Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý đất nông nghiệp
Đất nông nghiệp là một phần quỹ đất của phạm vi lãnh thổ quốc gia. Vì vậy, quản lý nhà nước về đất nông nghiệp chịu sự ảnh hưởng của các nhân tố tác động đến việc sử dụng đất và quản lý đất đai nói chung và một số nhân tố riêng. Việc sử dụng đất nông nghiệp và quản lý nhà nước về đất nông nghiệp bị chi phối bởi điều kiện tự nhiên và quy luật sinh thái tự nhiên, quy luật kinh tế- xã hội, yếu tố khoa học công nghệ và tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đất đai (Nguyễn Huy Tuấn, 2014).
2.1.4.1. Nhóm yếu tố về cơ chế chính sách
Nhóm yếu tố này bao gồm: Luật đất đai, Chính sách đất đai, chính sách hỗ trợ (kỹ thuật, vốn), chính sách xã hội khác.
Phát triển nông nghiệp bền vững luôn được coi là mục tiêu cơ bản của Đảng và Nhà nước ta hiện nay, trong đó vấn đề quản lý sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả là mục tiêu cơ bản để hướng tới phát triển một nông nghiệp bền vững. Một nền nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo cuộc sống ổn định cho nhân dân. Nhận thức được điều đó, nhà nước đã triển khai hàng loạt các chính sách từ trung ương đến địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đất nông nghiệp như: Chính sách đất đai, chính sách khuyến nông, chính sách hỗ trợ cho nông dân, đề án dạy nghề cho lao động nông thôn (Nguyễn Huy Tuấn, 2014).
Có thể chỉ ra rằng, sự chỉ đạo, định hướng của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với chiến lược phát triển của các địa phương trong đó có chỉ đạo, định hướng cụ thể về lĩnh vực quản lý và sử dụng đất nông nghiệp là yếu tố quyết định đến toàn bộ chiến lược cũng như các kế hoạch trong quản lý và sử dụng nông nghiệp. Việc chỉ đạo nhất quán, kịp thời của các cơ quan cấp trên sẽ là kim chỉ nam, đồng thời khuyến khích, hỗ trợ địa phương trong việc quy hoạch lại một cách chi tiết, khoa học các hoạt động quản lý cũng như sử dụng đất đai. Ngược lại, nếu các chủ trương không nhất quán, đồng bộ và
kịp thời sẽ gây khó khăn không nhỏ cho công tác quản lý quỹ đất được giao của huyện. Thực tế trong những năm qua, một số chính sách liên quan đến quản lý và sử dụng đất còn chưa hợp lý đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quản lý sử dụng đất tại địa phương (Bùi Tuấn Anh và cs., 2013).
Tóm lại, cơ chế chính sách của nhà nước và chính quyền tại địa phương có tác động mạnh mẽ đến công tác quản lý nhà nước về đất nông nghiệp. Vì vậy, với mục tiêu quản lý sử dụng đất hiệu quả thì nhà nước cần có một cơ chế, chính sách nhất quán, hợp lý hơn nữa.
2.1.4.2. Công tác tổ chức thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước
Quá trình tổ chức thực hiện bao gồm: nhận định, đưa ra chính sách để các địa phương thực hiện quy hoạch. Việc tổ chức thực hiện phải đảm bảo nguyên tắc: Phối hợp hành động giữa các thành viên khác nhau trong từng bộ phận nói riêng và toàn thể bộ máy nói chung; động viên, khích lệ và khen thưởng kịp thời những nhân tố mới, uốn nắn kịp thời những biểu hiện lệch lạc, tiêu cực cản trở công việc chung; tạo dựng bầu không khí tâm lý lành mạnh, cởi mở, phấn khởi, tin tưởng lẫn nhau trong tập thể; phát hiện và đề xuất kịp thời những biện pháp khắc phục những tình huống phức tạp xuất hiện trong quá trình triển khai thực hiện; chỉnh sửa kịp thời những bất hợp lý trong huy động và sử dụng các nguồn lực phục vụ quá trình tổ chức thực hiện; xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá phù hợp với yêu cầu khách quan của quá trình triển khai quản lý nhà nước về đất nông nghiệp (Lê Anh Hùng, 2011).
Việc tổ chức dựa trên quan điểm quản lý nhà nước về đất nông nghiệp là phải quan tâm đến lợi ích của người nông dân, dựa trên cơ sở kinh tế nông hộ nông trại là con đường cơ bản và lâu dài nhằm khuyến khích các nông hộ khai thác và sử dụng tối đa tiềm năng đất nông nghiệp, lao động và vốn của chính họ. Quản lý và sử dụng đất nông nghiệp phải đạt được hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, sử dụng tối đa diện tích đất hiện có (Bùi Tuấn Anh và cs., 2013).
Quản lý nhà nước gắn liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng tập trung đầu tư vào thâm canh, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất đảm bảo an toàn và an ninh lương thực. Do đó, các chính sách đưa ra yêu cầu có tính chính xác cao, hợp lý để không phải sửa đổi tránh lãng phí. Công tác tổ chức thực hiện cần có sự tương tác thường xuyên giữa các cấp để có những điều chỉnh hợp lý trong chính sách (Lê Anh Hùng, 2011).
2.1.4.3. Năng lực, trình độ của cán bộ quản lý nhà nước
Chính quyền tại cấp huyện, xã có vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống chính trị - hành chính. Là cầu nối trực tiếp của hệ thống chính quyền nhà nước với nhân dân, thực hiện hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương theo thẩm quyền được phân cấp, đảm bảo cho các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, được triển khai thực hiện trong cuộc sống (Nguyễn Huy Tuấn, 2014).
Trong khi thi hành công vụ, cán bộ, công chức có nghĩa vụ thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; có ý thức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước; chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thi hành công vụ; giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản nhà nước được giao; chấp hành quyết định của cấp trên. Đối với cán bộ, công chức là người đứng đầu thì còn phải thực hiện các nghĩa vụ như: chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, quan liêu, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về để xảy ra quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về dân chủ cơ sở, văn hoá công sở trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý kịp thời, nghiêm minh cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý có hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật, có thái độ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho công dân... (Quốc hội, 2008).
Với việc ban hành Luật cán bộ, công chức, chế định công chức và đạo đức công vụ đã có bước phát triển và hoàn thiện mới, góp phần xác lập các chuẩn mực đạo đức - pháp lý cho cán bộ, công chức Việt Nam trong tiến trình xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh. Đảng và Nhà nước ta đã xác định công tác cán bộ là khâu quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định tới chất lượng và hiệu quả công việc, là khâu then chốt trong sự nghiệp cách mạng, là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào những thành công trong sự nghiệp đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước (Lê Đình Thắng, 2000).
Để giải quyết vấn đề quản lý nhà nước về đất nông nghiệp thì các cấp chính quyền địa phương đóng vai trò chủ lực và rất quan trọng. Người cán bộ có trình độ và năng lực sẽ có những quyết định đúng đắn, ra các phương án có tầm chiến lược và phù hợp với địa phương tránh gây thất thoát, lãng phí nguồn lực vô cùng quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đó chính là nguồn đất nông nghiệp (Lê Đình Thắng, 2000).
2.1.4.4. Nhóm yếu tố tự nhiên và kỹ thuật
Nhóm yếu tố này bao gồm: Điều kiện tự nhiên, tính chất đất, loại và giống cây trồng, cơ cấu mùa vụ, quy mô diện tích canh tác.
Tính chất đất bao gồm: thành phần cơ giới của đất; độ chua, độ kiềm của đất; khả năng giữ nước và chất dinh dưỡng của đất, độ phì nhiêu của đất. Những yếu tố này chi phối trực tiếp đến quá trình canh tác như khả năng làm đất cày, bừa, xới xáo, làm đất... ngoài ra các tính chất trên còn đặc biệt có liên quan và ảnh hưởng đến một số đặc tính lý học khác của đất như chế độ nước, chế độ không khí và khả năng sinh trưởng cũng như phát triển của cây trồng, do đó trong nghiên cứu đất cần xác định và tìm hiểu rõ về chúng để đạt được hiệu quả trong sử dụng đất nông nghiệp một cách hiệu quả nhất (Bùi Tuấn Anh và cs., 2013).
Với tính chất đất này thì sử dụng loại và giống cây trồng gì, cơ cấu mùa vụ như thế nào, quy mô diện tích canh tác như thế nào là câu hỏi đặt ra cần có sự quan tâm của các cấp các ngành từ trung ương đến địa phương. Cần có những nghiên cứu mang tính quy mô để tổng hòa tất cả các yếu tố trong nhóm yếu tố tự nhiên và kỹ thuật để có được một hệ thống, chế độ, loại hình sử dụng đất một cách hợp lý (Bùi Tuấn Anh và cs., 2013).
2.1.4.5. Nhóm yếu tố kinh tế - xã hội
Điều kiện kinh tế - xã hội bao gồm các yếu tố như chế độ xã hội, dân số và lao động, thông tin và quản lý, trình độ hiểu biết của người dân, các điều kiện về công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, giao thông vận tải, sự phát triển của khoa học kỹ thuật, trình độ quản lý, sử dụng lao động, điều kiện và trang thiết bị vật chất cho công tác phát triển nguồn nhân lực, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất...
Điều kiện kinh tế - xã hội thường có ý nghĩa quyết định, chủ đạo đối với việc sử dụng đất đai. Phương hướng sử dụng đất được quyết định bởi yêu cầu của
xã hội và mục tiêu kinh tế trong từng thời kỳ nhất định. Điều kiện tự nhiên của đất đai cho phép xác định khả năng thích ứng về phương thức sử dụng đất. Còn sử dụng đất như thế nào được quyết định bởi sự năng động của con người và các điều kiện kinh tế - xã hội, kỹ thuật hiện có; quyết định bởi tính hợp lý, tính khả thi về kinh tế kỹ thuật và mức độ đáp ứng của chúng; quyết định bởi nhu cầu của thị trường (Nguyễn Lệ Hằng, 2012).
Có thể nhận thấy, điều kiện tự nhiên của đất đai chỉ là một tồn tại khách quan, khai thác và sử dụng đất đai quyết định vẫn là do con người. Dù điều kiện tự nhiên có nhiều lợi thế, nhưng các điều kiện xã hội, kinh tế, kỹ thuật không tương ứng, thế ưu thế tài nguyên khó có thể trở thành sức sản xuất hiện thực, cũng như chuyển hoá thành ưu thế kinh tế. Ngược lại, khi điều kiện kinh tế kỹ thuật được ứng dụng vào khai thác và sử dụng đất, sẽ phát huy mạnh mà tiềm lực sản xuất của đất, góp phần cải tạo môi trường tự nhiên, biến điều kiện tự nhiên từ bất lợi thành có lợi cho phát triển kinh tế - xã hội (Lê Đình Thắng, 2000).
Trình độ phát triển xã hội và kinh tế khác nhau dẫn đến trình độ sử dụng đất khác nhau. Nền kinh tế và các ngành càng phát triển, yêu cầu về đất đai càng lớn, lực lượng vật chất dành cho việc sử dụng đất càng được tăng cường, năng lực sử dụng đất của con người sẽ được nâng cao Ảnh hưởng của điều kiện kinh tế đến việc sử dụng đất được đánh giá bằng hiệu quả sử dụng đất. Thực trạng sử dụng đất liên quan đến lợi ích kinh tế của người sở hữu, sử dụng và kinh doanh đất đai. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đất được dùng cho xây dựng cơ sở hạ tầng đều dựa trên nguyên tắc hạch toán kinh tế, thông qua việc tính toán hiệu quả kinh doanh sản xuất. Tuy nhiên, nếu có chính sách ưu đãi sẽ tạo điều kiện cải thiện và hạn chế việc sử dụng theo kiểu bóc lột đất đai. Mặt khác, sự quan tâm quá mức đến lợi nhuận tối đa cũng dẫn đến tình trạng đất đai bị sử dụng không hợp lý, thậm chí huỷ hoại đất đai (Lê Đình Thắng, 2000).
Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, các yếu tố điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế xã hội tạo ra nhiều tổ hợp ảnh hưởng đến việc sử dụng đất đai. Tuy nhiên mỗi yếu tố giữ vị trí và có tác động khác nhau. Trong đó, điều kiện tự nhiên là yếu tố cơ bản để xác định công dụng của đất đai, có ảnh hưởng trực tiếp, cụ thể và sâu sắc, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp; Điều kiện kinh tế sẽ kiềm chế tác dụng của con người trong việc sử dụng đất; Điều kiện xã hội tạo ra những khả năng khác nhau cho các yếu tố kinh tế và tự nhiên tác động tới việc sử dụng đất.
Vì vậy, cần phải dựa vào quy luật tự nhiên và quy luật kinh tế - xã hội để nghiên cứu, xử lý mối quan hệ giữa các nhân tố tự nhiên, kinh tế - xã hội trong lĩnh vực sử dụng đất đai. Căn cứ vào yêu cầu của thị trường và của xã hội, xác định mục đích sử dụng đất, kết hợp chặt chẽ yêu cầu sử dụng với ưu thế tài nguyên của đất đai để đạt tới cơ cấu tổng thể hợp lý nhất, với diện tích đất đai có hạn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội ngày càng cao và sử dụng đất đai được bền vững (Bùi Tuấn Anh và cs., 2013).