Cây ăn quả có múi được xác định là 1 trong 3 loại cây chủ lực trong quá trình thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình. Diện tích cây ăn quả có múi của cả tỉnh gần 5.000 ha. Diện tích trồng bưởi gần 2.000 ha, trong đó diện tích bưởi đỏ khoảng 900 ha và được trồng khá tập trung. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển thương hiệu sản phẩm. Qua tìm hiểu được biết, cây bưởi đỏ già nhất hiện nay có tuổi đời 34 năm. Đến nay có nhiều cơ sở để chứng minh giống bưởi này dù hoàn toàn không có chủ đích nhưng nó là sản phẩm lai hữu tính có nguồn gốc từ vùng Tân Lạc và là loài cây bản địa của địa phương. Đây là lợi thế quan trọng để phát triển thương hiệu bưởi đỏ Hoà Bình so với các giống bưởi khác (Đinh Thắng, 2016).
Trong giai đoạn trước năm 2011, sản xuất cây bưởi đỏ rất manh mún, chủ yếu ở quy mô vườn hộ gia đình tại một số xã Đông Lai, Thanh Hối của huyện Tân Lạc. Từ năm 2012 trở lại đây, diện tích bưởi đỏ tăng rất nhanh, không chỉ trong địa bàn huyện Tân Lạc mà phát triển mạnh sang huyện Lạc Sơn, Kim Bôi. Bưởi đỏ được trồng phổ biến trên diện rộng do dễ trồng, dễ chăm sóc, trung bình mỗi ha trồng được 300-350 cây. Sau thời gian kiến thiết 3 - 4 năm, bước vào thời kỳ kinh doanh, trung bình mỗi cây có thể thu 200 - 300 quả thương phẩm, giá bán trung bình 25.000 đồng/quả, giá trị thu nhập đạt trên 500 triệu đồng/ha/ năm. Mặc dù diện tích bưởi đỏ phát triển nhanh trong 3 năm lại đây nhưng nhìn chung còn nhiều khó khăn phải giải quyết, từ kỹ thuật nhân giống đến canh tác, phòng trừ dịch hại đến khâu thu hoạch, bảo quản và thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, khâu sản xuất và cung ứng giống bưởi hiện nay chưa được kiểm soát. Việc sản xuất và phân phối giống hoàn toàn do các hộ có bưởi trồng từ những năm trước tự nhân giống rồi bán cho các hộ dân trồng sau. Do đó chất lượng không đảm bảo vì hầu hết nhân giống theo phương pháp chiết cành. Hàng năm lượng giống bưởi đỏ cần cung cấp cho thị trường trong tỉnh khoảng 25 vạn cây, nhưng năng lực xuất giống của một số cơ sở chỉ đủ cung ứng được khoảng 2-2,5 vạn cây. Số giống còn lại do người dân tự ghép trồng và từ cành chiết do các nhà vườn cung cấp (Đinh Thắng, 2016).
Đề án phát triển bưởi đỏ tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2016-2020 mở ra cơ hội phát triển một nền nông nghiệp ổn định bền vững, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Khu vực trồng bưởi tập trung sẽ là nơi thu hút khách đến thăm quan học tập, thu hút khách du lịch, đồng thời tạo cảnh quan đẹp góp phần cải
thiện môi trường sinh thái, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Mục tiêu của đề án phát triển cây bưởi đỏ có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, hiệu quả kinh doanh cao; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chọn giống, nhân giống, bảo quản, chế biến... tiến tới xây dựng thương hiệu bưởi đỏ Hoà Bình nhằm nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Mục tiêu đến năm 2020 xây dựng vùng bưởi đỏ ổn định tập trung quy mô khoảng 2.000 ha, trọng điểm tại các huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi, trong đó, trồng mới 1.150 ha, giá trị thu nhập bình quân đạt trên 500 triệu đồng/ha/năm. Trên 50% diện tích trồng bưởi đỏ thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm kết hợp với xây dựng nhãn hiệu hàng hoá. Theo đó, kinh phí thực hiện đề án khoảng 762 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 93,25 tỷ đồng, chia ra trong 5 năm: năm 2016 trên 13,8 tỷ đồng; năm 2017 là 21,2 tỷ đồng; năm 2018 trên 23,2 tỷ đồng; năm 2019 trên 21,1 tỷ đồng; năm 2020 là 13,8 tỷ đồng (Đinh Thắng, 2016).