2.1.4.1. Điều kiện tự nhiên
Là một loại cây trồng, sinh trưởng phát triển của nó phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên, bao gồm: khí hậu, thời tiết, vị trí địa lý, địa hình, địa mạo đất đai, môi trường, sinh thái,… trong đó yếu tố đất đai đóng vai trò hết sức quan trọng trong sản xuất bưởi đỏ; Với bất kì nền sản xuất nào thì đất đai là yếu tố vô cùng quan trọng không thể thiếu được, nó là nền tảng, tài sản đặc biệt tham gia
trực tiếp vào quá trình sản xuất. Vì vậy, đất đai quyết định sản xuất có diễn ra hay không. Các nhân tố này ảnh hưởng rất lớn đến các thời kỳ sinh trưởng, năng suất và chất lượng của bưởi đỏ (Đào Thị Mỹ Dung, 2012).
2.1.4.2. Chính sách của Nhà nước
Các chính sách về đất đai, vốn tín dụng, đầu tư cơ sở hạ tầng và hàng loạt các chính sách khác liên quan đến sản xuất nông nghiệp trong đó có sản xuất bưởi. Đây là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sản xuất bưởi, các chính sách thích hợp, đủ mạnh của Nhà nước sẽ gắn kết cá yếu tố trong sản xuất với nhau để sản xuất phát triển. Bao gồm: Quy hoạch vùng sản xuất chính xác sẽ phát huy được lợi thế so sánh của vùng; Xây dựng được các quy mô sản xuất phù hợp, tổ chức các đầu vào theo đúng các quá trình tiên tiến; Tăng cường công tác quản lý, thường xuyên quan tâm đổi mới quy trình sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm sẽ tiết kiệm được chi phí, nâng cao được năng suất cây trồng và có hiệu quả cao (Đào Thị Mỹ Dung, 2012).
2.1.4.3. Nguồn lực của hộ
* Trình độ, năng lực của các chủ hộ
Trình độ, năng lực của chủ hộ có tác dụng quyết định trực tiếp đến việc tổ chức và hiệu quả kinh tế cây bưởi. Năng lực của các chủ hộ được thể hiện qua: trình độ tổ chức quản lý và khả năng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới; Khả năng ứng xử trước các biến động của thị trường, môi trường sản xuất kinh doanh... (Đào Thị Mỹ Dung, 2012).
* Quy mô sản xuất của hộ
Các hộ nông dân khác nhau có diện tích trồng bưởi khác nhau. Có một số hộ gia đình ngoài phần diện tích của gia đình được chi theo số khẩu còn có diện tích nhận đấu thầu. Diện tích càng lớn thì công tác quản lý giảm đi và mọi công việc như tổ chức chăm sóc, thu hoạch, chi phí...cũng được tiết kiệm và ngược lại. Do vậy quy mô sản xuất có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (Đào Thị Mỹ Dung, 2012).
* Quy mô vốn
Vốn bằng tiền, vật tư kỹ thuật và lao động kỹ thuật là nhân tố quan trọng để tăng trưởng kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp. Vốn đầu tư là cơ sở để tạo ra vốn sản xuất, tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế, còn là điều kiện để
nâng cao trình độ khoa học công nghệ, vật tư kỹ thuật và lao động kỹ thuật, tạo thêm việc làm, mở rộng quy mô sản xuất (Đào Thị Mỹ Dung, 2012).
Đối với trồng cây ăn quả nói chung và cây bưởi nói riêng yêu cầu vốn đầu tư khá lớn. Vì vậy muốn sản xuất và sản xuất có hiệu quả cao thì yêu cầu có được nguồn vốn đầy đủ, kịp thời và sử dụng hiệu quả vốn vào sản xuất là rất quan trọng. Cây bưởi là cây trồng lâu năm, việc đầu tư ở giai đoạn kiến thiết cơ bản có ảnh hưởng nhiều đến cả giai đoạn kinh doanh, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, chất lượng bưởi. Vì vây, yêu cầu đầu tư không thể xem nhẹ ở giai đoạn nào, năm nào, nên nếu không đảm bảo về vốn thì sản xuất sẽ rất khó phát triển.
2.1.4.4. Thị trường tiêu thụ
Tập quán của người tiêu dùng, nó phụ thuộc vào đặc điểm của vùng, mỗi quốc gia, cũng như trình độ dân trí của vùng đó. Cụ thể các sản phẩm bưởi đỏ khi tiêu thụ ở các thị trường có nhiều người có thu nhập cao như thành phố, các siêu thị lớn thì quả phải đẹp về mẫu mã, chất lượng tốt...còn các thị trường dành cho người có thu nhập thấp thì có thể bán ra những sản phẩm không nhất thiết phải đẹp về mẫu mã và chất lượng vừa phải, giá cả rẻ hơn thì mới được người tiêu dùng dễ chấp nhận (Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Tân Lạc, 2017).
2.1.4.5. Chất lượng cây giống
Giống bưởi đỏ từ trước đến nay chủ yếu được sản xuất bằng phương pháp chiết cành và hầu hết được các hộ gia đình tự sản xuất nên chất lượng cây giống không được kiểm soát, đảm bảo chất lượng. Do tâm lý sợ ảnh hưởng và tiếc những cây mẹ tốt nên hầu hết cây giống đều được chiết từ những cây kém phát triển, những cành thải loại không đủ tiêu chuẩn, đã làm giảm khả năng phát triển, sinh trưởng của cây trồng khi trồng mới, sâu bệnh lan rộng, chất lượng giảm sút. Mặt khác cây bưởi đỏ có khả năng thích nghi rộng, dễ trồng ở các vùng đất khác nhau. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng của quả bưởi thì cần phải lựa chọn kỹ thuật duy trì giống gốc, cây đầu dòng, lưu giữ nguồn gen, ứng dụng khoa học công nghệ để nhân giống bưởi đỏ. Giống tốt, sạch bệnh sẽ quyết định chất lượng bưởi đỏ (Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Tân Lạc, 2017).