3.1.1. Đặc điểm tự nhiên của tỉnh Hải Dương
a) Vị trí địa lý
Tỉnh Hải Dương có diện tích đất tự nhiên là 1.656 Km2, có tọa độ địa lý từ 20036’ đến 21015’ độ vĩ bắc, 106006’ đến 106037’ độ kinh đông. Hải Dương là tỉnh nằm ở trung tâm Vùng đồng bằng Sông Hồng, nằm giữa khu vực tam giác kinh tế phát triển Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh và là điểm trung chuyển giữa thành phố Cảng Hải Phòng và Thủ đô Hà Nội.
Tỉnh Hải Dương tiếp giáp 6 tỉnh, thành phố: Phía Đông giáp với thành phố Hải Phòng; Phía Tây giáp với tỉnh Hưng Yên; Phía Nam giáp với tỉnh Thái Bình; Phía Bắc giáp với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Quảng Ninh.
Tỉnh Hải Dương bao gồm thành phố Hải Dương, thị xã Chí Linh và 10 huyện: Kinh Môn, Nam Sách, Thanh Hà, Kim Thành, Cẩm Giàng, Bình Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Miện, Ninh Giang. Trong đó, thành phố Hải Dương là trung tâm kinh tế-chính trị-văn hóa của cả tỉnh.
Hình 3.1. Bản đồ hành chính tỉnh Hải Dương
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Hải Dương
b) Địa hình, thủy văn
Tỉnh Hải Dương có địa hình nghiêng và thấp dần từ Tây sang Đông Nam, được chia làm 2 vùng: vùng đồi núi và vùng đồng bằng. Vùng đồi núi nằm ở phía
Bắc tỉnh, chiếm khoảng 11% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh, gồm 13 xã, phường thuộc Thị xã Chí Linh và 18 xã thuộc huyện Kinh Môn. Đất vùng đồi núi của Hải Dương nhìn chung nghèo chất dinh dưỡng, ít chất hữu cơ, phù hợp với việc trồng cây ăn quả và cây công nghiệp, chăn nuôi và phát triển nghề rừng. Vùng đồng bằng còn lại chiếm 89% diện tích tự nhiên được bồi đắp phù sa của sông Thái Bình và sông Hồng. Nhóm đất này tương đối màu mỡ, thích hợp với nhiều loại cây trồng, sản xuất được nhiều vụ trong năm, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp.
Tỉnh Hải Dương có tiềm năng về các mỏ khoáng sản phi kim, bao gồm các loại than đá, than bùn, đất sét, cao lanh, bôxít, thuỷ ngân đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng, gốm sứ, gạch chịu lửa, hoá chất tiêu dùng, phân bón.
Tỉnh Hải Dương có hệ thống sông ngòi dày đặc, diện tích khoảng 10.994 ha, chiếm 6,6% diện tích tự nhiên của tỉnh. Có các sông lớn như: sông Thái Bình, sông Luộc, sông Kinh Thầy, sông Lai Vu... Ngoài ra, còn có hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải. Hệ thông sông ngòi của tỉnh thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, phát triển vận tải đường thủy, vận tải hàng hóa từ các tỉnh phía Bắc lưu thông đường biển với địa phương.
c) Khí hậu, thời tiết
Tỉnh Hải Dương nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ không khí trung bình hằng năm là 24,70C, thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng; Nhiệt độ không khí trung bình cao nhất ở mùa hè khoảng 29°C; Giờ nắng hằng năm là 1.325 giờ; Lượng mưa trung bình hằng năm khoảng 1.300 mm-1.650 mm, phân bố không đều, tập trung vào tháng 5, 7, 8, 9 dễ gây ngập úng, ảnh hưởng không tốt đến sản xuất và dân sinh; Độ ẩm không khí trung bình là 82%.
3.1.2. Điều kiện kinh tế-xã hội của tỉnh Hải Dương
a) Dân số & lao động
Tính đến hết 31/12/2015, dân số tỉnh Hải Dương có hơn 1.774.600 người; Mật độ dân số trung bình: 1.071,61 người/km2; Dân số ở thành thị: 456.100 người, chiếm 25,7%; Dân số ở nông thôn: 1.318.500 người, chiếm 74,3%; Nam: 868.400 người, chiếm 49%; Nữ: 906.200 người, chiếm 51%.
Hiện nay, dân số của tỉnh Hải Dương có trên 61% trong độ tuổi lao động, đây là nguồn nhân lực dồi dào cùng với đức tính cần cù, hiếu học, nghiêm túc
trong lao động, có trình độ văn hoá và khả năng tiếp cận với tiến bộ khoa học-kỹ thuật tốt. Hàng năm, nguồn lao động tại địa phương được bổ sung từ 2,5 đến 4 vạn người, vừa tốt nghiệp phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, các trường dạy nghề. Ðó là những điều kiện quan trọng để hình thành đội ngũ công nhân, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và lao động chất lượng tốt cung cấp cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp có vốn FDI nói riêng khi đầu tư, sản xuất kinh doanh tại địa phương.
b) Giao thông & cơ sở hạ tầng
Tỉnh Hải Dương có hệ thống cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển. Hệ thống giao thông gồm: đường bộ, đường thuỷ, đường sắt; Phân bố hợp lý, giao lưu rất thuận lợi tới các tỉnh.
- Đường bộ: Hải Dương có 649 km đường bộ do Trung ương và tỉnh quản lý. Với 4 tuyến đường quốc lộ qua tỉnh dài 99 km, đều là đường cấp I, cho 4 làn xe đi lại thuận tiện. Tuyến quốc lộ 5 cũ và quốc lộ 5 mới nối từ Hà Nội-Hải Phòng vừa được nhà nước đã xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác, đây là điều kiện rất thuận lợi cho Hải Dương trong việc vận chuyển hành khách và hàng hoá trong và ngoài tỉnh.
- Đường sắt: Tuyến Hà Nội-Hải Phòng chạy song song với quốc lộ 5, đáp ứng vận chuyển hàng hoá, hành khách qua 7 ga trong tỉnh. Tuyến Kép-Bãi Cháy chạy qua Thị xã Chí Linh, là tuyến đường vận chuyển hàng lâm nông thổ sản ở các tỉnh miền núi phía Bắc ra nước ngoài qua cảng Cái Lân, cũng như hàng nhập khẩu và than cho các tỉnh.
- Đường thuỷ: với 400 km đường sông cho tầu, thuyền 500 tấn qua lại dễ dàng. Cảng Cống Câu công suất 300.000 tấn /năm và hệ thống bến bãi đáp ứng về vận tải hàng hoá bằng đường thuỷ một cách thuận lợi.
Hệ thống giao thông trên bảo đảm cho việc giao thương kinh tế từ tỉnh Hải Dương đi cả nước và nước ngoài rất thuận lợi. Hệ thống dịch vụ ngân hàng, cảng nội địa, hải quan đầy đủ, thuận tiện, hiện đại, đội ngũ cán bộ nghiệp vụ cao có thể đáp ứng nhanh chóng các thủ tục thanh toán ngoại hối, thủ tục xuất nhập khẩu,… theo thông lệ quốc tế.
c) Đặc điểm kinh tế
Cơ cấu kinh tế của tỉnh Hải Dương trong các năm gần đây chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông
nghiệp. Kinh tế của tỉnh Hải Dương năm 2015 đạt được và so với cùng kỳ năm 2014 như sau: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) là 76.734 tỷ đồng, tăng 7,8`%; Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 12.218 tỷ đồng, tăng 2,3%; Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng là 40.305 tỷ đồng, tăng 9,5%; Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ là 24.211 tỷ đồng, tăng 8,2%; Tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu là 71.660 tỷ đồng, tăng 9,1%; Giá trị hàng hoá xuất khẩu là 90.000 tỷ đồng, tăng 9,1% trong đó chủ yếu tăng do các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (chiếm 96,5% tổng giá trị xuất khẩu); Tổng nguồn thu ngân sách nhà nước của địa phương là 15.277 tỷ đồng, tăng 9,6%; Tổng nguồn chi ngân sách của địa phương là 15.221 tỷ đồng, tăng 17,1%.
d) Du lịch
Tỉnh Hải Dương là miền đất giàu di tích lịch sử ,văn hoá và danh lam thắng cảnh, tuy bị chiến tranh, thiên tai tàn phá nặng nề, nhưng nhờ có truyền thống giữ gìn bản sắc dân tộc, bảo tồn di sản lịch sử văn hoá của dân tộc, cùng sự quan tâm của chính quyền địa phương. Đến nay, tỉnh Hải Dương còn giữ được hàng nghìn di tích, trong đó có 2 di tích được xếp vào hạng đặc biệt quan trọng, đó là khu di tích Côn Sơn và đền thờ Kiếp Bạc. Vùng đất này gắn bó với tên tuổi và sự nghiệp của nhiều danh nhân như: Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi, Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mệnh, nơi sinh ra và lớn lên của đại danh y Tuệ Tĩnh. Đây là tài sản vô giá, là cơ sở của sử học, là linh hồn và niềm tự hào của nhân dân địa phương.
3.1.3. Những thuận lợi, khó khăn của tỉnh Hải Dương
a) Những thuận lợi
Tỉnh Hải Dương có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa xã hội nên có cơ hội để thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư, sản xuất kinh doanh, đặc biệt là thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, tỉnh Hải Dương đã triển khai thực hiện quy hoạch 18 KCN tập trung định hướng đến năm 2020, quy hoạch phát triển 51 CCN ở các địa phương trong tỉnh. Các KCN, CCN của tỉnh được quy hoạch ở các khu vực với vị trí khá thuận lợi về giao thông, điện, thông tin liên lạc… tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án và giảm thiểu các chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trong những năm qua, Lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước để phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện mục tiêu đến năm 2020 tỉnh Hải Dương cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp. Để thực hiện
mục tiêu đó, Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan ở địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng trong công tác QLNN, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, đặc biệt là chỉ đạo các cơ quan như: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết nhanh thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực cấp GCNĐT tạo điều kiện thuận lợi nhất, giảm phiền hà và chi phí không cần thiết cho nhà đầu tư nói chung, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài triển khai dự án đầu tư và doanh nghiệp FDI trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
b) Những khó khăn
Hiện nay kinh tế-xã hội tỉnh Hải Dương nói chung còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như: Thực trạng nền kinh tế của tỉnh còn yếu kém; Tỷ trọng nông nghiệp vẫn còn cao; GDP đầu người còn tương đối thấp; Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh hàng năm vẫn còn đánh giá thấp so với các tỉnh lân cận. Công tác quy hoạch còn bộc lộ bất cập, quy hoạch chỉ theo định hướng mà chưa bám sát chiến lược phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Công tác QLNN, nhất là cải cách hành chính đã được cải thiện song chưa đáp ứng mong muốn, kỳ vọng của nhà đầu tư, doanh nghiệp FDI và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Sự phối hợp trong công tác QLNN giữa các sở, ngành của tỉnh chưa thường xuyên, còn chồng chéo, nhất là trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, làm cho doanh nghiệp FDI khó khăn khi hoạt động sản xuất kinh doanh. Lực lượng lao động làm việc tại doanh nghiệp FDI khá lớn còn ở trình độ thấp nên chưa đáp ứng được ngày công việc khi được tuyển dụng, các doanh nghiệp này vẫn phải đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
3.2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 3.2.1. Phương pháp thu thập số liệu 3.2.1. Phương pháp thu thập số liệu
a) Thu thập số liệu thứ cấp
Dữ liệu thứ cấp phục vụ cho đề tài nghiên cứu bao gồm: Các bài báo, bài viết có liên quan đến nội dung đề tài nghiên cứu của các tác giả, tạp chí chuyên ngành được đăng trên báo, Internet…; Niên giám thống kê và các báo cáo hằng năm về tình hình thu hút và kết quả đầu tư nước ngoài của các cơ quan: Cục thống kê tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, UBND tỉnh và một số cơ quan có liên quan. Trên cơ sở số liệu thứ cấp thu
thập được, nghiên cứu sẽ tập trung phân tích, đánh giá thực trạng QLNN đối với doanh nghiệp FDI ở tỉnh Hải Dương và chỉ ra những thuận lợi, hạn chế, tồn tại để đưa ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Nguồn cung cấp: Tại các phòng, ban thuộc cơ quan: Cục thống kê tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, UBND tỉnh và một số cơ quan có liên quan
b) Thu thập số liệu sơ cấp
Thu thập dữ liệu sơ cấp thông qua các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp các đối tượng liên quan (cán bộ quản lý nhà nước, các doanh nghiệp) bằng một số phương pháp như: Phỏng vấn, lấy phiếu điều tra theo bảng câu hỏi đã được chuẩn bị sẵn; Phỏng vấn sâu; và Thảo luận nhóm. Thông qua nội dung dữ liệu sơ cấp thu thập được để hoàn thiện nội dung đề tài nghiên cứu cũng như kiểm chứng kết quả nghiên cứu.
Trong nghiên cứu này có một số nội dung chuyên sâu cần thực hiện ở các doanh nghiệp có vốn FDI, cụ thể như sau:
- Số lượng: 50 doanh nghiệp có vốn FDI trên địa bàn tỉnh Hải Dương. - Cơ sở lựa chọn: Lựa chọn doanh nghiệp có vốn FDI theo tiêu chí hình thức đầu tư, loại hình doanh nghiệp, ngành nghề sản xuất kinh doanh…
- Phương pháp lựa chọn: Chọn ngẫu nhiên doanh nghiệp có vốn FDI sẽ tiến hành khảo sát từ trong danh sách doanh nghiệp FDI đang đầu tư, sản xuất kinh doanh ở tỉnh Hải Dương do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cung cấp.
Bảng 3.1. Số lượng mẫu điều tra các doanh nghiệp FDI
ĐVT: Doanh nghiệp Diễn giải Tổng số Chia ra DN 100% vốn FDI DN liên doanh
Số doanh nghiệp điều tra 50 46 7
- Thuê cơ sở hạ tầng 4 4 0
- Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp 45 38 7
Ngoài ra, các số liệu sơ cấp còn được thu thập thông qua phỏng vấn sâu 20 cán bộ quản lý ở các cơ quan QLNN đối với doanh nghiệp FDI gồm Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và các cơ quan, doanh nghiệp có vốn FDI có liên quan.
3.2.2. Phương pháp xử lý, tổng hợp số liệu
- Các dữ liệu sau khi được thu thập được kiểm tra lại, nếu phát hiện sai sót tác giả sẽ loại bỏ phiếu điều tra không bảo đảm chất lượng và thực hành hiệu chỉnh về mã hóa, nhập vào máy tính điện tử với sự trợ giúp phần mềm Excel.
- Dữ liệu sau khi thu thập được sắp xếp đảm bảo tính khoa học, theo một trình tự nhất định sau đó được xử lý bằng phương pháp phân tổ theo tiêu thức nghiên cứu: Hình thức đầu tư, loại hình doanh nghiệp, ngành nghề sản xuất kinh doanh… với sự trợ giúp của máy tính và phần mềm Excel.
- Thông tin trình bày ở bảng số liệu, đồ thị, sơ đồ, hộp ý kiến, tranh ảnh.
3.2.3. Phương pháp phân tích số liệu
a) Phương pháp thống kê mô tả
Phương pháp này sử dụng các chỉ tiêu phản ánh số tuyệt đối (số lượng, tổng số, khối lượng…), tương đối (cơ cấu, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch…) và số bình quân tác giả phân tích mức độ đầu tư, mức độ thực hiện các nội dung QLNN đối với các doanh nghiệp có vốn FDI ở tỉnh Hải Dương.
b) Phương pháp so sánh
Phương pháp này sử dụng để phân tích, so sánh giữa các nhóm doanh nghiệp FDI theo loại hình kinh doanh, theo quy mô và so sánh giữa thực hiện với kế hoạch, so sánh theo thời gian để đánh giá thực trạng QLNN đối với các nhóm doanh nghiệp có vốn FDI trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Trên cơ sở đó tìm ra các yếu tố ảnh hưởng và đề xuất các giải pháp tăng cường QLNN đối với các doanh nghiệp có vốn FDI trên địa bàn trong thời gian tới.
c) Phương pháp phân tích SWOT
Phương pháp phân tích SWOT được sử dụng trên cơ sở xác định điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong QLNN đối với các doanh nghiệp có vốn FDI, tác giả tiến hành phân tích, kết hợp điểm mạnh, cơ hội và thách thức để tìm ra các