Chuỗi giá trị trong sản xuất lúa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu hiện trạng và đề xuất một số biện pháp kỹ thuật góp phần hoàn thiện hệ thống cây trồng tại huyện yên phong, tỉnh bắc ninh (Trang 26 - 34)

2.1.3.1. Cơ sở lý thuyết về hàng hóa

* Khái niện hàng hóa

Philip Kotler (1997): Hàng hoá là tất cả những thứ có thể thoả mãn được mong muốn hay nhu cầu, yêu cầu và được cung ứng cho thị trường nhằm mục đích thu hút sự chú ý, mua, sử dụng của người tiêu dùng.

* Sản xuất hàng hóa

Theo Viện Nghiên cứu và Phổ biến kiến thức bách khoa (1998), hàng hoá là sản phẩm của lao động. Bản chất của sản xuất hàng hoá (SXHH) là kiểu tổ chức sản xuất, trong đó sản phẩm làm ra không phải là để đáp ứng nhu cầu của người trực tiếp sản xuất mà là nhu cầu của xã hội thông qua trao đổi mua bán. SXHH ra đời và phát triển dựa trên cơ sở phát triển các phương thức sản xuất cùng và sự phân công lao động xã hội. Sự phân công ấy càng cao thì SXHH càng phát triển, đời sống người dân ngày càng tăng lên, làm cho quá trình trao đổi hàng hoá diễn ra mạnh mẽ hơn, SXHH phát triển ngày càng đa dạng hơn.

2.1.3.2. Cơ sở lý thuyết về thị trường

Theo Phạm Tiến Dũng và Vũ Đình Tôn (2013): Thị trường là tập hợp những người mua và người bán tác động qua lại lẫn nhau có khả năng trao đổi. Thị trường là trung tâm các hoạt động kinh tế.

Theo Philip Kotler (1997): Một nền kinh tế đơn giản gồm 4 thành phần: Một ngư dân, một thợ săn, một thợ gốm và một nông dân. Bốn thành phần này tìm cách thoả mãn nhu cầu của mình theo ba phương thức khác nhau.

Một là: Tự cung, tự cấp, trong đó mỗi người tự kiếm cho mình mọi thứ cần thiết.

Hai là: Trao đổi phân tán, mỗi người đều coi ba người còn lại là những khách hàng tiềm năng hợp thành thị trường của mình.

Ba là: Trao đổi tập trung, tại đây xuất hiện một nhân vật trung gian cần thiết gọi là “nhà buôn”, tồn tại ở đâu đó liên quan trực tiếp với bốn người này, tại nơi người ta gọi là chợ. Cả bốn người đều đem thứ mình có đến cho nhà buôn rồi lấy thứ mà họ cần ở đó.

Như vậy sự hình thành nhà buôn và thị trường đã làm giảm thiểu số thương vụ cần thiết, nói cách khác là đã làm tăng hiệu quả thương mại.

2.1.3.3. Đặc điểm phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa

Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá là một quá trình tất yếu của nền nông nghiệp nước ta. Phát triển kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá phải dựa trên cơ sở xuất phát điểm và môi trường kinh tế - xã hội hiện nay ở nước ta. Trong một quá trình dài nền kinh tế nông thôn chủ yếu là sản xuất tự cung tự cấp và tập trung sản xuất lương thực với bất kỳ giá nào. Từ khi thực hiện cải cách kinh tế, nhiều chủ trương chính sách mới ra đời đã góp phần giải phóng sức sản xuất. Từ những năm 1990 trở lại đây trong nông nghiệp và nông thôn đã dành được một số kết quả nổi bật. Trước hết đó là đưa nước ta từ một nước nhập khẩu lương thực thành một nước đủ lương thực ăn, dự trữ và xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Thái Lan.

Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tạo điều kiện cho thị trường nông sản lưu thông sẽ làm tăng giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, từng bước cải thiện đời sống cho người nông dân. Nếu nông nghiệp vẫn cứ giữ lối sản xuất cũ thì khả năng tích lũy của nông dân rất ít, thu nhập của họ sẽ không vượt qua nghèo khổ. Đối với quy mô sản xuất của hộ gia đình nếu không

chuyên môn hóa, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thì kết quả cao nhất cũng chỉ thỏa mãn được nhu cầu của gia đình mà không có sản phẩm để trao đổi. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa là hướng đi đúng đắn giúp người nông dân có thu nhập cao. Để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa cần phải nắm được một số đặc điểm cơ bản sau:

Sản xuất nông nghiệp rất phong phú và đa dạng. Do vậy, nông hộ phải lựa chọn giống sao cho phù hợp khả năng đầu tư của mình, phù hợp với nhu cầu thị trường. Khi thị trường được thông suốt, lương thực được điều tiết theo quy luật cung cầu trên thị trường cả nước, vận chuyển từ vùng dư thừa sang vùng thiếu được tự do, ngoài các thành phần kinh tế tự vận chuyển, nhà nước cũng đã tổ chức lưu thông với khối lượng lớn trong những năm 1989 - 1991 so với các năm 1976 - 1980. Nhờ các chính sách của Nhà nước từ khi đổi mới đến nay mà sản xuất lương thực được thúc đẩy, năng suất và sản lượng tăng lên đáng kể. Hàng nông sản được tự do lưu thông theo cơ chế thị trường, mở rộng và tăng cường xuất khẩu kích thích sản xuất lương thực phát triển ngày càng hiệu quả (Phạm Văn Tiêm, 2005).

Những năm gần đây, Việt Nam tham gia hội nhập đã tác động rất lớn đến mở rộng thương mại hàng hóa nói chung và thương mại nông sản nói riêng với xu hướng “Càng chủ động hội nhập, Việt Nam càng mở rộng thương mại và đưa lợi ích kinh tế ngày càng cao” Dương Ngọc Trí, 2007).

Tuy nhiên, hiện nay nông sản hàng hoá chất lượng cao của Việt Nam chưa nhiều, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô, giá trị thấp, tính cạnh tranh nông sản hàng hoá trong khu vực và trên thế giới còn yếu, thị trường nông sản tổ chức chưa chặt chẽ, tính ổn định không cao. Cơ sở thương mại phục vụ tiêu thụ còn hạn chế, các hệ thống kênh thị trường hoạt động còn chưa thông suốt, hiệu quả thương mại còn khiêm tốn, cũng như còn có sự mất cân đối trong phân phối hiệu quả, lợi nhuận giữa các thành phần tham gia thị trường trong từng loại nông - lâm sản trong từng thị trường khu vực, đó là những thách thức lớn đối với quản lý nhà nước trong tiêu thụ nông sản hàng hoá. Vì vậy trong những năm tới, những chính sách liên quan đến thị trường nông sản, đòi hỏi phải có sự nhìn tổng thể và định hướng phát triển cụ thể trong điều kiện nền kinh tế nước ta đang thời kỳ sơ khai của nền kinh tế thị trường từng bước tham gia tự do hoá thương mại.

2.1.3.4. Cơ sở lý luận về phát triển nông nghiệp bền vững theo thướng sản xuất hàng hóa

Phát triển bền vững là quá trình phát triển trong đó có sự lồng ghép các quá trình sản xuất - kinh doanh với bảo tồn tài nguyên và làm tốt hơn về môi trường: đảm bảo thoả mãn những nhu cầu hiện tại mà không phương hại đến khả năng đáp ứng những nhu cầu của tương lai (Brundland Report, 1987). Từ khái niệm trên, cần lưu ý một số điểm sau: Thứ nhất, phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng được yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau (Hội đồng thế giới về Môi trường và Phát triển của Liên Hợp Quốc - WCED, 1987). Thứ hai, phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa 3 mặt của sự phát triển, bao gồm: Phát triển kinh tế (đặc biệt là tăng trưởng kinh tế), phát triển xã hội (đặc biệt là thực hiện tiến bộ xã hội, công bằng xã hội, giảm nghèo và giải quyết công ăn việc làm, công bằng về giới và hài hoà giữa các thế hệ) và bảo vệ môi trường (đặc biệt là bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường, quản lý và giảm thiểu thiệt hại của thiên tai, khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên) (Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về phát triển bền vững tổ chức tại Johannesburg, Cộng hoà Nam Phi, 2002). Phát triển nông nghiệp bền vững là quá trình quản lý và duy trì sự thay đổi về tổ chức, kỹ thuật và thể chế cho nông nghiệp phát triển nhằm đảm bảo thoả mãn nhu cầu ngày càng tăng của con người về nông phẩm và dịch vụ vừa đáp ứng nhu cầu của mai sau. Sự phát triển của nền nông nghiệp (bao gồm cả lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản ) sẽ đảm bảo không tổn hại đến môi trường, không giảm cấp tài nguyên, sẽ phù hợp về kỹ thuật và công nghệ, có hiệu quả về kinh tế và được chấp nhận về phương diện xã hội (FAO, 1992). Phát triển nông nghiệp bền vững là quá trình đảm bảo hài hoà ba nhóm mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường, thoả mãn nhu cầu về nông nghiệp hiện tại mà không tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của tương lai (Đỗ Kim Chung và cs., 2009).

Để phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hoá cần tập trung vào các lĩnh vực:

- Thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, bao gồm: Phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp và nông thôn; Coi trọng đưa kỹ thuật tiến bộ về công nghệ sinh học vào nông nghiệp; Từng bước thực hiện cơ khí hoá, hiện đại hoá ở các khâu thích hợp; Thực hiện có chọn

lọc hoá học hoá nền nông nghiệp; Xây dựng cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo xu hướng phù hợp.

- Xây dựng một hệ thống chính sách phù hợp. - Quản lý tài nguyên thiên nhiên.

- Đổi mới công nghệ và chương trình nghiên cứu về nông nghiệp.

Phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hoá là hướng đi đúng đắn giúp người nông dân vừa có thu nhập ngày càng cao, vừa khai thác hợp lý các lợi thế sẵn có của vùng.

2.1.3.5. Những nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất lúa (nông nghiệp) hàng hóa

* Nhu cầu thị trường

Sản xuất lúa (nông nghiệp) có hiệu quả khi gắn quá trình sản xuất với nhu cầu thị trường. Khi nhu cầu thị trường tăng sẽ kích thích sản xuất phát triển, khi nhu cầu thị trường giảm dẫn tới sản xuất giảm. Người sản xuất luôn quan tâm đến việc nắm bắt, mở rộng và ổn định thị trường để đảm bảo cho sản xuất của mình. Thị trường ở đây không chỉ là thị trường tiêu thụ sản phẩm, mà người sản xuất còn quan tâm đến thị trường tài chính, thị trường lao động, dịch vụ vì các yếu tố này có liên quan đến quá trình sản xuất. Sản xuất lúa cần có thị trường, hệ thống tổ chức tiêu thụ và quảng bá sản phẩm đảm bảo cho quá trình sản xuất ra sản phẩm tiêu thụ được thông suốt.

* Điều kiện tự nhiên

Điều kiện tự nhiên của vùng sản xuất có ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp phải gắn liền với điều kiện tự nhiên. Đất, nước, khí hậu và cây trồng có mối quan hệ khăng khít với nhau bằng những quy luật chặt chẽ, phức tạp. Vì vậy, chúng ta cần phải hiểu và nắm chắc các quy luật đó để vận dụng chúng vào trong sản xuất. Điều kiện tự nhiên ảnh hưởng đến việc sản xuất loại sản phẩm gì? Chất lượng ra sao? Và cũng là cơ sở hình thành vùng sản xuất, vùng chuyên môn hóa. Vị trí địa lý cũng là yếu tố quan trọng cho việc phát triển sản xuất lúa chất lượng hàng hóa. Vị trí gần thị thường tiêu thụ, giao thông thuận lợi… là yếu tố lợi thế cho tiêu thụ và giảm chi phí sản xuất, kích thích sản xuất phát triển.

* Giống

Trong sản xuất nông nghiệp, giống đóng vai trò quan trọng trong việc tăng sản lượng và chất lượng cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế. Giống cây trồng

là tiền đề trong sản xuất trồng trọt. Đặc tính của giống (kiểu gen), yếu tố môi trường và kỹ thuật canh tác quyết định năng suất của giống. Những sự thay đổi về khí hậu, đất, nước ảnh hưởng rất lớn đến năng suất. Vì vậy, tính ổn định và thích nghi của giống với môi trường thường là chỉ tiêu được sử dụng để đánh giá giống.

Ở Việt Nam, giống cây trồng nói chung và giống lúa nói riêng chưa bao giờ đáp ứng đủ. Hầu hết các nước trồng lúa trên thế giới đều quan tâm nghiên cứu về giống. Giống lúa mới được coi là giống lúa tốt thì phải có độ thuần cao, khả năng chống chịu tốt các điều kiện ngoại cảnh bất lợi của từng vùng khí hậu, đồng thời chịu thâm canh, kháng sâu bệnh hại, năng suất cao, phẩm chất tốt và ổn định qua nhiều thế hệ.

* Phân bón

Phân bón có vai trò rất quan trọng đối với năng suất và sản lượng cây trồng có thể thấy ở khắp mọi nơi. Nhiều cuộc điều tra tổng kết về vai trò của phân bón với cây trồng ở khắp các Châu lục trên thế giới đều cho thấy, trong số các biện pháp kỹ thuật trồng trọt liên hoàn, bón phân luôn là biện pháp kỹ thuật có ảnh hưởng lớn nhất, quyết định nhất đối với năng suất cây trồng. Giống cây trồng cần phải được bón phân cân đối theo yêu cầu, mới phát huy hết tiềm năng năng suất của giống. Giống lúa lai có tiềm năng năng suất cao hơn lúa thường 20- 30%, nhưng lại đòi hỏi phân bón nhiều hơn và tỷ lệ NPK phải phù hợp mới thể hiện tính ưu việt của nó. Vì vậy, tiến sĩ Palmer một chuyên gia lâu năm của Liên hợp quốc có nhận xét: Gọi giống mới là giống năng suất cao là ngộ nhận vì không có “đầu vào” là phân hoá học thì giống mới không có năng suất cao đáng kể so với giống cũ (Nguyễn Như Hà và Lê Bích Thảo, 2009).

Trần Thanh Sơn (2007): Khi nghiên cứu về ảnh hưởng của liều lượng phân bón N, P, K đến tỷ lệ bạc bụng và hàm lượng amylose trong hạt gạo trên đất phèn, đã rút ra kết luận: Phân lân và kali ảnh hưởng đến cả tỷ lệ bạc bụng và hàm lượng amylose của hạt gạo trong khi đó phân đạm có ảnh hưởng đến tỷ lệ bạc bụng của hạt gạo nhưng hàm lượng amylose khác biệt không có ý nghĩa giữa các công thức phân bón.

Tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của mức bón phân N, P, K đến phẩm chất gạo, Trần Trọng Thắng (1999) đưa ra kết luận :

- Không bón đạm hoặc đạm thấp trên nền (90 P2O5 + 60 K2O) kg/ha hàm lượng prôtêin trong gạo thấp và tỷ lệ bạc bụng cao. Tuy nhiên, nếu bón đạm quá cao thì tỉ lệ gạo nguyên giảm và năng suất thấp.

- Nếu không bón lân hoặc bón lân thấp trên nền (120 N + 60 K2O) kg/ha

cũng ảnh hưởng về các yếu tố phẩm chất gạo dù không rõ rệt.

- Bón kali trên nền (120N + 90 P2O5) kg/ha cũng ảnh hưởng đến các yếu tố

phẩm chất gạo.

Chất lượng dinh dưỡng của hạt gạo ngoài phụ thuộc vào đặc tính di truyền của giống còn chịu ảnh hưởng rõ rệt của các biện pháp trồng trọt, loại phân bón, lượng phân bón và kỹ thuật bón. Bón phối hợp cân đối NPK có tác dụng làm tăng chất lượng của hạt lên rất nhiều.

* Quy trình kỹ thuật

Trong quá trình sản xuất, các biện pháp kỹ thuật canh tác có vai trò:

- Tăng khả năng sinh trưởng, phát triển của cây trồng cũng như tăng năng suất và phẩm chất nông sản. Đây là mục đích của các biện pháp kỹ thuật nông nghiệp, bởi có biện pháp kỹ thuật thích hợp không chỉ lợi dụng tốt nhất các yếu tố tự nhiên và môi trường mà còn phát huy vai trò của giống, kỹ thuật canh tác cũng như công tác phòng chống dịch hại tổng hợp.

- Bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái, hạn chế tối thiểu tác hại của sâu bệnh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó đảm bảo chất lượng và độ an toàn của sản phẩm.

- Điều hoà lao động và việc sử dụng các vật tư: Mỗi loại cây trồng cần phải qua các khâu gieo trồng, chăm sóc… sử dụng các vật tư công cụ khác nhau, tuỳ từng giai đoạn. Vì thế khi sử dụng các biện pháp kỹ thuật thích hợp với một loại cây trồng nào đó sẽ tạo ra việc bố trí nguồn nhân lực, vật lực một cách hợp lý hơn và giảm tính thời vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu hiện trạng và đề xuất một số biện pháp kỹ thuật góp phần hoàn thiện hệ thống cây trồng tại huyện yên phong, tỉnh bắc ninh (Trang 26 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)