4.3.4.1. Thị trường tiêu thụ đầu ra
Tiêu thụ sản phẩm là khâu cuối cùng của quá trình sản xuất kinh doanh, đây cũng là giai đoạn bù đắp chi phí và thu lợi nhuận. Việc đầu tiên của quá trình tiêu thụ sản phẩm là phải lựa chọn các kênh phân phối hợp lý, có hiệu quả nhằm mục đích đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của khách hàng, nhanh chóng giải phóng nguồn hàng, bù đắp chi phí sản xuất thu hồi vốn. Xây dựng một hệ thống mạng lưới tiêu thụ sản phẩm tốt cũng có nghĩa là xây dựng một nền móng vững chắc cho việc củng cố và phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi người sản xuất. Bên cạnh đó cũng cần mở rộng và đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ bán hàng như quảng cáo, khuyến mại và các dịch vụ sau bán. Đây là một trong những chiến lược cạnh tranh phi giá cả gây ra sự chú ý và thu hút khách hàng một cách có hiệu quả. Hoạt động tiêu thụ sản phẩm được tổ chức tốt sẽ làm tăng sản lượng bán hàng và từ đó tăng doanh thu, lợi nhuận dẫn tới tốc độ thu hồi vốn nhanh và kích thích sản xuất phát triển.
Tuy nhiên, qua điều tra khảo sát, hình thức tiêu thụ bưởi đỏ trên địa bàn huyện Tân Lạc vẫn chỉ tự phát, chủ yếu là do các thương lái trong tỉnh, trong huyện đến mua và bán rải rác khắp các chợ. Từ đó, người sản xuất và người tiêu dùng thiếu thông tin của nhau, đã làm cho giá bán bị nhiễu loạn. Tình trạng bưởi đỏ rớt giá vẫn xảy ra tại địa bàn huyện Tân Lạc, làm cho các hộ sản xuất dè dặt hơn trong đầu tư sản xuất.
Huyện Tân Lạc đang từng bước thực hiện xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm bưởi đỏ. Như vậy sản phẩm bưởi đỏ đang dần đến với các thị trường hơn với nguồn thông tin chính thống. Do đó, thị trường tiêu thụ sẽ luôn ổn định và càng được mở rộng.
Hình 4.2. Múi bưởi đỏ huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình
Nguồn: Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Tân Lạc (2017)
4.3.4.2. Thị trường các yếu tố đầu vào
Yếu tố đầu vào đóng vai trò quan trọng đối với sản xuất kinh doanh. Qua điều tra cho thấy có 32% số hộ sản xuất bưởi đỏ là thường xuyên mua tại cửa hàng Vật tư nông nghiệp của huyện, số hộ còn lại thì mua các cửa hàng vật tư do tư nhân mở trên địa bàn huyện. Điều này làm cho chất lượng đầu vào của sản xuất bưởi đỏ không đảm bảo. Hộ trồng bưởi vẫn gặp rủi ro khi hộ mua phải hàng dởm, hàng kém chất lượng, làm ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất và chất lượng của bưởi đỏ trong quá trình sản xuất.
Giá cả của một sản phẩm trên thị trường được hình thành và thông qua quan hệ cung cầu. Người bán và người mua thoả thuận với nhau để tiến tới mức giá cuối cùng nhằm đảm bảo lợi ích của cả hai bên. Giá cả đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua hay không mua của khách hàng.
Bưởi đỏ là đặc sản của huyện Tân Lạc, do đó giá của bưởi đỏ luôn được đảm bảo ở mức giá cao so với các loại bưởi khác. Vì vậy mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng bưởi. Tuy nhiên, năm 2017 giá bưởi đỏ lại giảm xuống (năm 2016 là 30.000 đồng/quả nhưng năm 2017 giảm còn 25.000 đồng/quả). Điều này ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất của người trồng bưởi.