Đồng cảm, xót thương cho số phận bi kịch của người phụ nữ trong xã hộ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giá trị văn hóa truyền thống của các tác phẩm văn học việt nam trung đại trọng chương trình ngữ văn phổ thông hiện hành​ (Trang 57 - 62)

5. Phương pháp nghiên cứu

2.2.3. Đồng cảm, xót thương cho số phận bi kịch của người phụ nữ trong xã hộ

hội phong kiến

Hình ảnh người phụ nữ xuất hiện trong văn học trung đại là một bước tiến mới, tạo tiền đề cho văn học viết về phụ nữ ở giai đoạn sau. Không chỉ đề cao người phụ nữ, các tác giả còn thể hiện lòng cảm thương sâu sắc cho số phận bi kịch của họ trong xã hội bất công. Nguyễn Du đã khái quát:

Đau đớn thay phận đàn bà, Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Nguyễn Du là tác giả tiêu biểu nhất của trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trong văn học Việt Nam giai đoạn cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX. Các sáng tác của ông toát lên tư tưởng, tình cảm, nhân cách của một con người nặng tình đời tình người. Ông quan tâm tới tất cả số phận bất hạnh trong xã hội, những con người nhỏ bé, những thân phận “con ong, cái kiến”. Đặc biệt ông quan tâm đến số phận của người phụ nữ tài hoa bạc mệnh. Và Truyện Kiều chính là một tác phẩm đẫm tinh thần nhân văn ấy. Thúy Kiều là một cô gái tài sắc nhưng cuộc đời nàng đã phải trải qua mười lăm năm “lên thác xuống ghềnh”. Bi kịch đầu tiên trong cuộc đời của người con gái tài hoa ấy là phải trao duyên cho em gái. Nguyễn Du thấu hiểu nỗi đau đớn của Thúy Kiều khi phải Trao duyên (Ngữ văn 10, tập 2):

Cậy em em có chịu lời, Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.

Thúy Kiều đã coi Thúy Vân là đại ân nhân của mình để nàng lạy rồi thưa chuyện bởi đây là một việc khó nói. Những kỉ vật tình yêu thiêng liêng là thế giờ đây lại trở thành của chung:

Chiếc vành với bức tờ mây Duyên này thì giữ vật này của chung.

Khi duyên không còn, Thúy Kiều cất tiếng kêu đau đớn đến xé ruột:

Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang! Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!

Sau khi bán mình cho Mã Giám Sinh, Kiều đã trải qua mười lăm năm trời lưu lạc, nếm đủ mùi cay đắng, nhục nhã. Nỗi thương mình (SGK Ngữ văn 10, tập 2)là tâm sự của Thúy Kiều về cuộc sống tủi nhục, đầy nhuốc nhơ của mình:

Biết bao bướm lả ong lơi

Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm. Dập dìu lá gió cành chim

Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh.

Trong những lúc như vậy thì “rượu” chính là thứ để Kiều giải sầu khi tỉnh rượu và đêm đã khuya nàng mới “Giật mình mình lại thương mình xót xa”. Câu

thơ như tiếng nấc xen lẫn cả tiếng thở dài không ai thương cho thân phận mình nên Thúy Kiều tự ôm lấy mình mà khóc mà sầu. Cuộc vui chóng tàn, người rồi cũng đi, cô đơn lẻ bóng. Từ nỗi đau thân phận lời thơ bật lên những câu hỏi khi sao, giờ sao, mặt sao, thân sao đó là sự đối lập giữa quá khứ và thực tại. Quá khứ êm đềm tươi đẹp còn hiện tại thì bị chà đạp vùi dập.

Tiếp nối đề tài người phụ nữ với số phận tài hoa bạc mệnh, tình yêu thương con người của Nguyễn Du còn dành cho một cô gái ở đất nước Trung Quốc xa xôi đó là Tiểu Thanh trong Độc Tiểu Thanh kí (SGK Ngữ văn 10, tập 1). Tiểu Thanh là cô gái sống ở đầu thời Minh - Trung Quốc, xinh đẹp tài hoa. Nàng làm lẽ trong một gia đình quyền quý, thường bị vợ cả ghen ghét, mất ở tuổi 18. Nỗi uất ức của nàng được gửi gắm trong nhiều bài thơ như bị vợ cả đốt dở chỉ còn lại phần dư. Bài thơ Độc Tiểu Thanh kí (Ngữ văn 10, tập 1) được Nguyễn Du sáng tác khi đọc “phần dư” và nhớ cố nhân, xót thương cho một kiếp người tài hoa, cho những giá trị tinh thần bị chà đạp:

Chi phấn hữu thần liên tử hậu Văn chương vô mệnh lụy phần dư.

Thông qua hình ảnh một người phụ nữ chịu kiếp làm lẽ hẩm hiu, khao khát hạnh phúc, Hồ Xuân Hương đã nói lên tiếng nói đòi quyền được hưởng hạnh phúc, được sống trong mái ấm gia đình. Trong bài thơ Tự tình II (SGK Ngữ văn 11, tập 1), nữ sĩ giãi bày cảnh ngộ éo le:

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn Trơ cái hồng nhan với nước non.

Cảnh đêm khuya với tiếng trống canh từ xa văng vẳng dồn về. Trong thời điểm đó, nhà thơ - nhân vật trữ tình lại đang một mình trơ trọi giữa đêm khuya. Từ nỗi cô đơn, thao thức không biết bày tỏ, tâm sự cùng ai, nhà thơ muốn tìm đến rượu, mượn rượu để giải sầu:

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

Cơn say qua đi và khi tỉnh rượu, nhân vật trữ tình giật mình quay về với thực tại và càng nhận ra nỗi trống vắng, bội bạc khi chạm phải “Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”. Tình duyên vẫn chưa trọn vẹn mà tuổi xuân đã dần trôi đi:

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại Mảnh tình san sẻ tí con con.

Vừa đau buồn, cô đơn, vừa phẫn uất trước duyên phận, hình ảnh một người đàn bà tù túng, bức bối trong dòng thời gian dằng dặc buồn bã đang cay đắng chán chường nhìn hương sắc đời mình tàn tạ. Thế mà kết thúc lại là một cái rất bé, rất ít: đã “tí” lắc còn “con con” - tức là rất nhỏ bé, nhỏ đến mức khó chịu. Khát vọng tình yêu của Hồ Xuân Hương là ôm trùm trời đất, tạc vào vũ trụ nhưng trong dòng thời gian vô tận. Bài thơ Tự tình II khép lại nhưng thực chất mở ra một tâm hồn đầy khát vọng của một con người mong cầu hạnh phúc gia đình.

Chinh phụ ngâm khúc sáng tác bằng chữ Hán vào khoảng nửa đầu thế kỉ XVIII, thời kì vô cùng rối ren của xã hội phong kiến. Chiến tranh xảy ra liên miên hết Lê - Mạc đến Trịnh - Nguyễn phân tranh, đất nước chia làm hai nửa. Ngai vàng của nhà Lê mục ruỗng. Nông dân bất bình nổi dậy khởi nghĩa ở khắp nơi. Dân chúng sống trong cảnh loạn li nồi da nấu thịt, cha mẹ xa con, vợ xa chồng. Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (Ngữ văn 10, tập 2) đã miêu tả những cung bậc và sắc thái khác nhau của nỗi cô đơn, buồn khổ trong tâm trạng người chinh phụ đang khao khát được sống trong tình yêu và hạnh phúc lứa đôi:

Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.

Nàng hết dạo hiên rồi lại ngồi cuốn rèm lên, buông rèm xuống, nỗi nhớ thương thầm gieo từng bước chân. Mỗi bước chân là một nhịp đếm, bước chân

như chất chứa nỗi lòng ưu tư phiền muộn với những lo lắng cho số phận của người chồng. Đêm năm canh với nàng là một khoảng thời gian quá dài:

Khắc giờ đằng đẵng như niên Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.

Thông qua tâm trạng đau buồn của người chinh phụ đang sống trong tình cảnh lẻ loi vì chồng phải tham gia vào những cuộc tranh giành quyền lực của vua chúa, tác giả có chủ ý đề cao hạnh phúc lứa đôi và thể hiện thái độ bất bình, phản kháng đối với chiến tranh phi nghĩa. Chinh phụ ngâm toát lên tư tưởng chủ đạo trong văn chương một thời, đó là tư tưởng đòi quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc rất chính đáng của con người.

Các tác phẩm văn học Việt Nam trung đại được đưa vào Sách giáo khoa Ngữ văn phổ thông đều cho thấy cách nhìn hiện thực và nhân đạo của các tác giả về con người. Sự xuất hiện của người phụ nữ gắn với những bi kịch trong đời sống vật chất và đặc biệt là đời sống tình cảm trong thơ trung đại là một bước tiến mới, một sự cách tân trong quan niệm và tư tưởng. Bởi lẽ, trong xã hội phong kiến, không phải tác giả nào cũng lấy đó làm chủ đề cho sáng tác của mình. Nhiều tác giả vượt qua rào cản định kiến để viết lên thái độ, tình cảm và gửi gắm trong sáng tác một phần số phận của mình. Đồng thời cất lên tiếng nói cảm thông với số phận bất hạnh của người phụ nữ. Người phụ nữ xuất hiện không đơn thuần bị biến thành mẫu người nêu gương đạo đức, chỉ biết đến bổn phận mà họ còn là những người con gái thiết tha với tình yêu, khát khao hạnh phúc lứa đôi. Điều này khiến các tác phẩm viết về người phụ nữ trong xã hội phong kiến được nhiều sự đồng cảm sâu sắc, được nhìn nhận trên tinh thần nhân văn: đề cao, trân trọng con người.

So với người phụ nữ xưa thì người phụ nữ ngày nay đã có nhiều đổi khác, được cả xã hội trân trọng. Họ có đủ điều kiện để tự giải phóng mình, sống bình đẳng trong xã hội, đa số người phụ nữ đã có được cuộc sống hạnh phúc và góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước.Tuy nhiên không phải họ đã hết những bi kịch của người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Trải qua hàng nghìn năm phong kiến, những lề thói cũ vẫn duy trì ở một số nơi khiến người phụ nữ vẫn phải chịu nhiều bất hạnh

như: nạn bạo hành gia đình, thói trọng nam khinh nữ, tệ nạn buôn bán phụ nữ... cần phải đấu tranh để xây dựng một xã hội thật sự bình đẳng. Học sinh là chủ nhân tương lai của đất nước,các em sẽ là những người trực tiếp đấu tranh trong công cuộc đó. Hệ thống tác phẩm văn học Việt Nam trung đại trong chương trình Ngữ văn phổ thông với cảm hứng nhân đạo viết về người phụ nữ sẽ giúp cho các em thấu hiểu nỗi bất hạnh của những người phụ nữ trong xã hội xưa. Đồng thời phấn đấu cho một xã hội hiện đại công bằng, bình đẳng bằng việc trau dồi tri thức, vươn lên làm chủ cuộc đời, làm chủ tương lai của chính mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giá trị văn hóa truyền thống của các tác phẩm văn học việt nam trung đại trọng chương trình ngữ văn phổ thông hiện hành​ (Trang 57 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)