PHẦN 2 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
2.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN
2.2.3. Bài học rút ra cho huyện Chiêm Hóa
Từ những kinh nghiệm của các huyện có ngành chăn nuôi phát triển lâu năm, chăn nuôi của huyện Chiêm Hóa còn gặp nhiều vấn đề khó khăn không chỉ ở vấn đề kỹ thuật mà còn là tổng thể của cả ngành hàng. Chăn nuôi hộ gia đình của huyện có quy mô rất nhỏ, nhưng do bối cảnh người dân còn nghèo, đồng thời do tập quán, thói quen nên không thể bỏ được hình thức chăn nuôi với quy mô nhỏ này. Dù có ưu điểm là dễ quản lý, không phải đầu tư lớn nhưng hình thức chăn nuôi với quy mô nhỏ, nguồn cung cấp thực phẩm chủ yếu tại huyện hiện nay cũng tiềm ẩn các nguy cơ dịch bệnh, năng suất, sản phẩm không đồng đều. Để giải quyết vấn đề này các tác động đơn thuần về kỹ thuật sẽ không đem lại hiệu quả. Vì vậy, bài học quí báu cho những người chăn nuôi là liên kết những người chăn nuôi nhỏ lẻ lại với nhau, sản xuất theo 1 qui trình kỹ thuật chung, tạo nguồn số lượng sản phẩm lớn, đồng bộ về chất lượng để thu hút những người buôn bán, tạo thị trường tập trung tại chỗ, nâng cao thu nhập, ổn định chất lượng và số lượng để tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này.
Phát triển chăn nuôi trâu tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi đồng thời sử dụng tiềm năng về phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp. Phát triển chăn nuôi trâu là một trong những định hướng chiến lược của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng vật nuôi trong nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020.