Thiên nhiên chứa chất tâm trạng đa chiều của con người

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giá trị văn hóa truyền thống của các tác phẩm văn học việt nam trung đại trọng chương trình ngữ văn phổ thông hiện hành​ (Trang 70 - 74)

5. Phương pháp nghiên cứu

2.3.2. Thiên nhiên chứa chất tâm trạng đa chiều của con người

Nguyễn Du đã viết:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu, Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

Thiên nhiên không chỉ giàu sức sống mà nó gần gũi với con người là bởi qua nó, con người gửi gắm những suy tư, tình cảm riêng. Đó là tâm trạng nuối tiếc “buồn vì thảm cảnh” trước một không gian cô quạnh hiu vắng của dòng sông Bạch Đằng:

Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu,

Sông chìm giáo gẫy, gò đầy xương khô.

Thực tại phũ phàng, giờ đây tất cả chỉ còn lại tro tàn của cuộc kháng chiến oanh liệt khi xưa. Hai bờ sông, lau lách xào xạc mang một vẻ đìu hiu buồn bã, và trong cái không gian mờ ảo như hiện lên bãi chiến trường xưa kia đang phơi bày những "giáo gãy", "xương khô" mọi thứ tiêu điều:

Buồn vì cảnh thảm, đứng lặng giờ lâu. Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá Tiếc thay dấu vết luống còn lưu.

Một tâm trạng buồn, thương tiếc, một cảm xúc "đứng lặng giờ lâu" của "khách", tất cả đều biểu lộ sự xúc động, lòng tiếc thương và biết ơn sâu sắc đối với nhân dân, với những anh hùng khi xưa đã đem xương máu bảo vệ dòng sông và sự tồn vong của dân tộc. Đó là tình nghĩa thuỷ chung "Uống nước nhớ nguồn" xuất phát từ tâm hồn đồng cảm nơi tác giả.

Thiên nhiên chất chứa tâm trạng con người còn là thiên nhiên đang tiềm ẩn một sức sống nhưng bị đè nén và đang vươn lên mãnh liệt trong thơ Hồ Xuân Hương:

Xiên ngang mặt đất rêu từng đám Đâm toạc chân mây đá mấy hòn.

(Tự tìnhII – SGK Ngữ văn 11) Hai câu thơ sử dụng biện pháp đảo ngữ để nhấn mạnh trạng thái của thiên nhiên cũng là tâm trạng của con người - câu thơ như muốn nói lên nổi buồn phẫn uất của tác giả. Các động từ mạnh: xiên, đâm kết hợp với những bổ ngữ: ngang, toạc thể hiện sự bướng bỉnh, ngang ngạnh, phẫn uất, một

tâm trạng khác thường, khác người, sự vật bình thường nhưng có những hành động phi thường. Tác dụng của nghệ thuật tả cảnh ngụ tình ở hai câu thơ này quả là đáng ghi nhận. Dừơng như có một điểm giống nhau giữa tâm hồn thơ và những hình ảnh thiên nhiên ấy. Rêu và đá bé nhỏ là thế nhưng chúng giống nhau ở sức sống mạnh mẽ vô cùng và tác giả cũng vậy. Điều đó càng diễn tả tâm trạng của Xuân Hương muốn bứt phá rào cản đề đi tìm hạnh phúc, muốn giải thoát số phận hoàn cảnh, thể hiện cá tính táo bạo của nữ sĩ.

Thiên nhiên trong các tác phẩm trữ tình Việt Nam trung đại trong chương trình Ngữ văn phổ thông không phải lúc nào cũng êm dịu, trong sáng mà thiên nhiên còn hắt hiu, cô quạnh, thể hiện một cách sâu sắc tâm trạng bi kịch trong tình yêu của con người thời đại. Thiên nhiên hiu hắt, cô đơn, ẩn chứa những hiểm nguy như báo trước số phận con người:

Buồn trông ngọn nước mới sa, Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Buồn trông nội cỏ rầu rầu,

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh. Buồn trông gió cuốn mặt duềnh, Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

(Kiều ở lầu Ngưng Bích – SGK Ngữ văn 9) Mỗi biểu hiện của cảnh chiều tà trên bờ biển, từ cánh buồm thấp thoáng, cánh hoa trôi man mác đến nội cỏ rầu rầu, tiếng sóng ầm ầm, đều thể hiện tâm trạng và cảnh ngộ của Kiều. Đó là sự cô đơn, thân phận bấp bênh vô định. Cảnh lầu Ngưng Bích được nhìn qua tâm trạng Kiều: cảnh từ xa đến gần, màu sắc từ nhạt đến đậm, âm thanh từ tĩnh đến động. Ngọn gió cuốn mặt duềnh và tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi là cảnh tượng hãi hùng như báo trước dông bão của số phận sẽ vùi dập cuộc đời Kiều. Bản chất trữ tình của thiên nhiên đã được Nguyễn Du

khám phá, nói lên tiếng nói nhân đạo của mình về hạnh phúc chân chính của con người.

Đối với học sinh hiện nay, việc tiếp nhận tác phẩm trữ tình trung đại Việt Nam có nguồn cảm hứng thiên nhiên là một việc làm tương đối khó khăn. Bởi, xã hội ngày càng phát triển, học sinh được tiếp cận với nhiều thứ “mới lạ” nên đôi khi các em không thiết tha với văn chương. Ngoài ra, học sinh đang ở lứa tuổi mới lớn, khoảng cách về thời đại, nền văn hóa, biểu tượng, cách cảm, cách nghĩ, sự hiểu biết... của các em đối với nét thiên nhiên cổ xưa ở làng quê còn nhiều hạn chế (đặc biệt là học sinh thành thị).

Khi tình trạng vô cảm của thanh thiếu niên trong xã hội hiện đại đang là vấn đề nhức nhối thì việc tạo ra một tâm hồn nhạy cảm, giàu lòng yêu thương với những rung động tinh tế về đời sống là việc làm hết sức quan trọng. Hệ thống tác phẩm văn học Việt Nam trung đại trong chương trình Ngữ văn phổ thông có nguồn cảm hứng thiên nhiên giữ vai trò quan trọng trong việc kích thích trí tưởng tượng, say mê, giúp các em được sống trong không gian và thời gian cổ xưa đầy chất trữ tình và thi vị. Những sự vật bình dị quanh cuộc sống như ngọn lúa, con sông, cũng là những chứng nhân lịch sử, bám sát bước đi của con người thời đại... Đó chính là cách để gợi lên tâm hồn quê hương, tinh thần dân tộc, đưa học sinh trở về với cội nguồn dân tộc xưa, tăng thêm vốn sống, làm giàu thêm vẻ đẹp tâm hồn và hoàn thiện về nhân cách sống của thế hệ trẻ hôm nay.

* Tiểu kết chương 2:

Chương 2 chúng tôi đã nhận diện, chỉ ra những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu trong các tác phẩm văn học Việt Nam trung đại trong chương trình Ngữ văn phổ thông hiện hành, bao gồm: Truyền thống yêu nước, yêu độc lập tự do; Truyền thống nhân đạo; Truyền thống yêu và sống hòa hợp với thiên nhiên. Mỗi nét đẹp văn hóa này được thể hiện ở nhiều phương diện khác nhau, rất đa dạng và cụ thể. Trong đó, truyền thống yêu nước và truyền thống nhân đạo được phản ánh

xuyên suốt trong các tác phẩm thời trung đại. Qua hai truyền thống tốt đẹp ấy, các tác giả đã gửi gắm không ít những bài học về đối nhân xử thế, về đạo làm người và cách ứng xử với thiên nhiên, vạn vật.

Những giá trị văn hóa được phản ánh trong các tác phẩm không chỉ có ý nghĩa văn chương mà còn gắn với thực tiễn ở mọi thời đại. Các giá trị văn hóa truyền thống được thể hiện đa dạng trong chương trình Ngữ văn PT hiện hành sẽ là tiền đề để chương 3 chúng tôi tiến hành xây dựng bài học dạy học tích hợp đối với các tác phẩm văn học Việt Nam trung đại trong chương trình Ngữ văn phổ thông hiện hành.

Chương 3

TÍCH HỢP GIÁO DỤC GIÁ TRI ̣ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG TRONG DẠY-HỌC CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC VIỆT NAM THỜI TRUNG ĐẠI

TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN PHỔ THÔNG

Có thể nói, văn học Việt Nam trung đại là nơi lắng đọng nhiều vỉa tầng văn hóa dân tộc, trong đó có các giá trị văn hóa truyền thống cần trao truyền cho thế hệ sau. Tinh thần ôn cố tri tân, tích hợp giáo dục văn hóa truyền thống trong mỗi giờ dạy - học văn học trung đại trong nhà trường là việc làm hữu ích, cần phát huy.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giá trị văn hóa truyền thống của các tác phẩm văn học việt nam trung đại trọng chương trình ngữ văn phổ thông hiện hành​ (Trang 70 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)