Đặc điểm dinh dưỡng lân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xác định lượng phân bón NPK sông gianh thích hợp cho các lượng giống gieo sạ khác nhau đối với giống lúa bắc thơm 7 tại nam trực nam định (Trang 27 - 29)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.3. Đặc điểm dinh dưỡng cây lúa

2.3.2. Đặc điểm dinh dưỡng lân

2.3.2.1. Vai trò của dinh dưỡng lân

Theo Vũ Hữu Yêm (1995) , lân tham gia trong các quá trình đồng hoá và vận chuyển vật chất trong cây. Lân có tác dụng rất lớn trong việc tạo thành tính thấm của tế bào và hình thành áp suất thẩm thấu. Phospho có tác dụng thúc đẩy mô phân sinh phân chia nhanh nên có tác dụng xúc tiến sự phát triển của bộ rễ và tăng số nhánh đẻ, tạo điều kiện cho cây phát dục thuận lợi. Đồng thời làm cho lúa trỗ bông và chín sớm hơn vì dưới tác dụng của phospho sự vận chuyển của các chất về cơ quan sinh thực được thuận lợi.

Yoshida (1981) đã khẳng định: thiếu lân làm cây thấp, khả năng đẻ nhánh kém, bản lá hẹp, ngắn, thẳng, có màu xanh đậm tới ám khói, lá dài ra và mềm yếu, rìa mép lá có màu vàng tía, thời kỳ trỗ bông và chín đều chậm lại và kéo dài. Do trỗ bông muộn nên hạt lép nhiều, độ dinh dưỡng hạt gạo thấp. Thiếu lân ở thời kỳ làm đòng thì giảm năng suất một cách rõ rệt. Nghiên cứu của Đào Thế Tuấn (1980) cho thấy, nếu thiếu phospho trong quá trình sinh trưởng thì sẽ giảm năng suất hạt nhiều hơn là thiếu nitơ và kali; đặc biệt là số hạt ít, khối lượng hạt thấp và tỷ lệ hạt trên rơm rạ cũng thấp.

Trong vụ xuân bón lân cho lúa từ 30 - 120 kg P205/ha đều làm tăng năng suất lúa từ 10 - 17%. Liều lượng bón 90 kg P205 đạt năng suất cao nhất, bón trên liều lượng đó năng suất có xu hướng giảm. Trong một ruộng thâm canh thường được khuyến cáo bón phối hợp từ 20 - 30 kg P205 là đủ.

2.3.2.2 Dạng lân cây lúa hấp thu

Theo Vũ Hữu Yêm (1995), cây lúa hút lân chủ yếu ở dạng ion photphat, phổ biến nhất trong dung dịch đất là H2P04 – (98 - 33%), thứ đến là HPO42-, ion PO43- không có tác dụng thực tế đối với việc dinh dưỡng của cây trồng vì nó chỉ có mặt trong dung dịch đất một cách đáng kể từ pH = 10 trở lên, nơi mà đa số cây trồng không tồn tại được. Những dạng lân phổ biến nhất mà cây trồng đồng hoá được là những muối của axit octhophotphoric (H3PO4) và ít hơn nữa là muối của axit pirophotphoric (H4P2O7). Ngoài ra, cây lúa còn có thể hút được một số hợp chất lân hữu cơ nhưng ở mức độ ít hơn nhiều và chậm hơn.

2.3.2.3. Nhu cầu hút lân qua các thời kỳ sinh trưởng của cây lúa.

Theo Đào Thế Tuấn (1980); Nguyễn Hữu Tề và cs (2001) lúa hút lân mạnh nhất vào thời kỳ đẻ nhánh và làm đòng. Trong điều kiện chất dinh dưỡng được cung cấp liên tục thì cây lúa hút đạm, lân và kali mạnh nhất vào lúc làm đòng. Nếu nhìn về cường độ hút dinh dưỡng thì cây lúa hút mạnh nhất vào thời kỳ đẻ nhánh, bởi vì lúc này sự sinh trưởng của thân, lá, rễ tương đối mạnh. Nhiều tác giả đã nghiên cứu về động thái các hợp chất có lân qua các thời kỳ sinh trưởng của cây lúa đều nhận thấy: Hàm lượng lân có trong cây lúa cao nhất lúc đẻ nhánh rồi giảm dần xuống. Và ở thời kỳ chín, hàm lượng lân vô cơ giảm rất nhanh đồng thời hoạt động của men photphorilaza tăng đến 16 ngày sau thụ tinh của hạt và sau đó giảm xuống. Điều này chứng tỏ trong quá trình chín lân vô cơ đã chuyển thành glucozo-1-photphat để tổng hợp tinh bột.

Hàm lượng lân trong hạt nhiều hơn ở các bộ phận khác trong cây lúa. Trong cây lúa ngoài lân khoáng còn có lân phytin, photphatit, lân nucleic, lân hữu cơ hoà tan trong axit. Bùi Đình Dinh (1995) chỉ ra rằng: Hiệu suất sử dụng lân đối với hạt ở các giai đoạn đầu cao hơn cao hơn các giai đoạn cuối do lân cần thiết cho đẻ nhánh và nhu cầu của lân tổng số ít hơn đạm. Vì thế, trong sản xuất cần bón lân rất sớm, có thể bón lót để cây lúa hút đủ lân tạo điều kiện thuận lợi cho các bước phát triển tiếp theo.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xác định lượng phân bón NPK sông gianh thích hợp cho các lượng giống gieo sạ khác nhau đối với giống lúa bắc thơm 7 tại nam trực nam định (Trang 27 - 29)