Bài học kinh nghiệm đối với tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện gia lâm, thành phố hà nội (Trang 38 - 39)

Qua nghiên cứu về kinh nghiệm thực tiễn của một số quốc gia và địa phương ở trong nước đã cho thấy, tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại mỗi quốc gia, mỗi địa bàn khác nhau thì quan điểm, tầm nhìn, chiến lược và giải pháp được áp dụng cũng có sự khác biệt. Hệ thống lại các kinh nghiệm thực tiễn, có thể rút ra bài học kinh nghiệm về tái cơ cấu ngành nông nghiệp như sau:

Thứ nhất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần phải quan tâm đến sự thay đổi trong nội bộ ngành nông nghiệp và đối với cả nội bộ của các tiểu ngành như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản. Thực hiện tái cơ cấu không chỉ là một quá trình tăng và giảm cơ cấu của tiểu ngành này so với tiểu ngành kia hay giữa các giống cây trồng, vật nuôi với nhau, mà tái cơ cấu phải dựa trên thế mạnh, lợi thế của địa bàn để thay đổi như: Thế mạnh về đất đai, khí hậu, hay thế mạnh về giống cây trồng, vật nuôi đã có từ trước,... Trong đó, có thể hướng theo chuyên một vài sản phẩm, song cũng có thể đa dạng về sản phẩm. Tuy nhiên, các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh không có nghĩa sẽ được đầu tư gia tăng về tỷ trọng, mặt khác có thể giảm tỷ trọng, song về giá trị sản xuất vẫn ở mức cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, kinh nghiệm từ Malaysia và từ tỉnh Lào Cai đã cho thấy điều này.

Thứ hai, từ kinh nghiệm quốc tế và từ các địa phương cho thấy, tái cơ cấu ngành nông nghiệp không thể tách rời khoa học kỹ thuật và công nghệ. Ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào nông nghiệp là con đường ngắn nhất để gia tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, thông qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của ngành, từ đó thúc đẩy cơ cấu ngành theo hướng hợp lý hơn. Ngoài ra, khoa học công nghệ không những chỉ xuất hiện trong khâu sản xuất mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với cả khâu bảo quản và chế biến, bởi thông qua các khâu này, có thể nâng cao được giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp.

Thứ ba, từ thực tiễn thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại Đồng Tháp cho thấy, trong sản xuất phải hướng tới “liên kết” và “hợp tác” hay phát triển theo quy mô lớn. Một trong những trở ngại đối với sản xuất nông nghiệp hiện nay là chi phí sản xuất cao, sản xuất manh mún nhỏ lẻ không tạo được nhãn hiệu, thương hiệu tập thể, do vậy sản phẩm nông nghiệp thường có giá trị thấp. Để khắc phục vấn đề này cần phải liên kết, hợp tác trong sản xuất để hỗ trợ lẫn nhau, tạo ra sản phẩm tập thể, hay hướng tới sản xuất quy mô lớn, việc sản xuất theo “lợi thế quy mô” sẽ giảm được chi phí, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sản

xuất nông nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại.

Thứ tư, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là quá trình lâu dài, đòi hỏi trong thực hiện phải kiên trì, bền bỉ và có nguồn đầu tư đủ lớn. Do đó, cần phải triển khai từng bước, vừa làm vừa rút ra kinh nghiệm. Mặt khác, Nhà nước nên có chính sách để thu hút khu vực tư nhân cùng tham gia thực hiện, bỏ vốn, để từ đó góp phần gia tăng được nguồn lực hỗ trợ cho triển khai tái cơ cấu ngành, kinh nghiệm từ Thái Lan và Đồng Tháp đã cho thấy rõ điều này.

Thứ năm, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là quá trình có quy mô rộng lớn, triển khai trên nhiều khía cạnh sâu rộng, ngoài những vấn đề trên, trong thực hiện tái cơ cấu còn phải quan tâm tới nhiều vấn đề như: Chính sách khuyến khích, cơ chế quản lý, hạ tầng phục vụ sản xuất,... Do đó, trong thực hiện phải ưu tiên công việc phù hợp, để từ đó có những giải pháp phù hợp và kịp thời. Hệ thống từ kinh nghiệm của các nước và một số tỉnh trong nước đã cho thấy điều này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện gia lâm, thành phố hà nội (Trang 38 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)