Qua phân tích tình hình sản xuất và những khó khăn mà hộ sản xuất gặp phải, chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn trong sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm bưởi đỏ đó là:
4.4.6.1. Đáp ứng nguồn giống bưởi đỏ chất lượng và sạch bệnh
Từ hạn chế trong việc mua giống của các hộ từ các nguồn trôi nổi trên thị trường; các hộ tự cắt ghép, chiết cành giống bưởi tốt lẫn giống bưởi xấu và không đồng đều. Điều này cho phép chúng tôi đưa ra giải pháp về khâu chọn giống. Bởi vì, theo ý kiến người dân thì cây giống tốt là một trong những yếu tố khởi đầu nhất cho quá trình đầu tư xây dựng một vườn bưởi có năng suất cao và ổn định, giảm chi phí đầu tư khi trồng mới mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, trong thời gian tới, cán bộ khuyến nông huyện cần:
Tổ chức các chương trình tập huấn kỹ thuật trồng bưởi đỏ, cách phòng trừ sâu bệnh hại và cách nhận biết giống sạch bệnh cho các hộ.
Tổ chức giống cây trồng của huyện cần phải chọn lọc giống cây chất lượng, sạch bệnh để cung ứng cho người dân. Cần chọn và cải tạo phục tráng các giống tốt ở địa phương, việc chọn tạo cần nắm vững về kỹ thuật chiết, ghép, chăm sóc: chọn cây sạch bệnh, mần sạch bệnh, vườn ươm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, người làm giống nắm được kỹ thuật và có trách nhiệm.
Tổ chức nhân giống, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất và cung cấp giống cây đến từng xã, thị trấn.
4.4.6.2. Chú trọng công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và công tác thu hoạch bưởi đỏ
Giai đoạn kinh doanh là giai đoạn mang lại hiệu quả kinh tế cao và thể hiện rõ lợi thế cạnh tranh trong toàn bộ quá trình sản xuất bưởi. Trong giai đoạn này, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật cần được quan tâm cả về đầu tư chăm bón và thu hoạch sản phẩm. Công tác chăm bón, cần quan tâm tới hai công việc chính là bón phân và phòng trừ sâu bệnh hại.
Ngoài ra cần thường xuyên theo dõi tình hình sinh trưởng và phát triển của cây trồng để có biện pháp xử lý kịp thời các hiện tượng thiếu phân vi lượng như: thiếu kẽm, thiếu magiê, thiếu sắt… để bón bổ sung.
Tiến hành các việc như làm cỏ, cuốc ải, tạo hình, tỉa cành, quét gốc sau thu hoạch, vệ sinh vườn trồng. Đặc biệt phải chú ý tưới nước giữ ẩm cho vườn cây sau thu hoạch, giai đoạn phân hoá lộc xuân đến khi ra hoa, quả nhỏ và quả lớn.
Phòng trừ sâu bệnh hại là một vấn đề vô cùng quan trọng trong trồng và chăm sóc bưởi đỏ. Cây bưởi đỏ thường bị rất nhiều loại sâu bệnh gây hại. Sâu bệnh hại cây bưởi đỏ là vấn đề rất cần phải chú ý và theo dõi thường xuyên để xử lý kịp thời, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất cũng như tuổi thọ vườn bưởi đỏ. Đặc biệt, người trồng bưởi đỏ cần phải chú trọng đến việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại đúng liều lượng và thời gian phun. Có như vậy, mới sản xuất được những trái bưởi đáp ứng được yêu cầu về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong trái bưởi, đảm bảo tạo ra những trái bưởi đỏ “sạch”. Muốn làm được điều này, hộ trồng bưởi đỏ và cán bộ khuyến nông trong công tác phòng trừ sâu bệnh hại cần làm các công việc sau:
Cán bộ khuyến nông cần phải hướng dẫn người dân tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi đỏ.
Hộ cần thường xuyên theo dõi để phát hiện đối tượng chính gây hại; chọn thuốc đặc trị, không phun thuốc định kỳ, không nên hỗn hợp nhiều loại thuốc một cách tuỳ tiện.
Khuyến khích người trồng bưởi đỏ sử dụng các sản phẩm tự nhiên như: bã Protein làm từ bã bia hay nuôi ong, kiến trong vườn cây để diệt sâu.
Sử dụng các loại phân bón lá, các kích thích tố sinh trưởng phù hợp để xử lý bưởi ra hoa trái vụ, ra hoa sớm, tăng tỷ lệ đậu quả, làm cho quả có hình thức bóng đẹp.
Mua các loại phân bón, thuốc BVTV tại các cửa hàng có uy tín, đọc kỹ hướng dẫn của các loại thuốc BVTV.
4.4.6.3. Đổi mới trong khâu thu hoạch bưởi đỏ
Cây bưởi đỏ là cây ăn quả đòi hỏi thời gian thu hoạch hợp lí, đúng thời vụ, tránh tình trạng thu hoạch muộn sẽ ảnh hưởng đến năng suất các vụ sau. Do đó hộ cần phải tổ chức lao động thu hoạch sản phẩm đúng thời vụ và có kỹ thuật bảo
quản quả cam sau thu hoạch, giữ được thời gian dài hơn. Trong quá trình thu hoạch hạn chế thấp nhất việc làm gẫy cành.
Khi tiến hành thu hoạch quả bưởi nên dùng dao cắt cả cuống quả bưởi, lau sạch cho vào giỏ hoặc sọt tre để nơi thoáng mát, phân loại. Để giữ bưởi đỏ được tươi lâu, người trồng có thể phun 2,4D nồng độ 10-40ppm để ngăn ngừa sự khô và rụng cuống trái bưởi; hoặc phun Thiabendazole 40% pha loãng ở nồng độ 500 lần vào thời điểm 1-2 tuần trước khi thu hoạch, hoặc ngâm trong 3 phút ngay khi mới thu hoạch bưởi hoặc phun Iminoctodine 25% pha loãng 2.000 lần vào lúc 4 ngày trước khi thu hoạch hoặc ngâm 3 phút ngay khi mới thu hoạch bưởi để giảm tỉ lệ trái hư.
Sau khi thu hoạch hoặc xử lý hóa chất, giữ trái trong bóng râm vài ngày cho ráo trước khi cho vào túi tồn trữ. Túi nên dày khoảng 0,02-0,03mm, mỗi túi chỉ nên giữ 1 trái. Nếu tồn trữ trong thời gian lâu nên sử dụng màng bao PE thật mỏng quấn chung quanh.