Truyền thống căm thù giặc sâu sắc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giá trị văn hóa truyền thống của các tác phẩm văn học việt nam trung đại trọng chương trình ngữ văn phổ thông hiện hành​ (Trang 44 - 48)

5. Phương pháp nghiên cứu

2.1.2. Truyền thống căm thù giặc sâu sắc

Đó là thái độ căm phẫn, đe dọa sự ngang ngược, tàn bạo của quân xâm lăng:

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

(Nam quốc sơn hà – SGK Ngữ văn 7, tập 1) Vì sao giặc dã quân thù lại ngang nhiên xâm lược vào một đất nước đã định rõ chủ quyền như nước Đại Việt ta? Chứng kiến những hành động ấy, tác giả đã dùng ngòi bút sắc sảo với tất cả tinh thần tự tôn dân tộc để phản đối và lên án. Vì lãnh thổ của một quốc gia được trời đất chứng giám nên bất kì hành động nào vi phạm cũng sẽ đều thất bại. Tác giả gọi giặc là “nhữ đẳng” (bọn chúng mày) bộc lộ sự mỉa mai, chế giễu và khẳng định chúng sẽ “tan vỡ” vì ý thức được sức mạnh của lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết của nhân dân ta. Nguồn lực kì diệu và mạnh mẽ ấy sẽ làm quân thù phải khiếp sợ, sụp đổ hoàn toàn. Lời kết của bài thơ đã tô đậm thêm tinh thần quyết tâm đánh giặc, căm phẫn quân thù.

Trần Quốc Tuấn đã phơi bày những tội ác của giặc và kêu gọi nhân dân đồng lòng đoàn kết đánh đuổi gặc ra khỏi bờ cõi nước Nam. Điều đó được phản ánh chân thực và rõ nét trong bài Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn (SGK Ngữ văn 8, tập 2). Ra đời vào năm 1285, trước cuộc khánh chiến chống quân Mông -

Nguyên lần thứ hai, Hịch tướng sĩ được danh tướng kiệt xuất Trần Hưng Đạo viết để khích lệ tinh thần binh lính, đồng thời bộc lộ tinh thần dân tộc, lòng nhân ái, yêu nước sâu sắc.

Tác giả cũng dùng ngòi bút sắc sảo của mình để phơi bày, tố cáo những tội ác của giặc ngoại xâm. Chúng không những ngang nhiên đi lại, xâm phạm triều định mà còn ra sức vơ vét của cải của nhân dân. Nghĩ về chuyện đó, Hưng Đạo Vương bày tỏ thái độ căm giận, lo lắng tột độ: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù”. Những câu văn biền ngẫu, những động từ mạnh đã lột tả sự phẫn nộ của ông lên đến đỉnh điểm, chỉ muốn mau chóng đánh đuổi kẻ thù, giành lại một quốc gia độc lập tự chủ.

Chính vì quân giặc có những tội ác không thể dung thứ nên Trần Quốc Tuấn ra sức kêu gọi binh lính và nhân dân đánh đuổi. Trước hết, ông nhắc về sự đãi ngộ của mình cho binh lính. Cung cách đối xử của ông rất gần gũi, thân mật, không để quân lính phải chịu thiệt thòi: “không có mặc thì ta cho áo, không có cơm thì ta cho ăn, quan nhỏ thì thăng chức, lương ít thì ta cấp bổng...” Ông sẵn sàng dồn hết tình cảm, điều kiện để chăm chút cho quân dân. Nhưng một bộ phận quan lại, binh lính làm ông vô cùng thất vọng: “hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển...” Trần Quốc Tuấn nghiêm túc, thẳng thắn phê bình những người nhìn chủ nhục mà “không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn”. Nếu sự ngang ngược của kẻ thù đã làm ông căm phẫn thì sự sa đọa, suy đồi của chính những người thân cận lại khiến ông càng thêm đau đớn, xót xa.

Nguyễn Trãi đã vạch trần dã tâm xâm lược của giặc Minh trong Đại cáo bình Ngô (SGK Ngữ văn 10, tập 2). Chúng đã lợi dụng mâu thuẫn giữa nhà Trần và nhà Hồ, lấy chiêu bài “phò Trần diệt Hồ” để xâm lược nước ta. Từ “thừa cơ” đã nói lên tất cả tội ác xâm lược nước ta của giặc ác “trời không dung, đất không tha”:

Nhân họ Hồ chính sự phiền hà Để trong nước lòng dân oán hận

Quân cuồng Minh thừa cơ gây họa, Bọn gian tà bán nước cầu vinh.

Tiếp đến, Nguyễn Trãi tố cáo tội ác tàn sát, giết hại dân lành của giặc Minh. Chúng sát hại cả những người dân vô tội, những đứa trẻ thơ hiền lành. Lời văn giàu hình tượng, cảm xúc, ngùn ngụt căm thù:

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.

Chúng còn lừa dối nhân dân, bóc lột nhân dân ta bằng thuế khóa nặng nề, “Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc”, “Người bị đem vào núi đãi cát tìm vàng”, khiến nhân dân ta điêu đứng, khổ cực. Chúng vơ vét tài nguyên khoáng sản, tàn sát cả loài “côn trùng cây cỏ”.

Đối lập với người dân vô tội là hình ảnh kẻ thù tàn ác, man rợ. Nguyễn Trãi nói về bọn giặc với hình ảnh, lời lẽ thể hiện lòng căm thù cao độ:

Thằng há miệng, đứa nhe răng, màu mỡ bấy no nê chưa chán

Để diễn tả tội ác chất chồng của giặc, để nói lên nỗi căm hờn chất chứa của nhân dân. Nguyễn Trãi kết thúc bản cáo trạng bằng câu văn đầy hình tượng:

Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội. Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.

Từ đó, Nguyễn Trãi đưa ra kết luận: nhân dân ta không thể tha thứ cho tội ác của giặc:

Lẽ nào trời đất dung tha Ai bảo thần nhân chịu được.

Lời văn trong bản cáo trạng đanh thép thống thiết, khi uất hận, sôi trào, khi cảm thương tha thiết. Đoạn hai của bài văn chứa đựng những yếu tố của bản tuyên ngôn nhân quyền. Tội ác của giặc Minh quả là “trời không dung đất không tha”, vậy nên nhân dân ta lúc bấy giờ dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi đã đứng lên đánh đuổi giặc Minh, buộc chúng phải thua chạy về nước và mang nỗi nhục nhã ngàn năm không rửa nổi.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nguyễn Đình Chiểu được coi là lá cờ đầu của dòng văn học yêu nước chống Pháp ngay từ khi Pháp đặt chân tới Việt Nam. Bài thơ Chạy giặc (SGK Ngữ văn 11, tập 1) của Nguyễn Đình Chiểu đã phản ánh thực trạng của đất nước trong cảnh loạn lạc, và nỗi đau, ngóng trông vào vị “thánh đế” có thể thay trời hành đạo như một trận mưa nhuần rửa sạch những hôi tanh mà kẻ thù mang đến cho nhân dân.

Bài thơ thể hiện lòng yêu nước, nỗi đau trước cuộc sống khốn cùng của nhân dân. Tình yêu ấy được thể hiện ở sự xót xa cho hoàn cảnh đất nước, thương xót cho những số phận con ong cái kiến trong cơn loạn lạc.

Tan chợ vừa nghe súng Tây Một bàn cờ thế phút sa tay. Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy Mất ổ đàn chim dáo dác bay.

Tác giả lên án tội ác man rợ của giặc Pháp càn quét. Chúng đốt nhà, giết người, cướp của, tàn phá quê hương, giống nòi. Lối viết đảo ngữ “Bến Nghé, Đồng Nai” càng nhấn mạnh sự tang thương trước tội ác của kẻ thù:

Bến Nghé của tiền tan bọt nước

Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.

Câu thơ vẽ lên một vùng đất bao la, trù phú “Bến Nghé” và “Đồng Nai” phút chốc biến thành đống tro tàn. Đồng Nai trong thế kỉ thứ XIX vốn là một vựa lúa và nơi buôn bán sầm uất trên bến dưới thuyền, vậy mà chỉ trong một khoảnh khắc đã bị giặc Pháp tàn phá tan hoang. Tiền của, tài sản của nhân dân ta bị giặc cướp phá sạch tan tành thành bọt nước. Nhà cửa, xóm làng nhuộm một màu chết chóc, chỉ còn lửa khói nghi ngút nhuốm màu mây. Hai hình ảnh so sánh ‘tan bọt nước” và “nhuốm màu mây” là cách nói cụ thể đặc tả cảnh điêu tàn do thực dân Pháp gây ra.

Lòng yêu nước còn được thể hiện trong những lời điếu khóc thương cho những anh hùng nghĩa sĩ đã hy sinh vì nghĩa lớn trong trận Cần Giuộc. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (SGK Ngữ văn 11, tập 1) là khúc ca hùng tráng tạo nên một cơn sóng ngầm

mạnh mẽ của lòng yêu nước nồng nàn. Khúc ca ấy là tiếng khóc đau thương cho thế nước hiểm nghèo. Hai tiếng “Hỡi ôi!” vang lên đầu tác phẩm và tiếng khóc đau đớn của nhà thơ đối với nghĩa sĩ, là tiếng nấc đâu thương cho cảnh đất nước bị giày xéo. “Súng giặc đất rền, lòng dân trời tỏ”. Câu văn đã dựng lên một khung cảnh bão táp, căng thẳng của thời đại khái quát đầy đủ hiện thực đất nước: một bên là cuộc xâm lăng ào ạt, tàn bạo của kẻ thù; một bên là vai trò, ý chí chống giặc ngoại xâm bừng sáng. Hai mặt đó chi phối toàn bộ thời cuộc, cho thấy một cái nhìn sự thế đầy sâu sắc, tiến bộ của Nguyễn Đình Chiểu.

Nhưng tất cả chỉ là nền để vẻ đẹp anh hùng trong họ bừng sáng. Người nông dân căm thù giặc trước những hành động ngang ngược, sục sôi trước tội ác của chúng: “Bữa thấy bòng bong che trắng lốp muốn tới ăn gan/ Ngày xem ống khói chạy đen sì muốn ra cắn cổ”. Người nông dân có ý thức trách nhiệm về độc lập, lãnh thổ, giang sơn, không chờ hối thúc, “chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi”. Chiến đấu vì độc lập tổ quốc bằng tất cả tinh thần dũng cảm, khí thế hào hùng, hành động như vũ bão với đạp rào lướt tới, “xô cửa xông vào”, “coi giặc như không”… Tinh thần nghĩa khí bất khuất của họ ai có thể quên. Những con người ấy mang quan niệm yêu nước truyền thống tích cực: “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc”; sẵn sàng hi sinh vì lí tưởng mang tư tưởng thời đại “chết vinh còn hơn sống nhục” đầy ngưỡng mộ.

Yêu nước là căm thù giặc sâu sắc, là tố cáo tội ác bất nhân của kẻ thù: tàn hại sinh linh, giày xéo, tàn phá quê hương. Từ lòng căm phẫn ấy, biết bao sáng tác thời trung đại đã ủ lửa truyền lại thế hệ sau để biến thành một làn sóng đấu tranh giải phóng dân tộc sau này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giá trị văn hóa truyền thống của các tác phẩm văn học việt nam trung đại trọng chương trình ngữ văn phổ thông hiện hành​ (Trang 44 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)