Đồng tình với khát vọng của con người

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giá trị văn hóa truyền thống của các tác phẩm văn học việt nam trung đại trọng chương trình ngữ văn phổ thông hiện hành​ (Trang 55 - 57)

5. Phương pháp nghiên cứu

2.2.2. Đồng tình với khát vọng của con người

Chủ nghĩa nhân đạo trong các tác phẩm văn học trung đại còn thể hiện ở sự đồng tình với những khát vọng chính đáng của con người. Đó là lời ngợi ca mối tình thủy chung, trong trắng của Thúy Kiều - Kim Trọng đặc biệt trong đêm Thề nguyền

(Ngữ văn 10, tập 2). Thề nguyền là một cung bậc tình cảm trong tình yêu. Lời thề là sự khẳng định cho niềm tin, lòng thuỷ chung son sắt của hai con người, nó cho tình yêu một chỗ dựa vững chắc, bền chặt. Tình yêu ấy đã phá rào định kiến, gỡ bỏ mọi trói buộc để đến với nhau tự do, tự nguyện. Một tình yêu vượt trên thời đại. Để bảo vệ, vun đắp cho mối tình đẹp đẽ của mình Thuý Kiều đã:

Cửa ngoài vội rủ rèm the

Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.

Không khí đêm thề nguyền được gợi lên đầy ấn tượng, với ánh sáng, màu sắc, hương thơm; với cảnh đẹp, người đẹp… tạo nên dấu ấn tình yêu đầu đời không bao giờ phai mờ trong tâm hồn Kiều. Biểu hiện của buổi thề nguyền là tiên thề, tóc mây, dao vàng, vầng trăng và lời thề. Kiều trao chàng Kim món tóc

mây biểu hiện sự hẹn ước. Đêm thề nguyền của hai người yêu nhau được vây gọn trong thiên nhiên đẹp đẽ, êm đềm với sự minh chứng của “vầng trăng vằng vặc giữa trời”:

Vừng trăng vằng vặc giữa trời Đinh ninh hai miệng một lời song song.

Tóc tơ căn vặn tấc lòng

Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.

Nguyễn Du còn đồng tình với ước mơ tự do về công lí, công bằng trong xã hội và Từ Hải là nhân vật đại diện cho khát vọng ấy. Từ Hải (đoạn trích Chí khí anh hùng – SGK Ngữ văn 10, tập 2) là một hình tượng mang màu sắc sử thi, một anh hùng xuất chúng có tài năng đích thực và sức mạnh phi thường. Một ngoại hình cao lớn: "Râu hùm hàm én mày ngài - Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”. Những chiến công hiển hách, lẫy lừng: “Huyện thành đạp đổ năm tòa cõi Nam". Từ Hải là một anh hùng đầy chí khí “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Từ Hải là một con người luôn đặt sự nghiệp lên hàng đầu. Hình ảnh người anh hùng Từ Hải ra đi thật đẹp đẽ, mạnh mẽ và phóng khoáng. Con người như mang trong mình một sức mạnh của thiên nhiên, vẫy vùng giữa trời cao biển rộng. Người anh hùng Từ Hải được khắc họa rất sinh động:

Trông vời trời bể mênh mang

Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.

Hình ảnh con người với thanh gươm yên ngựa giữa bầu trời bao la, với khí thế hào hùng. Thái độ ra đi dứt khoát “thẳng rong” nghĩa là chàng không hề suy nghĩ lâu cũng không bị chuyện nữ nhi thường tình níu kéo. Vì vậy khi đã động lòng bốn phương Từ Hải sẵn sàng lên đường “thẳng rong” tự do như mây bay gió lượn giữa bầy trời rộng lớn.

Giang hồ quen thói vẫy vùng

Sự nghiệp mà chàng mong muốn là có trong tay một đội quân tinh nhuệ, hùng hậu và thiện chiến “mười vạn tinh binh” là một đội quân với lực lượng lớn chỉ những bậc đế vương mới có được. Đây là một viễn cảnh hào hùng, vẻ vang, một sự nghiệp xứng đáng với bậc anh hùng. Nguyễn Du đã so sánh Từ Hải với chim bằng (chim đại bàng) để nhấn mạnh sức mạnh bản lĩnh phi thường cảnh ra đi vì sự nghiệp hùng tráng của chàng như chim bằng bay giữa gió mây biển cả. Giữa không gian ấy chí khí của người anh hùng được thoả sức vẫy vùng. Hai câu thơ kết dựng lên hình ảnh phóng khoáng kì vĩ của người anh hùng đồng thời làm nổi bật rõ chân dung khí phách của người anh hùng này.

Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (SGK Ngữ văn 10, tập 1) đề cao tinh thần khảng khái, cương trực, dám đấu tranh chống lại cái ác của Ngô Tử Văn. Qua đó, tác giả thể hiện niềm tin vào công lý chính nghĩa nhất định sẽ thắng gian tà, đồng thời lên án lũ giặc xâm lược dù đã chết vẫn không ngừng gây tội ác trên đất nước ta.

Trong mọi giai đoạn lịch sử, khát vọng của con người luôn được đề cao, trân trọng. Các nhà văn đã rất tinh tế khi thể hiện ước nguyện, mong muốn của con người trước xã hội còn nhiều bất công. Những khát vọng được thể hiện trong văn học Việt Nam trung đại không chỉ đúng với thời kì văn học này mà nó còn tồn tại đến cả thế hệ sau. Đó là những khát vọng chính đáng, thiết thực với con người mà ở xã hội nào cũng cần được thực hiện.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giá trị văn hóa truyền thống của các tác phẩm văn học việt nam trung đại trọng chương trình ngữ văn phổ thông hiện hành​ (Trang 55 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)