện, không thiết thực và không quá chú trọng tính hệ thống (hệ thống lịch sử văn học, hệ thống ngôn ngữ…)

- Vừa chú ý mục tiêu GD theo yêu cầu của xã hội; vừa quan tâm đến nhu cầu, sở thích của cá nhân người học và người dạy để xác định nội dung chương trình học tập (GV và HS mong đợi dạy và học những gì?).

1.3.1.2. Về cấu trúc nội dung chương trình môn Ngữ văn

Cấu trúc chương trình Ngữ văn hiện hành được thực hiện theo nguyên tắc tích hợp. Với môn Tiếng Việt ở Tiểu học, chương trình tập trung vào hai thành phần: kiến thức kĩ năng, trong đó kiến thức gồm tiếng Việt văn học; kĩ năng gồm đọc, viết, nghe, nói. Đến THCS và THPT chương trình lại được cấu trúc ba phần: Tiếng Việt, Tập làm văn và Văn học. Mỗi phần có các nội dung riêng, theo hệ thống của mỗi phân môn khá độc lập…Cho nên nhiều nội dung rất khó tích hợp.

Nhìn chung, cấu trúc của CT và nhất là SGK Ngữ văn hiện hành vẫn chủ yếu lấy trục nội dung (tiểu học theo hệ thống chủ đề, còn Trung học lấy lịch sử văn học). Thêm vào đó do làm CT tách rời các cấp nên cấu trúc CT các cấp thiếu tính thống nhất; một số đơn vị kiến thức lặp lại, một số nội dung không cần thiết phải học cả 3 cấp, hoặc lặp lại không phát triển, nâng cao…Văn bản đọc hiểu còn nhiều, một số văn bản dài, chưa chọn lọc, thiếu hấp dẫn…

Có thể nói xây dựng CT và SGK Ngữ văn theo hướng tích hợp là một bước tiến trong việc phát triển CT, nhưng vẫn còn tồn tại một số vấn đề. Chương trình Ngữ văn đòi hỏi cần phải thay đổi, trước hết là xác định trục chính của CT. Cấu trúc nội dung CT phải tập trung vào mục tiêu phát triển năng lực và vì thế trục chính của CT Ngữ văn, như nhiều nước đã làm phải là trục kĩ năng: đọc, viết, nghe, nói. Việc trang bị kiến thức văn học và tiếng Việt, ngôn ngữ… vẫn cần thiết nhưng cần thông qua rèn luyện kĩ năng, liên quan mật thiết và phục vụ trực tiếp cho rèn luyện kĩ năng.

1.3.2. Những khó khăn cơ bản trong dạy - học các tác phẩm văn học Việt Nam trung đại trong nhà trường phổ thông

1.3.2.1. Về việc lựa chọn, sắp xếp tác phẩm văn học Việt Nam trung đại trong chương trình Ngữ văn PT hiện hành

Theo khảo sát của chúng tôi ở Phụ lục (Bảng khảo sát các tác phẩm văn học Việt Nam trung đại trong chương trình Ngữ văn phổ thông hiện hành), có thể thấy việc lựa chọn, sắp xếp các tác phẩm văn học Việt Nam trung đại trong chương trình Ngữ văn PT hiện hành còn một số hạn chế nhất định :

Một là sự phân bố về nội dung của các tác phẩm có sự lặp lại. Ví dụ như tác phẩm Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi). Tác gia Nguyễn Trãi đã được giới thiệu ở chương trình Ngữ văn 7 tập 1. Nhưng đến SGK chương trình Ngữ văn 10 (tập 2) cũng lại có 1 tiết về tác gia Nguyễn Trãi. Thêm nữa, cũng là tác phẩm Đại cáo bình Ngô, chúng tôi còn bắt găp sự lặp lại trong nội dung giảng dạy. Chương trình Ngữ văn 8 tập 2 đưa vào giảng dạy trích đoạn Nước Đại Việt ta, trích đoạn này cũng được dạy lại trong chương trình Ngữ văn 10 tập 2. Mặc dù kiến thức được đưa vào trong chương trình Ngữ văn THPT sâu sắc và cụ thể hơn cấp THCS nhưng điều này khiến cho thời lượng của chương trình bị rút ngắn đi phần nào.

Hai là, theo phân phối chương trình hiện hành, một số tác phẩm tự sự trung đại trong chương trình Ngữ văn phổ thông không được giảng dạy, đặc biệt là các bài đọc thêm. Cụ thể, có tới hai tác phẩm nghị luận trung đại: Hiền tài là nguyên khí của Quốc gia (trích Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba) Thái sư Trần Thủ Độ không đưa vào chương trình giảng dạy chính khóa hiện hành.

Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do mô hình cấu tạo của chương trình phổ thông hiện hành là mô hình đồng tâm: những thể loại đã có ở chương trình THCS sẽ lặp lại ở chương trình THPT. Ứng chiếu với mục tiêu giáo dục trong Chương trình giáo dục PT tổng thể sau 2018 và chủ trương chuyển đổi từ dạy học chú trọng nội dung sang dạy học chú trọng phát triển năng lực của người học, có thể khẳng định điều này không còn thực sự phù hợp nữa.

1.3.2.2. Việc dạy của giáo viên

Chúng ta đều biết rằng văn học trung đại là bộ phận văn học đồng hành với sự phát triển của xã hội phong kiến. Trong các tác phẩm đều viết bằng ngôn ngữ Hán văn cổ hay chữ Nôm có phần xa lạ với ngôn ngữ Tiếng Việt hiện đại ngày nay. Vì vậy tìm hiểu, phân tích một tác phẩm văn học trung đại là việc làm không đơn giản. Trong những năm vừa qua đội ngũ giáo viên dạy văn nói riêng đã được trang bị nhiều phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực đã thực sự mang lại hiệu quả tốt. Mặc dù vậy vẫn còn những hạn chế trong cách vận dụng phương pháp từ đội ngũ. Bản thân những người dạy văn về cơ bản đã tận tâm tận lực với nghề, tích cực nghiên cứu tìm hiểu các kiến thức.Tuy nhiên với sự đa dạng và phức tạp của văn học trung đại thì hiệu quả dạy phần văn học này vẫn không tránh khỏi những hạn chế. Các điển tích, điển cố của văn học trung đại là phức tạp và đa nghĩa. Vì vậy đòi hỏi phải có một tư duy hết sức khoa học, hết sức sáng tạo đối với đội ngũ giáo viên khi thực hiện phần văn học quan trọng này.

1.3.2.3. Việc học của học sinh

Thể loại văn học cổ có nhiều khác biệt với thi pháp văn học đương đại nên gây khó khăn cho học sinh tiếp nhận. Vốn sống kinh nghiệm thực tế học sinh còn ít, học sinh khó khăn khi tái hiện hoàn cảnh xã hội, hiểu các điển tích, điển cố được sử dụng trong tác phẩm văn học cổ. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển đi lên của đât nước, chúng ta có những thành tựu quan trong về lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên với cơ chế nền kinh tế thị trường đã tạo ra những phức tạp và những ảnh hưởng không lành mạnh đối với đời sống con người, nhất là thế hệ trẻ. Đặc biệt là đối tượng học sinh, trong đó có học sinh bậc trung học cơ sở. Một bộ phận lớn học sinh chịu ảnh hưởng của các yếu tố tiêu cực của xã hội chi phối nên ý thức học tập không cao, thiếu tự giác. Trong khi đó, phần văn học trung đại là phần văn học khó nhất. Vì thế, chất lượng học sinh thuyên giảm. Ngoài ra, sự quan tâm, cách nhìn nhận của phụ huynh học sinh là sính học các môn khoa học tự nhiên cũng có những ảnh hưởng không tích cực đến việc nỗ lực phấn đấu của học sinh đối với môn Ngữ văn. Điều đó càng đòi hỏi phải có những giải pháp tích cực để

nâng cao chất lượng học bộ môn Ngữ văn đặc biệt là phần văn học Việt Nam trung đại.

*Tiểu kết chương 1

Ở chương này, chúng tôi tiến hành nghiên cứu một số vấn đề lý thuyết liên quan: Văn hóa truyền thống và các giá trị văn hóa truyền thống được phản ánh trong văn học trung đại rất đặc sắc và đa dạng, những giá trị đó cần được giữ gìn và phát huy. Chương trình Ngữ văn phổ thông, SGK hiện hành có nhiều thay đổi qua các thời kì để phù hợp với hoàn cảnh, đối tượng dạy học. Bên cạnh đó, chúng tôi tìm hiểu và chỉ ra diện mạo văn hóa, văn học Việt Nam thời kì trung đại. Lịch sử- văn hóa- văn học có mối quan hệ chặt chẽ tạo ra hệ gía trị văn hóa truyền thống còn tồn tại đến ngày nay. Việc tìm hiểu những vấn đề này nhằm tạo cái nhìn cụ thể nhất cho việc nhận diện các giá trị văn hóa được phản ánh trong văn học trung đại. Từ đó, chúng tôi khảo sát và nhận diện hệ thống giá trị văn hóa trong các tác phẩm văn học Việt Nam trung đại ở chương trình Ngữ văn phổ thông hiện hành.

Phục vụ cho việc đưa ra các đề xuất ở chương sau, ngoài cơ sở nắm bắt được những giá trị văn hóa truyền thống được phản ánh trong các tác phẩm văn học Việt Nam trung đại, chúng tôi còn tìm hiểu, nghiên cứu và chỉ ra một số tồn tại trong việc dạy học các tác phẩm văn học Việt Nam trung đại hiện nay. Đây sẽ là tiền đề để chúng tôi xây dựng bài học gắn giá trị văn hóa truyền thống trong việc giảng dạy các tác phẩm trung đại.

Chương đầu tiên là nền tảng vững chắc của đề tài. Từ những kết quả nghiên cứu ban đầu về các tác phẩm văn học Việt Nam trung đại ở chương trình Ngữ văn PT hiện hành, ở chương sau, chúng tôi tiến hành nhận diện những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu trong các tác phẩm và xây dựng một số giáo án cụ thể.

NHẬN DIỆN NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG TIÊU BIỂU TRONG CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC VIỆT NAM THỜI TRUNG ĐẠI

TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN PHỔ THÔNG HIỆN HÀNH

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giá trị văn hóa truyền thống của các tác phẩm văn học việt nam trung đại trọng chương trình ngữ văn phổ thông hiện hành​ (Trang 34 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)