Cơ sở thực tiễn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giá trị văn hóa truyền thống của các tác phẩm văn học việt nam trung đại trọng chương trình ngữ văn phổ thông hiện hành​ (Trang 75 - 78)

5. Phương pháp nghiên cứu

3.1.2. Cơ sở thực tiễn

Hiện nay trên thế giới, bên cạnh các trào lưu dạy học hiện đại như DH theo mục tiêu, DH phân hoá, DH tương tác…; DH tích hợp đang dần trở thành một trào lưu sư phạm chiếm nhiều ưu thế... Ở Việt Nam, bản dự thảo Chương trình THPT, môn Ngữ văn, năm 2002 do Bộ GD&ĐT biên soạn đã xác định: “Lấy quan điểm tích hợp làm nguyên tắc chỉ đạo để tổ chức nội dung chương

trình, biên soạn SGK và lựa chọn các phương pháp giảng dạy” [6]. Hơn nữa, “Nguyên tắc tích hợp phải được quán triệt trong toàn bộ môn học, từ Đọc văn, Tiếng Việt đến Làm văn; quán triệt trong mọi khâu của quá trình dạy học; quán triệt tromg mọi yếu tố của hoạt động học tập; tích hợp trong chương trình; tích hợp trong SGK; tích hợp trong phương pháp dạy học của GV và tích hợp trong hoạt động học tập của HS; tích hợp trong các sách đọc thêm, tham khảo” [6]. Như vậy, vấn đề cấp thiết đang đặt ra là phải tiếp cận, nghiên cứu và vận dụng DH tích hợp vào chương trình ngữ văn ở nhà trường PT nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Bản chất của mỗi tác phẩm văn học chân chính xét đến cùng là những vấn đề của cuộc sống và con người bởi “văn học là nhân học”, “văn học là cuộc sống”... Vì vậy, so với các môn khác, môn Văn rất thuận lợi cho việc lồng ghép giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh trong từng giờ học. Trong khi đó, chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy môn Văn hiện nay về cơ bản còn nhiều hạn chế như: nặng về lí thuyết, chưa gắn văn chương với cuộc sống, không phát huy được tính tích cực chủ động của học sinh, hiệu quả giáo dục chưa cao… Đặc biệt, chiếm một dung lượng khá lớn và là bộ phận rất quan trọng trong chương trình Ngữ văn PT nhưng phần văn học Việt Nam trung đại xuyên suốt 10 thế kỷ với nhiều thành tựu rực rỡ chưa thực sự phát huy được tầm quan trọng của nó. Thực tế cho thấy, việc giảng dạy các tác phẩm văn học Việt Nam trung đại ở trường PT gặp không ít khó khăn. Về phía giáo viên, do tuổi đời và vốn kiến thức, vốn văn hóa, văn học thời trung đại hạn chế dẫn đến tình trạng không ít giáo viên đã “hiện đại hóa” tác phẩm, áp đặt cách cảm cách hiểu của người hiện đại vào tác phẩm của một thời đã xa, hoặc qui tất cả nội dung tư tưởng vào các giá trị yêu nước, nhân đạo một cách chung chung, không thuyết phục. Về phía học sinh, do tác động của đời sống văn hóa xã hội đa phương tiện, phần lớn học sinh không hứng thú khi học các tác phẩm cổ xưa với hàng loạt từ ngữ khó hiểu, hệ tâm lý, thẩm mỹ, văn hóa xa lạ với hiện thực... Vì vậy, câu hỏi làm thế nào để một giờ

dạy học văn trung đại trở nên sinh động, thú vị và có ý nghĩa thiết thực với cuộc sống thực tại hôm nay vẫn đang được đặt ra với cả thầy và trò trong nhà trường các cấp.

Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, thế giới đã và đang trở thành một cái làng toàn cầu global village về mọi phương diện. Riêng bình diện văn hóa, toàn cầu hóa làm cho nhân loại trên khắp thế giới trở nên giống nhau hay khác nhau hơn, là câu hỏi thường được đặt ra trong các cuộc trao đổi về toàn cầu hóa văn hóa. Không thể phủ nhận một sự thật trong thực tế hội nhập ngày nay, một số giá trị văn hóa truyền thống đang dần bị mai một và mất đi. Trong khi đó, với đặc trưng tâm sinh lí lứa tuổi, học sinh PT có xu hướng chạy theo cái mới, rất dễ bị kích động đến tư tưởng, tình cảm cũng như hành vi. Trên thực tế, không ít học sinh đang lãng quên các giá trị văn hóa truyền thống, có lối sống tiêu cực, sùng bái văn hóa ngoại lai… Vì vậy, việc giáo dục giá trị văn hóa truyền thống được các nhà văn gửi gắm trong các tác phẩm văn học thời trung đại là việc làm quan thiết, giúp cho thế hệ trẻ - những chủ nhân của tương lai đất nước có đủ tâm, đủ tài tiếp bước cha ông. Đây chính là cội nguồn sức mạnh của dân tộc ta trong bối cảnh “chiến tranh văn hóa”, “xung đột văn minh”, “vấn đề sắc tộc và tôn giáo” hiện nay.

Mặt khác, đây cũng là một phương án tích cực nhằm đổi mới chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy môn Văn trong trường PT. Với mỗi giờ học văn trung đại, học sinh không chỉ tiếp cận được cái hay cái đẹp của hệ thống ngôn ngữ, nhân vật, cấu trúc tác phẩm… mà còn thấm thía sức sống/giá trị lâu bền và thiết thực của các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; góp phần đưa văn chương về gần cuộc sống và góp phần đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện.

3.2. Thiết kế một số chủ đề tiêu biểu theo hướng tích hợp giáo dục văn hóa truyền thống trong dạy – học tác phẩm văn học Việt Nam trung đại trong nhà trường PT

Dạy học theo chủ đề là một phương thức dạy học mới, chưa phổ biến rộng rãi nên việc hiểu và vận dụng nó còn tồn tại nhiều vấn đề. Việc tổ chức dạy học theo chủ đề để hướng tới mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh hiện nay chưa thực sự được các tổ chuyên môn ở các trường và các giáo viên quan tâm tìm hiểu, thiết kế. Việc tiếp cận phương pháp dạy học mới của người dạy rất được chú trọng song mức độ quan tâm và vận dụng việc dạy học theo chủ đề vẫn chủ yếu ở mức độ nghiên cứu lí thuyết. Cần tìm hiểu kĩ lưỡng, khắc phục tồn tại, phát huy những ưu thế để có thể ứng dụng việc dạy học theo chủ đề đạt hiệu quả.

Theo kết quả nghiên cứu ở chương 2, chúng tôi đã tích hợp các giá trị văn hóa truyền thống trong hai nhóm chủ đề tiêu biểu là nhóm chủ đề yêu nước và nhóm chủ đề nhân đạo. Các chủ đề dạy học tích hợp giá trị văn hóa truyền thống đều được xây dựng đều xoay quanh hai nhóm chủ đề lớn này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giá trị văn hóa truyền thống của các tác phẩm văn học việt nam trung đại trọng chương trình ngữ văn phổ thông hiện hành​ (Trang 75 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)