Kinh nghiệm về tái cơ cấu nông nghiệp của Thái Lan

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện gia lâm, thành phố hà nội (Trang 33 - 35)

Thái Lan, là một quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á đang trong quá trình chuyển đổi từ một nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp sang một nền kinh tế thu nhập trung bình cao và khá năng động. Vào năm 1997, sau cuộc khủng hoảng tài chính, Thái Lan đã bắt đầu thực hiện tái cơ cấu kinh tế, và trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2007 - 2011, Thái Lan đã nhấn mạnh hơn về vai trò của tái cơ cấu kinh tế đối với đất nước này. Trong các mục tiêu Thái Lan đã đặt ra, một trong số đó là mục tiêu tái cơ cấu về các ngành, trong đó ngành nông nghiệp được đặt ra mục tiêu “phát triển thành cơ sở lương thực an toàn và đầy đủ cho thế giới” (Khuyết Danh, 2013).

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp của Thái Lan không chỉ mới đổi thay trong những năm gần đây, từ những năm 1950 - 1960, Thái Lan đã bắt đầu có những hành động nhằm thay đổi nền nông nghiệp, với công cuộc “cách mạng xanh” trong nông nghiệp, các phương pháp canh tác mới cung với việc sản xuất và nhập khẩu phân bón, thuốc trừ sâu và máy nông nghiệp được đẩy mạnh, bên cạnh đó Thái Lan còn tập trung vào phát triển thủy lợi và cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp. Tuy nhiên, cho đến năm 1960, nền nông nghiệp Thái Lan vẫn trong tình trạng kém phát triển, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn thấp, chí phí sản xuất nông nghiệp lại tăng cao, bình quân thu nhập đầu người chỉ đạt khoảng 175 USD/ người, với trên 80% dân số là làm trong lĩnh vực nông nghiệp,

và tiêu thụ nông sản chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu nội địa. Với sự trì trệ đang diễn ra đối với ngành nông nghiệp, từ sau những năm 1970, Thái Lan chuyển sang định hướng xuất khẩu nông sản, đặt trọng tâm vào đẩy mạnh sản xuất và bắt đầu tiến hành đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp thông qua cơ cấu lại nội bộ ngành (1972 - 1981) lúc này Thái Lan không chỉ tập trung vào phát triển các cây trồng truyền thống như lúa, sắn, và cao su mà đã đầu tư thêm vào các loại cây trồng khác như lúa miến, ngũ cốc, rau màu, hoa quả,... Trong chăn nuôi, gia cầm và lợn cũng có xu hướng được đầu tư sản xuất tăng lên. Giai đoạn tiếp theo (1982 - 1986), Thái Lan tập trung vào nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp thay vì mở rộng quy mô sản xuất, bên cạnh đó đẩy mạnh về cải thiện đời sống và xóa đói giảm nghèo ở nông thôn. Đến năm 1987 - 1991, Thái Lan tập trung cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, trong đó thực hiện đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất và khuyến khích, thu hút khu vực tư nhân tham gia vào nông nghiệp. Với những chuyển đổi đột phá đó, ngành nông nghiệp đã góp phần làm thay đổi mạnh mẽ toàn bộ nền kinh tế Thái Lan. Từ năm 1960 đến những năm 1980, tốc độ tăng GDP trung bình hàng năm đạt trên 7%, trong giai đoạn 1987-1991, Thái Lan là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới 11,4%/năm, thu nhập bình quân tính theo đầu người trong cả nước tăng rất nhanh: Từ 130 USD năm 1965 lên 1.570 USD năm 1991, và đạt mức 1.950 USD năm 1998. Đóng góp của nông nghiệp trong GDP đã giảm dần từ 25,1% giai đoạn 1972/1976 xuống 19% năm 1982/ 1986 và còn 11,4% năm 1992/1996, thay đổi trong cơ cấu của GDP cho thấy sự chuyển dịch từ một nước nông nghiệp sang nền kinh tế bán công nghiệp. Do sự phát triển nhanh của các loại cây trồng mới nên tỷ lệ đất trồng lúa giảm dần, từ chỗ chiếm hơn 90% thời kỳ 1961-1965, xuống còn khoảng 62% năm 1988 và 50% năm 1998; xuất khẩu gạo từ chiếm 45% tổng giá trị xuất khẩu năm 1953 giảm còn 20% (1969), 8% (1988), và 4,4% (1992), 3% (1998), tuy nhiên Thái Lan vẫn là một trong những nước hàng đầu trên thế giới về xuất khẩu gạo (Đặng Kim Sơn và Trần Công Thắng, 2001).

Qua nghiên cứu đã cho thấy, với những chính sách chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp hợp lý, Thái Lan không chỉ xây dựng được một nền nông nghiệp hiện đại, giá trị sản xuất cao mà còn góp phần thay đổi cục diện của cả một nền kinh tế.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện gia lâm, thành phố hà nội (Trang 33 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)