5. Kết cấu của luận văn
3.4.1. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ nghề chè
Song song với chủ trương của tỉnh về phát triển vùng nguyên liệu chè và phát triển bền vững các làng nghề chè trên địa bàn huyện Phú Lương, UBND huyện Phú Lương đã có nhiều chính sách cụ thể cho người dân trồng chè nói chung và các hộ nghề trong các làng nghề chè nói riêng đầu tư mở rộng diện tích chè, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm đặc biệt là hỗ trợ người dân tham gia sản xuất chè VietGAP nhằm mở rộng thị trường, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Một số chỉ tiêu phản ánh kết quả của các hộ nghề được khảo sát như sau:
Bảng 3.10: Kết quả sản xuất kinh doanh của các hộ nghề chè tại các LN chè huyện Phú Lương năm 2017
TT Chỉ tiêu ĐVT Hộ nghề
1 Diện tích chè bình quân Ha/hộ 0,47
2 Năng suất bình quân Tạ/ha 113
3 Giá trị sản xuất Nghìn đồng/hộ 455.000
4 Chi phí trung gian Nghìn đồng/hộ 234.325
5 Giá trị gia tăng Nghìn đồng/hộ 220.675
6 Thu nhập hỗn hợp Nghìn đồng/hộ 208.111
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Phân tích bảng 3.10. Kết quả sản xuất kinh doanh của các hộ nghề tại các làng nghề chè huyện Phú Lương ta thấy, diện tích chè bình quân của hộ dân làng nghề chè được khảo sát là 0,47ha, năng suất chè bình quân đạt 113 tạ/ha. Giá trị sản xuất của một hộ được khảo sát bình quân đạt 455 triệu đồng. Toàn bộ chi phí trung gian như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lao động thuê ngoài, hệ thống cấp nước,... bình quân hộ là 234,325 triệu đồng. Giá trị gia tăng đạt 220,675 triệu đồng, thu nhập hỗn hợp đạt 208,111 triệu đồng.
Theo kết quả khảo sát 335 hộ dân làng nghề chè huyện Phú Lương, có 54 hộ (chiếm 16,12%) tổng số hộ được khảo sát được vay vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, còn lại, phần lớn nguồn vốn là do các hộ tự tích lũy từ quá trình sản xuất kinh doanh và một phần vay từ anh em họ hàng. Đặc biệt, một số hộ nghề chè và những hộ dân làm nghề chè tại các làng nghề tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã, ngoài được vay vốn ưu đãi còn được hưởng những chính sách về hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăn sóc, hỗ trợ máy móc thiết bị theo chính sách hỗ trợ của địa phương. Theo báo cáo của Hiệp hội làng nghề tỉnh Thái Nguyên, trong 3 năm 2015-2017, tổng giá trị máy móc thiết bị hỗ trợ cho các hộ nghề chè tại làng nghề chè huyện Phú Lương là 315.736.500 đồng [8]. Đồng thời, kết quả khảo sát hộ nghề chè tại các làng nghề chè huyện Phú Lương có 37% diện tích chè đang thực hiện theo quy trình VietGAP với 119 hộ tham gia (chiếm 35,5%). Như vậy, có thể thấy số lượng hộ tham gia VietGAP
tại các làng nghề chè huyện Phú Lương còn thấp. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chè VietGAP chưa có sự khác biệt, thị trường tiêu thụ chè chủ yếu của các hộ dân làng nghề chè vẫn qua thương lái và các chợ truyền thống. Nhận thức của người dân về sản phẩm chè an toàn chưa cao.
Hiện nay, trên địa bàn chỉ những hộ tham gia Tổ hợp tác, Hợp tác xã trong làng nghề chè mới tham gia sử dụng nhãn hiệu tập thể chè theo chỉ dẫn địa lý, do vậy để khuyến khích các hộ dân trong làng nghề thành lập hoặc tham gia các Tổ hơp tác hoặc các Hợp tác xã để nâng cao nhận thức của họ trong việc sản xuất chè an toàn và việc sử dụng nhãn hiệu tập thể chè, hạn chế các trường hợp hàng giả, hàng nhái. Đồng thời, khuyến khích các hộ nghề tham gia tập huấn nghề nhằm thay đổi nhận thức và thói quen làm nghề theo kinh nghiệm, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nghề.