Phần 2 Tổng quan tài liệu
2.2. Cơ sở thực tiễn về quản lý rủi ro tín dụng tại nhno&ptnt
2.2.2. Kinh nghiệm quản lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng ở Việt Nam
* Mô hình quản trị tín dụng của Ngân hàng Techcombank
Cùng với việc kí kết hợp đồng hợp tác chiến lược với ngân hàng HSBC, Techcombank đã được đối phương giúp đỡ rất nhiều và chuyển đổi thành công mô hình quản trị tín dụng của mình. Đây là một lợi thế rất lớn của Ngân hàng Techcombank bởi lý do HSBC có hoạt động quản trị rủi ro chuyên nghiệp và chuẩn hóa. Để có thể đảm bảo việc cấp tín dụng an toàn và hiệu quả, HSBC đã áp dụng một hệ thống quản lý rủi ro tín dụng với các nguyên tắc và chuẩn mực cao nhất nhằm giảm thiểu tối đa tổn thất cho Ngân hàng. HSBC luôn đảm bảo nguyên tắc tách bạch, phân công chức năng rõ ràng giữa các bộ phận, tuân thủ phân công, độc lập trong quá trình giải quyết và giám sát các khoản cấp tín dụng nhằm quản lý độc lập.
Kế thừa những kinh nghiệm trên, Techcombank đã xây dựng hệ thống quản trị tín dụng phù hợp với điều kiện riêng của mình. Cụ thể: tại Chi nhánh, chuyên viên khách hàng chịu trách nhiệm là đầu mối bán hàng, tìm kiếm khách hàng, thu thập hồ sơ, lập báo cáo thẩm định, trình lãnh đạo chi nhánh và gửi toàn bộ hồ sơ lên phòng thẩm định và phê duyệt tín dụng.
Tại phòng thẩm định và phê duyệt tín dụng, chuyên viên thẩm định tiếp nhận hồ sơ vay vốn gửi lên từ chi nhánh, thực hiện công tác thẩm định: gọi điện thoại kiểm tra thông tin khách hàng, trường hợp phát hiện có dấu hiệu không phù hợp sẽ chuyển cho bộ phận kiểm tra thực tế để đến tận nơi thẩm định khách hàng. Sau đó, tìm kiếm thông tin từ dữ liệu Ngân hàng tra cứu CIC, chuyển bộ phận định giá TSBĐ (nếu có) tại phòng định giá hội sở hay thuê định giá độc lập bên ngoài… nếu khách hàng không đủ điều kiện vay sẽ ra thông báo từ chối trả lời chi nhánh. Nếu khách hàng đủ điều kiện vay chuyên viên thẩm định sẽ đề xuất và trình chuyên gia phê duyệt tín dụng. Trường hợp vượt mức ủy quyền sẽ trình chuyên gia phê duyệt cấp cao hoặc Hội đồng tín dụng Trụ sở chính.
Tại trung tâm hỗ trợ kinh doanh: sau khi hồ sơ khách hàng được phê duyệt, phòng thẩm định và phê duyệt tín dụng sẽ thông báo cho chi nhánh và chuyển kết quả phê duyệt cho trung tâm hỗ trợ kinh doanh. Cán bộ tại đây sẽ thực hiện ký kết hợp đồng tín dụng, khế ước nhận nợ, ký hợp đồng thế chấp, đăng kí giao dịch bảo đảm, nhập kho tài sản bảo đảm và giái ngân cho khách hàng.
Tại phòng quản lý nợ: sau khi hoàn tất việc phát tiền vay cho khách hàng, Phòng quản lý nợ sẽ là bộ phận thường xuyên theo dõi tình hình trả nợ của khách hàng. Nếu phát sinh nợ quá hạn sẽ gọi điện hoặc đến gặp khách hàng để thông báo nhắc nợ, nếu khách hàng vẫn chây ỳ thì có thể phối hợp với chi nhánh để phối hợp thu nợ hoặc phối hợp với bộ phận xử lý nợ để xử lý tài sản bảo đảm.
Tại phòng quản trị rủi ro tín dụng: định kỳ hàng tháng hoặc hàng qúy sẽ thực hiện công tác kiểm tra đánh giá diễn biến dư nợ của toàn hệ thống Ngân hàng (Lê Huỳnh Như, 2014).
* Mô hình quản trị tín dụng của Ngân hàng Vietinbank
Từ năm 2011 trở về trước, Vietinbank thực hiện theo mô hình quản lý tín dụng phân tán. Theo đó, các phòng khách hàng, phòng giao dịch tại chi nhánh thực hiện tất cả các bước của quy trình đối với khách hàng đủ điều kiện trong mức ủy quyền phán quyết (chi nhánh tìm kiếm, thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng, giải ngân, giám sát, thu nợ). Phòng Quản lý rủi ro tại chi nhánh chỉ có vai trò thẩm định rủi ro độc lập trong một số trường hợp, chủ yếu ý kiến chỉ để cảnh báo và có tính chất tham khảo. Trường hợp vượt mức ủy quyền phán quyết hoặc khách hàng không đủ điều kiện chi nhánh sẽ trình Hội sở tái thẩm định. Phòng Quản lý rủi ro tại hội sở có vai trò như ở chi nhánh.
Bước sang năm 2012, Vietinbank có sự chuyển đổi mô hình quản lý rủi ro tín dụng. Theo đó, phòng khách hàng tại chi nhánh và trụ sở chính chỉ có chức năng kinh doanh, thực hiện tìm kiếm và chăm sóc khách hàng, lập báo cáo đề xuất tín dụng mà không còn chức năng thẩm định như trước. Trên cơ sở thu thập thông tin do phòng khách hàng cung cấp và các thông tin cần thiết khác, phòng Quản lý rủi ro tại chi nhánh đóng vai trò chủ yếu trong việc thẩm định để trình Ban lãnh dạo Chi nhánh/Hội đồng tín dụng cơ sở/ trình Hội sở chính quyết định. Đối với trường hợp vượt mức ủy quyền phán quyết hoặc khách hàng không đủ điều kiện, chi nhánh trình Trụ sở chính, phòng đầu mối thực hiện tái thẩm định là phòng Quản lý rủi ro tín dung, đầu tư, phòng Khách hàng tại trụ sở chính có vai trò thu thập các thông tin cần thiết về khách hàng làm cơ sở lập báo cáo đề xuất tín dụng gửi phòng Quản lý rủi ro tín dụng, đầu tư. Đây là bước đệm để tiến tới tách biệt hẳn chức năng quản lý rủi ro và tác nghiệp trong giai đoạn tiếp theo.
Từ tháng 1/2013, Ngân hàng Vietinbank một lần nữa có sự chuyển đổi trong mô hình, tại đó có sự tách biệt hoàn toàn 3 chức năng: Kinh doanh, Tác nghiệp và Quản lý rủi ro. Phòng Khách hàng/ Phòng Giao dịch tại chi nhánh chỉ có chức năng kinh doanh: tìm kiếm và chăm sóc khách hàng, lập báo cáo đề xuất, thu nợ. Việc kiểm soát thẩm định để cấp Giới hạn tín dụng tập trung lên phòng Đánh giá xếp hạng và phê duyệt Giới hạn tín dụng Trụ sở chính., không còn phòng Quản lý rủi ro và Hội đồng tín dụng cơ sở. Việc kiểm soát thẩm định khoản tín dụng, giải ngân tập trung về Phòng kiểm soát và Phê duyệt tín dụng.
Từ tháng 4/2013 đến nay, toàn bộ việc kiểm soát thẩm định tập trung về phòng Đánh giá xếp hạng và phê duyệt giới hạn tín dụng. Phòng kiểm soát và phê duyệt tín dụng đổi tên thành Phòng kiểm soát giải ngân, không còn chức năng kiểm soát thẩm định mà chỉ kiểm soát chứng từ và các điều kiện trước giải ngân (Lê Huỳnh Như, 2014).
2.2.3. Bài học kinh nghiệm quản lý rủi ro tín dụng cho ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thường Tín.
Qua kinh nghiệm của một số Ngân hàng trong nước và trên thế giới trong quản trị tín dụng có thể rút ra một số bài học cho NHNo&PTNT Thường Tín như sau:
Một là, tạo hành lang pháp lý cho sự ra đời của các Ngân hàng Bảo lãnh, các tổ chức mua bán nợ, kinh doanh rủi ro. Những tổ chức này sẽ góp phần tăng
cường các biện pháp, giải pháp trong hoạt động tài trợ rủi ro đồng thời góp phần phát triển đầy đủ các thị trường (Chu Thị Nhung, 2009)
Hai là, xây dựng và hoàn thiện bộ máy quản trị rủi ro tín dụng. Đảm bảo tính độc lập trong xử lý các khoản cho vay giữa Cán bộ tín dụng (cán bộ khách hàng), cán bộ quản lý nợ với cán bộ quản lý rủi ro tín dụng, cán bộ thẩm định. Tùy theo quy mô của chi nhánh, cấp chi nhánh cũng cần phải có đội ngũ cán bộ quản lý rủi ro tín dụng chuyên trách (Chu Thị Nhung, 2009)
Ba là, thực hiện đổi mới dần đi đến cải tổ toàn diện. Đổi mới luôn là một yêu cầu để theo kịp với thực tiễn; thông qua đổi mới dần từng bước tiến tới cải tổ toàn diện đối với các yếu tố có ảnh hưởng tác động đến năng lực quản trị rủi ro bao gồm hoạch định và xây dựng chiến lược, mục tiêu và chính sách quản trị rủi ro. (Đỗ Tất Ngọc, 2005).
Bốn là, xây dựng thị trường mục tiêu, mức rủi ro chấp nhận của ngân hàng Thị trường mục tiêu được xây dựng trên cơ sở phân tích các bước sau: (1) nhận dạng thị trường tiềm năng (phân theo vùng, ngành, sản phẩm...) dựa vào tổng quan của các thành viên tham gia thị trường; (2) liệt kê được các cơ hội trong thị trường đó; (3) theo dõi được môi trường kinh doanh, đánh giá được vị trí của ngân hàng trên mỗi thị trường và theo đó điều chỉnh được thị trường mục tiêu; (4) miêu tả được các yếu tố chất và lượng của khách hàng mục tiêu trên mỗi thị trường (Nguyễn Minh Kiều, 2008)
Kinh nghiệm của ngân hàng thế giới cho thấy việc xây dựng mức rủi ro chấp nhận dựa trên các yếu tố sau: (1) mức doanh thu; (2) chất lượng quản lý; (3) tăng trưởng tiềm năng; (4) quan hệ với chính phủ; (5) vị trí trong ngành công nghiệp; (6) các chỉ số tài chính (7) các điều khoản tín dụng phù hợp; (8) thu nhập tiềm năng cho ngân hàng từ khoản vay đó.
Năm là, thường xuyên đào tạo và bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ Để nâng cao năng lực đánh giá, phân tích RRTD cho cán bộ thẩm định RRTD, cán bộ rủi ro chuyên trách nhằm từng bước xây dựng đội ngũ chuyên gia về quản trị RRTD vì theo kinh nghiệm của Citibank và các ngân hàng khác thì không có phương pháp phân tích phức tạp, hiện đại nào có thể thay thế được kinh nghiệm và đánh giá của chuyên môn về quản trị rủi ro (Nguyễn Trường Giang, 2011)
Sáu là, chú trọng hơn nữa đến việc đầu tư và nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin Công nghệ thông tin ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt
động ngân hàng. Tuy nhiên, tốc độ tiến bộ của công nghệ thông tin là rất nhanh, do đó cần chú trọng hơn nữa đến việc đầu tư và nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin nhằm phục vụ tích cực hơn nữa cho việc phân tích, đánh giá, đo lường RRTD, thực hiện chấm điểm tín dụng theo tiêu chuẩn quốc tế, giám sát độc lập khoản vay, chú trọng thực hiện phân nhóm khách hàng (Nguyễn Trường Giang, 2011)