Chương 2 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
4.3.1. Đối với ngành nông nghiệp
- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp - thuỷ sản đạt bình quân hàng năm 5,0% giai đoạn 2013 - 2017 và 5,5% giai đoạn 2018-2020.
- Cơ cấu giá trị sản xuất nội bộ ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản năm 2017: Trồng trọt 46,8%, chăn nuôi 37,9%, dịch vụ 3,6%; lâm nghiệp 6,2%, thủy sản 5,6%. Đến năm 2020: Trồng trọt 40,1%, chăn nuôi chiếm 38,4%, dịch vụ 6,1%; lâm nghiệp 7,9%, thủy sản 7,5%.
- Giá trị sản xuất/ha canh tác năm 2017 trở đi đạt trên 50 triệu đồng/ha, trong đó có trên 40% diện tích đạt trên 70 triệu đồng/ha.
- Giá trị sản xuất tính trên một nhân khẩu nông nghiệp đạt gần 17,3 triệu đồng năm 2020.
Giai đoạn 2013-2020 trồng mới khoảng 5.000-6.000 ha rừng tập trung, kết hợp trồng rừng tập trung với tăng cường trồng rừng cây phân tán để tăng độ che phủ, khoanh nuôi tái sinh từ 11.000 - 12.000 ha. Hàng năm khai thác khoảng 30.000 - 35.000 tấn tre, nứa, luồng phục vụ nguyên liệu giấy [20].
Với thực tế là ngành trồng trọt còn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu ngành tại địa phương, trong những năm tới cần tiếp tục giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi và thuỷ sản trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; nâng cao hiệu quả sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của huyện, đặc biệt là những cây trồng có giá trị kinh tế cao; hình thành các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, giá thành hạ, gắn với chế biến và tiêu thụ.
Phát triển sản xuất và chế biến các loại nông sản hàng hoá xuất khẩu có lợi thế của từng vùng, với quy mô hợp lý; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm này (như lúa gạo, thủy sản, rau quả nhiệt đới, thịt lợn...) trên thị trường trong nước và quốc tế. Cụ thể:
Đối với cây lương thực: Bên cạnh mục tiêu tăng năng suất, sản lượng cây lúa, Huyện cần tích cực chuyển đổi từ giống lúa truyền thống sang gieo trồng các loại lúa đặc sản có kinh tế cao hơn. Tiếp tục tăng năng suất, sản lượng, diện tích cây lương thực khác như (ngô, khoai lang, sắn..) để đáp ứng nguồn thức ăn tại chỗ cho phát triển chăn nuôi trên địa bàn Huyện. Sử dụng các giống mới có năng suất cao, chất lượng phù hợp với yêu cầu thị trường, áp dụng các biện pháp đồng bộ về kỹ thuật canh tác để hạ giá thành nông sản; phát triển công nghệ bảo quản, công nghiệp chế biến.
Đối với cây công nghiệp, rau quả: Tăng cường đầu tư nhằm nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất của cây ăn quả trong giá trị ngành trồng trọt, tiếp tục chuyển dịch từ nhóm cây ăn quả vườn tạp, sang nhóm cây nhãn, vải, xoài, và bưởi diễn; tăng năng suất, diện tích, sản lượng cây chè. Hình thành các vùng sản xuất tập trung các loại cây công nghiệp, rau, hoa quả; ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn, tạo và nhân giống, kết hợp với nhập khẩu giống và công nghệ để sản xuất giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao; thực hiện cơ giới hoá các khâu sản xuất, thu hoạch, bảo quản, trước hết là các khâu nặng nhọc, độc hại, thời vụ khẩn trương; tìm tòi và áp dụng những biện pháp bảo quản rau củ an toàn nhằm nâng cao chất lượng rau củ thay thế dần các loại rau củ không an toàn nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc; phát triển các cơ sở công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu.
Đối với chăn nuôi: Do điều kiện đặc thù của địa phương là kinh tế hộ gia đình vẫn còn chiếm tỷ trong cao nên huyện phải từng bước khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Đầu tiên là quy mô trang trại gia đình, tiến tới quy mô lớn hơn thông qua việc hình thành các hợp tác xã chăn nuôi quy mô phù hợp, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, an toàn dịch bệnh. Tiếp tục chuyển dịch từ giảm số lượng nhóm vật nuôi trâu, ngựa, dê sang nhóm vật nuôi bò thịt, lợn, gia cầm. Huyện cần tạo điều kiện cho nông dân về vốn, giống, và kỹ thuật, phát huy triệt để vai trò của cán bộ khuyến nông, khuyến khích nông dân thành lập các hội nông dân tập thể để sinh hoạt hội và cho cán bộ khuyến nông bám địa bàn thông qua các hội nông dân truyền đạt kiến thức trồng trọt chăn nuôi cho từng hộ gia đình.
Nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các cơ sở giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi có trang bị hiện đại đạt yêu cầu chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Huyện cần ưu tiên đầu tư và có chính sách khuyến khích và phối hợp với sở khoa học công nghệ nhằm nghiên cứu và áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất giống, thức ăn công nghiệp, thú y và kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Hiện nay số lượng cũng như quy mô hoạt động của các trang trại trên địa bàn huyện còn rất hạn chế. Nguyên nhân là do nông dân không chủ động được trong vấn đề về giống, vốn, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và đầu ra cho sản phẩm. Các trang trại hoạt động chưa thực sự hiệu quả, hàng hóa làm ra chủ yếu được tiêu thụ trong địa bàn huyện và tỉnh Thái Nguyên, giá trị kinh tế không cao do không có hệ thống tiêu thụ chuyên nghiệp và cũng không được thông qua quá trình sơ chế hay chế biến do vậy không nâng được giá trị kinh tế hàng hóa. Do vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục phát triển kinh tế trang trại theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm thu được từ chăn nuôi, tăng số trang trại chăn nuôi lên một cách hợp lý trên cơ sở nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất của trang trại. Giảm số trang trại trồng trọt, đầu tư phát triển các trang trại lớn theo chiều sâu nhằm nâng cao giá trị hàng hoá các sản phẩm của trang trại.
Khuyến khích phát triển hình thức trang trại gia đình như các loại hình sản xuất khác của kinh tế hộ gia đình, đặc biệt khuyến khích các hộ nông dân, các trang trại gia đình và các thành phần kinh tế khác liên kết với nhau. Hình thành các tổ chức, các hình thức kinh tế hợp tác để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh và hỗ trợ các hộ gia đình còn khó khăn, đồng thời không ngừng phát triển các trang trại hỗn hợp quy mô lớn tạo thành một dây truyền khép kín nhằm đạt hiệu quả sản xuất cao.
Đối với lâm nghiệp: Tập trung bảo vệ vốn rừng hiện có và làm giàu rừng, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Hạn chế khai thác gỗ và lâm sản chuyển sang trồng và nuôi rừng. Quy hoạch để hình thành các vùng rừng nguyên liệu gắn với các cơ sở chế biến; ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô, hom và những phương pháp nhân giống tiên tiến khác, cung ứng đủ giống có chất lượng cho trồng rừng.
Có chính sách để người trồng, chăm sóc rừng bảo đảm được cuộc sống và làm giầu từ nghề rừng; khuyến khích các hộ nông dân, các lâm trường mua máy móc, thiết bị, thực hiện cơ giới hoá các khâu trồng, khai thác, vận chuyển và chế biến gỗ, lâm sản; phát triển các cơ sở sản xuất giấy, bột giấy, ván nhân tạo, đồ gia dụng và thủ công mỹ nghệ bằng gỗ.
Đối với thủy sản: Tập trung vào nuôi trồng thuỷ sản, gắn đánh bắt thủy sản nước ngọt với chế biến hiện đại, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Hướng thủy sản nuôi trồng chủ yếu vẫn là tôm và cá các loại. Huyện cần hỗ trợ quy hoạch và hướng dẫn nông dân khai thác tốt diện tích mặt nước, bao gồm cả những diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi, để nuôi trồng thủy sản, phát triển các hình thức nuôi công nghiệp, bán công nghiệp và nuôi sinh thái phù hợp với điều kiện tự nhiên ở từng vùng; tổ chức sản xuất và cung cấp giống tốt, phòng chống các loại bệnh, bảo đảm cho nông dân nuôi trồng có hiệu quả.