Hiện nay, trong toàn hệ thống Ngân hàng chưa có một văn bản hướng dẫn hoặc những quy định nào về những bước mà cán bộ tín dụng phải làm khi xảy ra tình trạng tín dụng cầm cố bị rủi ro. Do vậy, bộ tài chính, tư pháp và Ngân hàng Nhà nước cần ban hành thông tư liên bộ hướng dẫn một số thủ tục về thế chấp, cầm cố đối với Doanh nghiệp Nhà nước và thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp, cầm cố và bảo tồn vốn vay.
Bộ Tài chính cần tổ chức thực hiện tốt việc kiểm tra buộc các Doanh nghiệp tiến hành hạch toán theo pháp lệnh hạch toán, kế toán và thống kê, bảo đảm số liệu chính xác, trung thực và kịp thời. Điều này giúp các Ngân hàng nắm được các thông tin tài chính, bảo đảm cho việc phân tích tài chính, tín dụng được chính xác.
Với số lượng khoảng 500.000 DN thực tế đang hoạt động tại Việt Nam năm 2014 thì việc quản lý là vô cùng khó khăn đối với các Bộ, Ngành. Do đó Chính phủ cần có chính sách khuyến khích hoặc bắt buộc thông tin minh bạch đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam để có thể dễ dàng quản lý hoạt động của các doanh nghiệp này.
Tạo lập môi trường pháp lý ổn định, đặc biệt các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh, tài chính kế toán, xử lý tranh chấp... Điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư kinh doanh, ngân hàng có cơ sở pháp lý vững chắc xử lý những vấn đề liên quan tới việc đánh giá khách hàng nói chung và công tác phân tích đánh giá tình hình hoạt động và tài chính doanh nghiệp vay vốn nói riêng.
Có các quy định bắt buộc các tổ chức có hoạt động tín dụng nói chung của các Bộ, Ngành cần phải cung cấp thông tin cho NHNN nhằm thống nhất hoạt động của các đơn vị có hoạt động ngân hàng đồng thời hạn chế các rủi ro vỡ nợ hoặc tỷ lệ nợ xấu cao có thể xảy ra đối với các đơn vị này hoạt động trong ngành này. Trong trường hợp xấu nhất thì việc này cũng hạn chế được ảnh hưởng xấu dây chuyền đối với hệ thống các DN trong nền kinh tế.