Thiên nhiên giản dị, thơ mộng giàu sức sống

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giá trị văn hóa truyền thống của các tác phẩm văn học việt nam trung đại trọng chương trình ngữ văn phổ thông hiện hành​ (Trang 66 - 70)

5. Phương pháp nghiên cứu

2.3.1. Thiên nhiên giản dị, thơ mộng giàu sức sống

Trong kho tàng văn học thời Lý -Trần bên cạnh những áng hung văn lẫm liệt, còn có những bài thơ trữ tình đằm thắm, trong đó bài thơ Thiên Trường vãn vọng (Ngữ văn 7, tập 1) là một tác phẩm tiểu biểu.

Từ lầu son gác tía, Trần Nhân Tông trở về quê cũ, phóng tầm mắt ra xa, hòa mình vào thiên nhiên quê nhà cảm nhận trọn vẹn sắc màu rực rỡ. Đó là một buổi chiều quê bình dị, thân quen. Ánh mặt trời khuất sau rặng tre chỉ còn lại rơi rớt lại đâu đây, chút ánh sáng yếu mềm, hắt hiu. Làng quê trở nên yên ả, mọi người quây quần bên bếp lửa hồng sau một ngày lao động mệt nhọc. Ta nghe đâu đây tiếng sáo vi vu trong trẻo, êm ả, du dương. Nó phải chăng là tiếng sáo của những chú mục đồng đang đuổi trâu về. Tiếng sáo vui tươi, lòng người rạo rực, buổi chiều quê hiện lên sao mà thơ mộng. Từng đàn cò trắng chao liệng trên không trung, chốc chốc lại sà xuống cánh đồng bất tận. Sức trắng của cánh cò nổi bật trên màu xanh đồng ruộng. Nó cũng là màu sắc của làng quê. Ta thường thấy trong những câu ca dao mẹ hay hát về đàn cò trắng bay trên đồng lúa xanh bao la, hình ảnh đã đi vào tâm tưởng và nhận thức của người dân Việt Nam từ rất xưa. Nó là biểu tượng, là nét đặc trưng của làng quê Việt Nam.

Nguyễn Trãi là một nhà thơ viết nhiều, viết hay về cảnh trí thiên nhiên và một tình yêu tha thiết tạo vật, với một cảm hứng lịch sử thể hiện niềm yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Bài thơ Cảnh ngày hè (SGK Ngữ văn 10, tập 1) vừa là bức tranh thiên nhiên, bức tranh con người, vừa là bức tranh tâm trạng thấm đẫm tình yêu nước của nhà thơ. Từng nét vẽ nhẹ nhàng, đơn sơ, từng màu sắc bình dị nhẹ nhàng thân quen, hình ảnh làng quê Việt Nam hiện lên qua thơ Nguyễn Trãi thật đẹp. Khung cảnh thiên nhiên có sắc có hương: Sắc rực rỡ, hương ngào ngạt. Thiên nhiên làng quê thanh bình, yên ả, không có loạn lạc chiến tranh. Sự bình dị, dịu

dàng trải khắp quê hương mang theo tình yêu thiên nhiên ngọt ngào, sâu lắng nỗi đắm say nồng nàn của tác giả. Qua ngòi bút của Nguyễn Trãi ta thấy quê hương hiện lên rất đẹp, giản dị mà thanh tao.

Vẻ đẹp bình dị của thiên nhiên cũng được Nguyễn Khuyến khắc họa qua

Thu điếu (SGK Ngữ văn 11, tập 1). Bài thơ là một bức tranh tuyệt mĩ về phong cảnh mùa thu của đồng bằng Bắc bộ. Một bức tranh mùa thu hòa hợp, duyên dáng, nhẹ nhàng, thanh tao với làn nước trong veo, làn sóng xanh biếc, lá vàng rơi và trời xanh ngắt. Mọi vật cử động rất nhẹ nhàng như sợ làm xáo động bức tranh thu: sóng chỉ hơi gợn tí, lá vàng cũng chỉ khẽ đưa:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo. Sóng biếc theo làn hơi gợn tí Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.

Hình ảnh thơ gợi một bức tranh phong cảnh rất đẹp với một khoảng không gian trong trẻo, xinh xắn và tĩnh lặng. Mặc dù chỉ là hình thức bên ngoài nhưng cảnh câu cá vẫn được miêu tả đầy đủ với không gian “ao thu” “thuyền câu” và người đi câu. Bức tranh phong cảnh được vẽ thật khéo léo: ao thu với làn nước trong, sóng gợn nhẹ, bầu trời cao xanh lồng lộng, không gian yên tĩnh, vắng vẻ không gian bức tranh được khuôn gọn trong một chiếc ao. Chủ thể trữ tình - người phác họa bức tranh đang ngồi trên chiếc thuyền câu để thả câu câu cá. “Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo” mặc dù là động nhưng vì động khẽ khàng nên thực chất là lấy động để tả cái tĩnh lặng của mùa thu trong không gian của một chiếc ao thu quê nhà. Bài thơ khép lại trong tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương đất nước cao đẹp của nhà thơ. Từ thân thế, cuộc đời, hoàn cảnh sống của Nguyễn Khuyến có thể hiểu, tâm sự của người câu cá chính là nỗi lòng non nước, nỗi lòng thời thế của nhà Nho có lòng tự trọng và lòng yêu quê hương đất nước tha thiết.

Thiên nhiên như một chiếc vỏ ốc hoàn hảo để các thi sĩ thuở xưa thả hồn vào đây quên đi những ưu tư phiền muộn, sóng gió ở đời. Hòa mình với thiên

nhiên, đắm say trong cảnh sắc tự nhiên của tạo hóa, ngày ngày đọc sách ngâm thơ, xa rời chính sự cũng là lối sống của không ít các thi nhân Việt Nam trong đó có Nguyễn Bỉnh Khiêm với bài thơ Nhàn (Ngữ văn 10, tập 1). Bài thơ là lời tâm sự thâm trầm, sâu sắc, khoáng đạt khẳng định quan niệm sống nhàn là hòa hợp với thiên nhiên giữ cốt cách thanh cao, vượt lên trên danh lợi. Bản chất của chữ “nhàn” trong quan niệm đạo giáo là sống theo lẽ tự nhiên, xa rời danh vọng. Thú vui của tâm của thân chỉ có thể được tìm thấy khi được sống trong thiên nhiên. Trong cuộc sống đạm bạc hàng ngày tuy thô sơ, đạm bạc nhưng thảnh thơi, thoải mái. Một trạng nguyên nhưng lại giống như một “lão nông tri điền” ung dung trong cuộc sống lao động tự cung tự cấp, không gò bó, không phụ thuộc. Đó là cuộc sống gắn liền với đồng ruộng quê hương, tự tay lao động phục vụ cuộc sống. Đây cũng là một thú vui trong đời:

Một mai, một cuốc, một cần câu Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.

Nếu những người ngoài kia ham mê tửu sắc, ham công danh phú quý muốn sống xa hoa hưởng thụ thì Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ chọn cuộc sống yên bình, hòa hợp với thiên nhiên. Cuộc sống đạm bạc nhưng yên vui, có trúc ăn trúc có măng ăn măng, ăn thức ăn theo mùa của tự nhiên, chẳng cần đâu sơn hào hải vị. Khi tắm hồ sen, khi lại tắm ao, đắm chìm trong thiên nhiên như thế, cuộc sống đạm bạc an nhàn:

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

Về với thiên nhiên là về với màu xanh cây lá về với hương thoang thoảng của hoa sen nội đồng quê bát ngát. Cảnh sắc, hương trôi, êm ả, tĩnh lặng, trong trẻo, sự trong trẻo ấy như tưới mát tâm hồn con người khiến nó trở lên tươi đẹp hơn, quên đi những đố kị hẹp hòi. Chỉ còn lại thiên nhiên với con người hòa làm một. Với tình yêu thiên nhiên đắm say. Nguyễn Bỉnh Khiêm tìm về quê nhà, về

để sống nhàn, sống không vướng bụi danh vọng. Đó cũng là tình yêu quê hương đất nước đến vô cùng, yêu từng cành cây tán lá, từ những thứ đơn sơ nhất, bình dị nhất.

Nếu Nguyễn Trãi miêu tả bức tranh ngày hè thật sống động, cảnh vật cựa quậy, bứt phá để “phun” ra, thiên nhiên trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm giản dị là măng trúc, rau giá thì Nguyễn Du lại gửi đến bạn đọc một bức tranh mùa xuân mới mẻ, giàu sức sống, khoáng đạt, trong trẻo nhẹ nhàng mà thanh khiết, tinh khôi trong Cảnh ngày xuân (Trích Truyện Kiều – SGK Ngữ văn 9, tập 1).

Ngày xuân con én đưa thoi,

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi. Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Khung cảnh thiên nhiên mang vẻ đẹp riêng của mùa xuân vừa gợi không gian vừa gợi thời gian. Bầu trời cao rộng, trong trẻo từng đàn én rộn ràng bay lượn như thoi đưa. Trong không gian của đất trời mùa xuân, thời gian đang chuyển dần đến điểm cuối “thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi” xuân đã đi qua sáu chục ngày rồi và đất trời đang ở trong tháng ba. Không gian tràn ngập ánh thiều quang - ánh nắng. Ánh nắng ấy có những nét riêng đặc trưng cho mùa xuân, nó không nóng bức, như mùa hè, dịu buồn như mùa thu, mà nắng xuân rất tươi vui, trẻ trung, mới mẻ trong sự nồng ấm của những ngày đầu năm. Bức tranh mùa xuân thật đẹp, có phông, có nền “cỏ non xanh tận chân trời”. Sắc cỏ tháng ba xanh non tơ nõn nà, mềm mượt, êm ả, nó trải rộng ra “tận chân trời” không có điểm dừng. Cả không gian chìm trong sắc xanh tươi mới đầy sức sống. Trên nền cỏ xanh ấy được điểm xuyết một vài bông hoa lê trắng. Đây chính là cái hồn, cái thần là nét vẽ trung tâm của bức tranh.

Bài thơ Qua đèo Ngang (SGK Ngữ văn 7, tập 1) là một bức tranh thiên nhiên đẹp bình dị hoang sơ nhưng thấm đẫm lòng người, mang nặng tâm sự của nữ thi sĩ. Lần đầu nữ sĩ “Bước tới đèo ngang” đặt chân dưới con đèo “đệ nhất hung quan” này,

địa giới tự nhiên giữa hai tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình vào thời điểm “bóng xế tà” lúc mặt trời đã nằm ngang sườn, ánh sáng hắt hiu. Nữ sĩ ngắm nhìn cảnh vật nơi đây với bao tâm trạng. Nắng tắt đêm về, lúc mọi người quay quần, gần gũi nhau trong bữa cơm chiều xúm xít, quay quần cùng là lúc nỗi buồn trào dâng trong lòng những con người xa nhà, xa quê. Nỗi buồn lan xa cùng thiên nhiên, cảnh vật càng thêm hoang sơ, quạnh quẽ đến não lòng. Chỉ có cây và hoa đang quấn quýt lấy nhau, bám chặt nhau để sinh sôi, để tồn tại, “chen” với đất đá khô cằn sắc nhọn nơi đèo cao hoang vắng này. Đứng từ trên cao nhìn xuống và nhìn xa. Cuộc sống của người dân nơi đây hiện lên qua ba nét vẽ thật đẹp. Ngắm nhìn thiên nhiên hai miền đất nước trên ngọn đồi cao, gửi tình yêu vào thiên nhiên hay cũng gửi tình yêu với nước nhà với non nước Việt Nam.

Qua tác phẩm Bạch Đằng giang phú (SGK Ngữ văn 10, tập 2), người đọc sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của hồn thiêng sông núi Đại Việt:

Bát ngát sóng kình muôn dặm Thướt tha đuôi trĩ một màu

Nước trời: một sắc, phong cảnh: ba thu.

Trong sự bao la của non nước đất trời muôn vàn sóng kình nổi lên thành từng lớp lớp một. Nó gợi lên cái nhìn thật xa xăm mênh mông sóng nước dập dềnh. Trên con sông ấy những con thuyền đuôi trĩ một màu giống nhau như làm nên một bức tranh sông nước con thuyền cong đẹp đến mê hồn người. Tất cả mang đến cho tâm hồn ta những cảm xúc yên bình thanh thản.

Thiên nhiên trong văn học trung đại không chỉ là những hình ảnh ước lệ tượng trưng, hùng vĩ lớn lao mà còn là những hình ảnh giản dị, gần gũi, giàu sức sống. Tất cả đều mang vẻ đẹp của đất trời bao la, tươi đẹp và gắn bó với con người.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giá trị văn hóa truyền thống của các tác phẩm văn học việt nam trung đại trọng chương trình ngữ văn phổ thông hiện hành​ (Trang 66 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)