Nội dung quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở tỉnh hải dương (Trang 27 - 32)

Phần 1 Mở đầu

2.1. Cơ sở lý luận

2.1.3. Nội dung quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp

tiếp nước ngoài

Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn FDI là việc nhà nước sử dụng hệ thống luật pháp, bộ máy hành chính để quản lý hoạt động của doanh nghiệp. Xây dựng, ban hành chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định để đảm bảo cho sự hình thành, hoạt động doanh nghiệp phát triển. Do vậy, QLNN đối với doanh nghiệp có vốn FDI có những nội dung cơ bản sau:

2.1.3.1. Xây dựng kế hoạch, chiến lược và quy hoạch

Ở Việt Nam, các thành phần kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, có sự QLNN theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Doanh nghiệp có vốn FDI có quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo ngành nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam chỉ muốn đầu tư ở khu vực, lĩnh vực có thể khai thác được nhiều lợi thế so sánh nhất, bỏ vốn đầu tư vào ngành có tỷ suất lợi nhuận cao, khả năng thu hồi vốn nhanh, ở nơi có cơ sở hạ tầng đồng bộ, thuận lợi. Khi đó, nước sở tại tiếp nhận đầu tư sẽ xảy ra tình trạng mất cân đối trong cơ cấu đầu tư, ảnh hưởng, thiệt hại chung cho toàn bộ nền kinh tế. Nhiệm vụ của QLNN đối với doanh nghiệp có vốn FDI là phải định hướng, điều tiết vốn FDI trên cơ sở có quy hoạch một cách minh bạch, rõ ràng, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia, từng địa phương.

Khi xây dựng và ban hành kế hoạch, chiến lược và quy hoạch phải đáp ứng các yếu tố về chính trị, kinh tế-xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng do Nhà nước Việt Nam đề ra. Chiến lược phải đề ra được mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, thời kỳ bao gồm: mục tiêu về tăng số lượng vốn đăng ký, vốn thực hiện; mục tiêu về chất lượng, hiệu quả trong thu hút vốn FDI, mục tiêu về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp có vốn FDI... Kế hoạch, chiến lược và quy hoạch

phải có tính động, có sự liên kết giữa các vùng, địa phương với nhau, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội. Quy hoạch không thể chạy theo dự án mà phải theo quy luật cung-cầu thị trường. Nhà nước cần quan tâm, chú trọng đến công tác dự báo, tăng tính mở và linh hoạt trong các phương án nhằm thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường và xu hướng vận động của FDI trong dài hạn. Danh mục các dự án đầu tư, ngành nghề và vùng được phép đầu tư hoặc không được phép đầu tư hoặc dự án đầu tư mà ngành, lĩnh vực, địa phương đang cần thu hút vốn FDI, doanh nghiệp có vốn FDI. Chiến lược thu hút FDI phải thể hiện quyết tâm chính trị cao, mục tiêu tương xứng với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phải phát huy lợi thế so sánh của đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, đảm bảo lợi ích theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Chiến lược thu hút FDI phải thỏa mãn nhu cầu, lợi ích của nhà đầu tư, không buộc doanh nghiệp có vốn FDI hoàn toàn theo ý muốn của quốc gia mình, mà phải quan tâm đến lợi ích của họ khi ban hành chính sách, khéo léo hài hòa lợi ích các bên. Như vậy, mới có thể thu hút được nhà đầu tư lớn từ các tập đoàn, công ty hàng đầu trên thế đầu tư vào Việt Nam.

2.1.3.2. Ban hành quy định, chính sách và pháp luật

Nhà nước Việt Nam ban hành các chính sách, pháp luật về đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động hiệu quả trong khuôn khổ của pháp luật. Bởi nhà nước chủ yếu quản lý doanh nghiệp có vốn FDI thông qua hình thức gián tiếp hơn là tác động trực tiếp mang tính hành chính. Việc xây dựng, hoàn thiện về chính sách và pháp luật đối với doanh nghiệp có vốn FDI được coi là công cụ hữu hiệu nhất của Nhà nước để khai thác, phát huy mặt tích cực và hạn chế tác động tiêu cực trong việc quản lý loại hình doanh nghiệp này. Hệ thống chính sách và pháp luật đối với hoạt động FDI được ban hành phải phù hợp với nguyên tắc thông lệ chủ yếu của thế giới, nhất là các quốc gia phát triển, tạo thuận lợi và cơ hội bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong khuôn khổ pháp luật.

Chính sách và pháp luật có sự gắn kết chặt chẽ với nhau, có vai trò đặc biệt quan trọng trong QLNN đối với doanh nghiệp có vốn FDI. Bởi, chính sách mang tính định hướng, là nền tảng để xây dựng pháp luật, còn pháp luật là phương tiện để cụ thể hóa và thực thi chính sách. Nếu giải quyết đúng đắn mối quan hệ này sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN đối với doanh

nghiệp có vốn FDI. Việc xây dựng, hoàn thiện chính sách và pháp luật đối với doanh nghiệp có vốn FDI được xem là công cụ hữu hiệu của nhà nước trong việc quản lý loại hình doanh nghiệp này. Việt Nam đã có nhiều giải pháp tạo chuyển biến trong công tác thu hút vốn FDI, quản lý hoạt động doanh nghiệp có vốn FDI, nhất là việc ban hành Luật, nghị định, văn bản pháp lý hoặc sửa đổi, bổ sung các điểm chưa phù hợp, để Việt Nam có môi trường đầu tư thực sự hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt năm 2005, Việt Nam ban hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư chung liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp có vốn FDI và được sửa đổi, bổ sung năm 2014. Các luật trên đã có tính thống nhất, đảm bảo môi trường bình đẳng hơn giữa các loại hình doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

2.1.3.3. Cấp và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư

Để các doanh nghiệp có vốn FDI triển khai dự án hiệu quả, góp phần cho sự phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam, một trong những khâu quan trọng trong hoạt động QLNN là việc thẩm định dự án FDI. Qua thẩm định, Nhà nước đánh giá mức độ phù hợp của dự án so với quy hoạch phát triển chung của ngành, địa phương; Các mặt lợi ích, hạn chế của FDI; Thực hiện tốt hơn vai trò điều tiết vĩ mô đối với doanh nghiệp có vốn FDI trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Kết quả việc thẩm định dự án có vốn FDI là cơ sở để Nhà nước quyết định chấp thuận cho doanh nghiệp có vốn FDI hoạt động theo mục tiêu, ngành nghề kinh doanh đăng ký. Vì vậy, chất lượng công tác thẩm định dự án FDI sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả QLNN đối với doanh nghiệp có vốn FDI. Nếu thẩm định dự án FDI không tốt thì trong tương lai sẽ có doanh nghiệp có vốn FDI hoạt động kém hiệu quả, nguy cơ doanh nghiệp giải thể trước thời hạn rất cao.

Việc xem xét, thẩm định cấp GCNĐT cho doanh nghiệp có vốn FDI là việc nghiên cứu, phản biện một cách tổ chức, khách quan, nhằm đánh giá dự án FDI về tính hợp lý, mức độ hiệu quả, tính khả thi của dự án trước khi quyết định cấp GCNĐT. Doanh nghiệp có vốn FDI được cấp GCNĐT phải đáp ứng được yêu cầu của nước tiếp nhận đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội, phù hợp với quy hoạch của ngành, lĩnh vực hoặc vùng, địa phương gắn với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia. Doanh nghiệp này ngoài lợi ích của mình song không thể tách rời lợi ích của xã hội, cộng đồng nơi thực hiện dự án đầu tư.

Vì vậy, công tác thẩm định cấp GCNĐT đối với doanh nghiệp có vốn FDI cần phải xuất phát từ lợi ích chung của toàn xã hội, chú trọng đến phương châm cả hai bên cùng có lợi. Nhà nước cần tôn trọng, đảm bảo lợi ích chính đáng của doanh nghiệp có vốn FDI trong mối quan hệ hài hòa với lợi ích chung của xã hội, phải đưa ra kết luận rõ ràng đối với mỗi nội dung hoặc toàn bộ dự án FDI sau khi đã thẩm định xong. Cơ quan cấp GCNĐT đánh giá, thẩm định dự án đầu tư ở các nội dung: Tư cách pháp lý; năng lực tài chính; mức độ phù hợp của mục tiêu dự án FDI so với quy hoạch chung; trình độ công nghệ phù hợp địa bàn đầu tư; hiệu quả kinh tế-xã hội của doanh nghiệp có vốn FDI khi đi vào hoạt động, đem lại cho địa bàn tiếp nhận đầu tư. Ở Việt Nam ngoài nội dung trên, các doanh nghiệp có vốn FDI trước khi được cấp phép còn phải xem xét mức độ hợp lý của việc sử dụng đất, phương án đền bù giải phóng mặt bằng và vấn đề định giá tài sản.

2.1.3.4. Công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện quy định của nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

a) Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất

Cơ quan QLNN ở Trung ương, địa phương luôn quan tâm hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, trong đó có doanh nghiệp có vốn FDI. Hằng năm sau khi rà soát, phân loại dự án, doanh nghiệp có vốn FDI, cơ quan QLNN xây dựng và phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Việc tiến hành và tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất đối với loại hình này thông qua hình thức, phương pháp khác nhau. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát giúp cho cơ quan QLNN tăng cường vai trò QLNN theo thẩm quyền được phân cấp theo quy định của pháp luật, đồng thời có thể hướng dẫn cho doanh nghiệp có vốn FDI hiểu, thực hiện đầy đủ, đúng quy định pháp luật Việt Nam trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát, cơ quan QLNN có thể phát hiện sai sót nảy sinh tại doanh nghiệp trong thực thi các quy định của pháp luật để kịp thời có biện pháp uốn nắn, ngăn ngừa hành vi sai phạm xảy ra tại doanh nghiệp. Về cơ bản, cơ quan QLNN thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp có vốn FDI không chỉ đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật mà nhằm giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

b) Nội dung thanh tra, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp có vốn FDI

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tập trung vào nội dung sau:

1) Việc thực hiện các nội dung quy định tại GCNĐT; Thực hiện các nội dung đăng ký kinh doanh theo quy định tại GCNĐT hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

2) Tình hình thuê đất và sử dụng đất theo cam kết tại GCNĐT; Việc tuân thủ quy định pháp luật về đất đai.

3) Tiến độ góp vốn điều lệ/vốn đầu tư; Tình hình góp vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định bắt buộc vốn pháp định; Tổng vốn đầu tư thực tế/tổng vốn đầu tư cam kết.

4) Tiến độ triển khai, tình hình thực hiện dự án; Việc thực hiện chuyển giao công nghệ, phương thức và kỹ năng quản lý theo cam kết của dự án.

5) Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước; Việc đáp ứng điều kiện và hưởng ưu đãi về đầu tư.

6) Việc thực hiện các quy định pháp luật về lao động.

7) Việc tuân thủ quy định pháp luật về quản lý ngoại hối; Việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

8) Tình hình tài chính của doanh nghiệp có vốn FDI: Trị giá tài sản góp vốn của mỗi bên tham gia theo cam kết; Sử dụng máy móc, thiết bị nhập khẩu để tạo tài sản cố định được miễn thuế có đúng mục đích theo quy định pháp luật. Giá trị doanh nghiệp, giá trị cổ phiếu tại thời điểm trước khi lên sàn chứng khoán có dấu hiệu nâng khống giá trị doanh nghiệp không; Các hợp đồng, giao dịch kinh tế với Tập đoàn, công ty mẹ ở nước ngoài hoặc các công ty có quan hệ liên kết; Tình hình thực hiện các khoản nợ, khoản vay ngân hàng. Việc trích lập, sử dụng quỹ dự phòng, kinh phí công đoàn, khấu hao tài sản cố định, hạch toán chênh lệch tỷ giá hối đoái; Tỷ lệ góp vốn tối đa, tối thiểu của các bên tham gia dự án chính, dự án phụ đối với dự án BT; Vốn hóa chi phí phát triển trong dự án BOT; Phân chia lợi nhuận phần góp vốn nhà nước trong liên doanh; Việc bảo toàn vốn góp liên doanh của doanh nghiệp có vốn nhà nước.

9) Các nội dung khác liên quan đến triển khai dự án có vốn FDI: Việc thực hiện quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng, quản lý chất lượng công trình; Công tác phòng cháy, chữa cháy; Việc chấp hành chế độ báo cáo, thống kê; Việc thực hiện quy định về xuất nhập cảnh và tạm trú, tạm vắng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở tỉnh hải dương (Trang 27 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)