2.2.1.1. Quản lý đất đai của thành phố Điện Biên
Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ Bắc và 102o10’ – 103o36’ kinh độ Đông. Nằm cách Thủ đô Hà Nội 504 km về phía Tây, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh
Sơn La, phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Tây và Tây Nam giáp CHDCND Lào. Là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia: Trung Quốc (dài 38,5km) và Lào (dài 360 km). Trên tuyến biên giới Việt – Lào, ngoài 2 cửa khẩu đã được mở là Huổi Puốc và Tây Trang, còn 3 cặp cửa khẩu phụ khác sắp tới sẽ được mở. Trên tuyến biên giới Việt - Trung sẽ mở cặp cửa khẩu A Pa Chải - Long Phú thành cửa khẩu Quốc gia. Đặc biệt, cửa khẩu Tây Trang từ lâu đã là cửa khẩu quan trọng của vùng Tây Bắc và cả nước, được Chính phủ hai nước thỏa thuận nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế và Khu kinh tế cửa khẩu đang được xây dựng. Đây là điều kiện và cơ hội rất lớn để Điện Biên đẩy mạnh thương mại quốc tế, tiến tới xây dựng khu vực này thành địa bàn trung chuyển chính trên tuyến đường xuyên Á phía Bắc, nối liền vùng Tây Bắc Việt Nam với khu vực Bắc Lào - Tây Nam Trung
Quốc và Đông Bắc Mianma.
Nhìn chung, công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã cơ bản đúng theo các quy định của pháp luật và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và quốc phòng an ninh địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, công tác quản lý, sử dụng đất đai vẫn còn tồn tại một số hạn chế: Tình hình vi phạm hành chính về đất đai có xu hướng tăng, và diễn biến phức tạp; tình trạng xâm canh, di cư tự do vẫn còn xảy ra; việc khắc phục hậu quả các vi phạm hành chính đã xảy ra từ trước vẫn còn chậm... (Vũ Văn Minh, 2015).
2.2.1.2. Công tác quản lý đất đai của thành phố Yên Bái
Yên Bái là tỉnh miền núi nằm sâu trong nội địa, là 1 trong 13 tỉnh vùng núi phía Bắc, nằm giữa 2 vùng Đông Bắc và Tây Bắc. Phía Bắc giáp tỉnh Lào Cai,
phía Nam giáp tỉnh Phú Thọ, phía Đông giáp 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và phía Tây giáp tỉnh Sơn La. Yên Bái có 9 đơn vị hành chính (1 thành phố, 1 thị xã và 7 huyện) với tổng số 180 xã, phường, thị trấn (159 xã và 21 phường, thị trấn); trong đó có 70 xã vùng cao và 62 xã đặc biệt khó khăn được đầu tư theo các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, có 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải (đồng bào Mông chiếm trên 80%) nằm trong 61 huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của cả nước.. Yên Bái là đầu mối và trung độ của các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ từ Hải Phòng, Hà Nội lên cửa khẩu Lào Cai, là một lợi thế trong việc giao lưu với các tỉnh bạn, với các thị trường lớn trong và ngoài nước.
Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về đất đai ởYên Bái đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh. Bên
cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác quản lý nhà nước về đất đai vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như công tác lập quy hoạch sử dụng đất còn chậm, chất lượng quy hoạch chưa cao, sự phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác lập và quản lý quy hoạch còn hạn chế. Một số nơi vẫn còn để xảy ra tình trạng các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất không đúng đối tượng, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ở vùng cao còn chậm; thị trường bất động sản chưa phát triển, thu ngân sách từ tiền sử dụng đất vẫn là một trong những nguồn thu chủ yếu, gây áp lực ngày càng lớn đến công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhất là công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và công tác thu hồi đất v.v...Những tồn tại, hạn chế trên đây làm cho công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc
phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế. Nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế đó là do ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chưa tốt, đặc biệt là sự bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật về đất đai và những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về đất đai của các cơ quan chuyên môn và chính quyền ở cơ sở.... (Vũ Văn Minh, 2015).