Cây ăn quả có múi là loại cây ăn quả quan trọng nhất, tổng diện tích trồng quả có múi toàn thế giới trên 7 triệu ha (Bảng 2.2), tập trung nhiều ở các nước có
khí hậu cận nhiệt đới như Tây Ban Nha, Brazin, Mỹ, Trung Quốc và các nước
ven Địa Trung hải. Tức là được trồng nhiều từ vĩ tuyến 30 đến 35o. Hiện nay sản
xuất cây ăn quả có múi từ vùng nhiệt đới đã tăng lên gần bằng các nước cận nhiệt đới. Nguyên nhân là điều kiện tự nhiên, kỹ thuật khai thác có tiến bộ, những trở ngại do nhiệt độ ở vùng ôn đới đã hạ thấp hơn ảnh hưởng đến sản lượng cây ăn quả có múi. Điều quan trọng hơn là dân số các nước nhiệt đới tăng nhanh, điều kiện kinh tế khá hơn nên nhu cầu tiêu thụ quả có múi tăng, kéo theo sản xuất tăng. Hàng năm, sản lượng cây có múi toàn thế giới là trên 100 triệu tấn, trong đó sản lượng cam quýt sản xuất tới 65 triệu tấn hoặc cao hơn, chiếm 27% so với tổng số các loại trái cây khác (Nguyễn Công Tiệp, 2011).
Cam quýt có nhiều loại, trong đó quan trọng nhất là cam, chiếm tới 82% tổng sản lượng quả có múi. Quýt, chanh vỏ mỏng, bưởi chùm tăng nhanh hơn, 3 loại quả này đều là cây của vùng nhiệt đới, nên sản xuất cam quýt nhiệt đới tăng nhanh.
Hàng năm, diện tích bưởi toàn thế giới trên 250 ngàn ha, sản lượng từ 3,6 đến 5 triệu tấn, chiếm khoảng 3,5 % tổng diện tích cây có múi và 4,8% sản lượng cây có múi. Diện tích, năng suất và sản lượng cây có múi nói chung và bưởi nói riêng chưa ổn định (Nguyễn Công Tiệp, 2011).
Trong tiêu thụ, cam quýt dùng ăn tươi một phần còn đa số (2/3 sản lượng) qua chế biến. Các nước ôn đới tỷ lệ cam quýt chế biến 80- 90% trong khi đó các nước nhiệt đới chủ yếu ăn tươi, nên tỷ lệ chế biến rất thấp. Một số quả như cam, bưởi chùm chế biến dễ dàng nhất, đảm bảo chất lượng tốt nên được nhiều người yêu thích. Quýt, bưởi, bưởi chùm tiêu thụ chủ yếu ở các nước nhiệt đới.
Năm 2004, diện tích và sản lượng cam chanh đứng đầu thế giới là Brazin với diện tích cam 820.267 ha, sản lượng đạt trên 18 triệu tấn, diện tích trồng chanh là 52.000 ha, sản lượng 1 triệu tấn. Thứ đến là Mêxicô và Mỹ. Cả Mỹ và Mêxicô đều có diện tích trồng cam là 330.000 ha. Tuy nhiên sản lượng cam của Mỹ rất cao đạt hơn 11 triệu tấn cao hơn nhiều so với Mêxicô có hơn 3 triệu tấn. Hiện nay, Mỹ vẫn là nước xuất khẩu bưởi chính trên thế giới với 4 vùng sản xuất chính là Florida, Texas, Arizona và California. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng bưởi của bang Florida đạt 25 triệu thùng (2004). Đứng sau Braxin, diện tích trồng chanh của Ấn Độ là 55.000 ha với sản lượng hơn 1,4 triệu tấn. Ngoài ra còn phải kể đến một số nước khác cũng có diện tích trồng cam lớn
như Trung Quốc 298.734.739 ha, Tây ban Nha 140.000 ha, Pakistan 130.000 ha tương ứng với sản lượng là khoảng xấp xỉ 2 triệu tấn, 2,9 triệu tấn, 1,2 triệu tấn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2009).
Tại Ấn Độ, bưởi và bưởi chùm trồng trên quy mô thương mại ở một số vùng. Bưởi chùm là loại quả được dùng để ăn sáng phổ biến ở nhiều nước, Những vùng khô hạn như Punjab là nơi lý tương với bưởi chùm. Bưởi có thể trồng được ở những vùng có lượng mưa lớn và phát triển tốt ở vùng KonKan. Năm 2005, Ấn Độ sản xuất được 142.000 tấn bưởi và bưởi chùm. Ngoài 26 nước có diện tích trồng cam chanh với diện tích tương đối lớn còn 51 nước khác cũng được FAO thống kê. Tuy nhiên diện tích và sản lượng còn thấp. Các nước xuất khẩu cam chanh chủ yếu là Tây Ban Nha, Thái Lan,… các giống cam chanh được ưa chuộng trên thị trường là Wasingtơn, Navel, Samouti của Israsel, các giống quýt Địa Trung Hải như Clementin, quýt đỏ Danxuy và Unshin (Lương Thị Kim Oanh, 2011).