Phần 1 Mở đầu
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.2. Vai trò của thực hiện chuyển đổi hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm
2012 trong nông nghiệp
Trong nền kinh tế thị trường, sự tồn tại và phát triển của các HTX là một tất yếu khách quan mang tính phổ biến. Bởi vì, khi kinh tế thị trường phát triển, tính cạnh tranh ngày càng gay gắt thì nhu cầu hợp tác, liên kết của những người sản
xuất hàng hoá ngày càng trở nên bức thiết hơn. Trong bối cảnh đó, HTX tập hợp những người sản xuất cá thể nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp và giải quyết những bế tắc về vốn, về thị trường. Đồng thời tạo những điều kiện quan trọng cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với xu hướng vận động của nền kinh tế, tăng tích luỹ vốn để thực hiện tái sản xuất mở rộng. Đó là những nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển lực lượng sản xuất.
Ở nước ta hiện nay, sự tồn tại và phát triển của HTX không chỉ xuất phát từ đòi hỏi khách quan của nền kinh tế mà còn là điều kiện quan trọng cho nền kinh tế thị trường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Vai trò của thực hiện chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012 trong nông nghiệp thể hiện ở những góc độ sau:
- Thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp:
Từ khi Luật HTX 2003 và 2012 đi vào thực tiễn và tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, có thể thấy nhiều HTX đã thể hiện tốt vai trò kinh tế của mình trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Các HTX đã bước đầu hỗ trợ cho kinh tế xã viên thông qua việc đáp ứng từng bước các loại dịch vụ và các nhu cầu cơ bản trong sản xuất và đời sống của thành viên, giúp kinh tế thành viên giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất và mở rộng quy mô hoạt động.
HTX nông nghiệp làm được những việc mà từng người, từng hộ không làm được hoặc làm không có hiệu quả. Thực hiện chuyển đổi HTX nông nghiệp theo Luật HTX 2012 góp phần thúc đẩy kinh tế hộ, cá nhân, doanh nghiệp phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ trang trại, doanh nghiệp liên kết, hợp tác, thành lập HTX. HTX nông nghiệp thay đổi mô hình để góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm được nhiều khoản chi phí trong đầu tư cho sản xuất, kinh doanh; huy động được nhiều vốn, nhiều nhân lực, chế ngự được thiên tai, đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất, kinh doanh; cung cấp sản phẩm cho xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế, góp phần vào ngân sách nhà nước. HTX nông nghiệp khai thác đựơc tiềm năng trong dân cư để mở mang ngành nghề, phát triển sản xuất, tăng nguồn hàng xuất khẩu, đóng góp vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội.
Cụ thể:
+ Hỗ trợ các dịch vụ: HTX thực hiện vai trò “bà đỡ” thúc đẩy kinh tế xã viên phát triển. Trong nông nghiệp, chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012 sẽ giúp các HTX là bản thân các HTX phải tự thay đổi đê đáp ứng được yêu cầu của thị trường, xúc tiến các dịch vụ quan trọng nhất phục vụ sản xuất của các hộ thành viên và cộng đồng như: khâu tưới tiêu nước, cung cấp cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật, làm đất… HTX cũng tiến hành các hoạt động sản xuất, chế biến, cung ứng tín dụng tương hỗ, giúp đỡ tiêu thụ nông phẩm, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế hộ và tổng hợp được sức mạnh, tăng khả năng cạnh tranh của HTX và kinh tế thành viên trên thị trường.
+ Cầu nối khoa học công nghệ: Chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012 là tiền đề quan trọng cho việc triển khai, áp dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất do có các phương án sản xuất- kinh doanh rõ ràng. Tham gia HTX, các hộ nhất là hộ nghèo có điều kiện ổn định và nâng cao năng lực sản xuất, ứng dụng khoa học- kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh. HTX là cầu nối để đưa các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại ứng dụng vào sản xuất làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Ở nông thôn, các HTX dịch vụ nông nghiệp đã tạo ra một số thay đổi đáng kể trong quá trình sản xuất nông nghiệp, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn các hộ ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất làm tăng giá trị sản lượng trên một đơn vị diện tích, đồng thời tạo ra nhiều việc làm mới cho thành viên thông qua việc triển khai các dịch vụ phục vụ đời sống và phát triển ngành nghề.
+ Đa dạng hoá các ngành nghề: Do yêu cầu tự hoạt động, tồn tại bằng chính nội lực của minh nên HTX theo Luật HTX 2012 sẽ cần đa dạng hóa ngành nghề, một số ngành nghề mới được hình thành và phát triển, tăng cường các khâu dịch vụ, hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giúp cho người lao động có việc làm, nhất là thời điểm “nông nhàn” và tạo ra nguồn thu nhập cho thành viên HTX. Hướng tạo việc làm này đã giúp giảm sức ép về số lượng lao động trực tiếp trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp và như vậy sẽ có tác dụng làm tăng hiệu suất sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn (do chuyển dịch lao động từ thuần nông sang đa dạng ngành nghề).
+ Tín dụng: Hoạt động này của các HTX tín dụng có vai trò quan trọng trong việc cho vay, hỗ trợ nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong
bối cảnh người dân luôn có nhu cầu phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo nhưng lại thiếu vốn và không thể tiếp cận các nguồn vốn vay của các tổ chức tài chính hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, việc thành lập các HTX tín dụng hoặc tổ chức hoạt động tín dụng nội bộ trong các HTX nông nghiệp là giải pháp rất cần thiết và hiệu quả.
+ Phát triển thị trường: HTX theo Luật HTX năm 2012 đặc biệt trú trọng đến phát triển thị trường, thay đổi để thích nghi với thị trường. Trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh, các hộ xã viên thường gặp khó khăn trong vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm. HTX với những hoạt động tích cực của mình đã là cầu nối giữa kinh tế hộ và thị trường. Hiện nay, khi thị trường dịch vụ ở các địa phương hoạt động theo cơ chế mở, bản thân các HTX đã nỗ lực vươn lên làm tốt và hiệu quả hơn các lĩnh vực dịch vụ điện, thuỷ lợi… Thông qua việc phát triển các HTX này mà nhiều vùng sản xuất hàng hoá đã hình thành, khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá ngày càng được nâng cao.
Với tư cách là người tạo điều kiện và cung cấp các dịch vụ về vốn, tín dụng, khoa học kỹ thuật, vật tư …cho các hộ nông dân, HTX đã góp phần đáng kể vào việc mở rộng cơ cấu ngành nghề, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Quá trình sản xuất kinh doanh theo HTX góp phần tăng năng suất lao động, sản xuất và cung cấp phần lớn hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đầu tư đáng kể cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn.
Hiện nay, các HTX dịch vụ nông nghiệp có chiều hướng phát triển đa ngành nghề, kinh doanh tổng hợp nhằm phục vụ tốt hơn cho nhu cầu xã viên, góp phần tạo nên những thay đổi đáng kể trong quá trình sản xuất nông nghiệp, như: động viên và tạo điều kiện cho xã viên chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cây trồng, vật nuôi, chống hạn, chống lũ, chống sâu bệnh. Nhờ việc cung ứng các dịch vụ đầu vào của hợp tác xã, các hộ xã viên đã tiết kiệm được phần kinh phí không nhỏ so với trước đó. Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn, hiện nay công tác dồn điển đổi thửa đang được tiến hành mạnh mẽ để tránh tình trạng ruộng đất bị xé lẻ, phân tán.
Chính sách này đã tạo ra sự thuận lợi cho việc cơ giới hoá, thuỷ lợi hoá và chuyên môn hoá nông nghiệp nên đã giảm được thời gian gián đoạn sản xuất, năng suất lao động tăng. Mặt khác, sự xuất hiện các trang trại ở nông thôn với tư cách là một mô hình sản xuất mới đã đóng một vai trò tích cực trong việc khai
thác và sử dụng đất, tạo thêm việc làm, tăng năng suất lao động và thu nhập cho nông dân. Chất lượng, khối lượng hàng hoá nông sản từng bước được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu của nền sản xuất hàng hoá theo hướng công nghiệp, dần tạo được nguồn nguyên liệu lớn cho công nghiệp chế biến phát triển.
- Vai trò xã hội,văn hoá:
Do HTX là tổ chức kinh tế - xã hội mang tính chất trợ giúp người dân, được xây dựng trên cơ sở các giá trị về tự chịu trách nhiệm, dân chủ, bình đẳng, công khai và đoàn kết nên việc chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012 ngoài vai trò về kinh tế cũng đảm bảo vai trò xã hội, văn hóa. Về bản chất, HTX theo Luật HTX năm 2012 trước hết là một tổ chức xã hội có mục tiêu đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng chung của thành viên về kinh tế và đời sống, phục vụ và hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất kinh doanh, khác với các doanh nghiệp lấy lợi nhuận làm mục tiêu hoạt động.
Vai trò nổi bật của HTX ở nông thôn chính là việc góp phần quan trọng trong xoá đói giảm nghèo thông qua nhiều hoạt động thiết thực như HTX đứng ra làm tín dụng, hỗ trợ xã viên vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, là cầu nối đưa phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại ứng dụng vào sản xuất làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi... HTX nông nghiệp không chỉ gắn bó các thành viên về kinh tế mà còn được hình thành và phát triển trên cơ sở tình làng nghiã xóm, góp phần thực hiện các chính sách xã hội trên địa bàn như cung ứng các mặt hàng chính sách cho vùng thiên tai bão lụt, tham gia xoá đói, giảm nghèo; phòng chống các tệ nạn xã hội. HTX nông nghiệp còn tạo điều kiện cho những người lao động, những người sản xuất nhỏ phát triển marketing, nhờ đó những khả năng mở rộng được thị trường trong và ngoài nước đảm bảo sự cân bằng và chẳng những có thể trụ vững trong thị trường cạnh tranh, mà còn không ngừng phát triển, không bị phá sản trở thành gánh nặng lao động thất nghiệp cho xã hội.
Bên cạnh vai trò tích cực trong chiến lược xoá đói giảm nghèo, HTX theo sự lớn mạnh của mình đã tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, xã hội, chăm lo phát triển cộng đồng như hỗ trợ về kinh tế khi xã viên, gia đình hộ xã viên hiếu hỷ, ốm đau, cơ nhỡ; đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn ... Ở nhiều nơi, HTX là một trong những nguồn đóng góp quan trọng để xây dựng tổ các cơ sở giáo dục tiểu học, mầm non, cơ sở y tế ... làm cho cộng đồng
dân cư trở nên đoàn kết, gắn bó nhau hơn, góp phần củng cố an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.