Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.2. Cơ sở thực tiễn
2.2.3. Kinh nghiệm về huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới tạ
một số địa phương
2.2.3.1. Kinh nghiệm của xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Nghệ An
Thiên Lộc vốn là xã nghèo của huyện Can Lộc, kinh tế thuần nông, ngành nghề dịch vụ kém phát triển, kết cấu hạ tầng xuất phát thấp, tỷ lệ hộ nghèo trên 30%... Thế nhưng, sau khi tiếp thu Nghị quyết số 02 của BCH tỉnh Đảng bộ khóa 15 ngày 12/6/2001, Thiên Lộc bắt đầu xây dựng chương trình NTM và sớm trở thành xã dẫn đầu của Can Lộc. Bước tiếp chặng đường xây dựng NTM, Thiên Lộc đã không ngừng nỗ lực và trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM toàn Tỉnh (Việt Thắng, 2017).
Năm 2010, khi được chọn là xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền Thiên Lộc đã xác định được đây là nhiệm vụ lớn và mới mẻ và không ít khó khăn. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị cũng như toàn bộ nhân dân ở Thiên Lộc đã chủ động nhập cuộc bằng tất cả mọi điều kiện, lòng nhiệt tình và khả năng của mình. Đảng bộ và nhân dân Thiên Lộc nhận thức sâu sắc rằng, xây dựng NTM là một chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển nông thôn toàn diện, bền vững với mục tiêu nâng cao cuộc sống vật chất và tinh thần cho chính người dân. Tinh thần ở Thiên Lộc hiện nay là Nhà nhà làm NTM, người người làm NTM. Nhờ vậy, đến nay, đối chiếu với Bộ tiêu chí quốc gia, Thiên Lộc đã hoàn thành 14/19 tiêu chí (Việt Thắng, 2017).
Sau khi lập đề án quy hoạch, xây dựng NTM ông Đặng Phúc Vượng - Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc cho biết: Thiên Lộc là địa phương đã được chỉ đạo quy họach (ruộng đất, hạ tầng, giao thông, chỉnh trang khu dân cư..) từ những năm 2006 đến nay. Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã xác định đội ngũ cán bộ là khâu có tính quyết định trong việc tiếp nhận, triển khai xây dựng NTM nên đã xây dựng được đội ngũ cán bộ tốt, tâm huyết, đoàn kết, có tầm, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ và có uy tín đối với nhân dân. Nhờ vậy nên trong điều hành đã có được tính chủ động, sáng tạo, biết lập và điều hành kế hoạch theo một trình tự khoa học, biết cách tổ chức phát huy dân chủ, tổ chức thi đua, thu hút công đồng tham gia; chủ động kiểm tra, tổng kết thực tiễn, phát hiện nhân tố mới, cách làm mới có hiệu quả để nhân lên. Thời gian qua, Thiên Lộc đã triển khai lựa chọn xây dựng các công trình sát thực với yêu cầu sản xuất và phục vụ cho người dân,
được Đảng bộ và nhân dân bàn bạc kỹ lưỡng trước xây dựng, vì vậy đã tạo được người dân đồng tình cao và tích cực đóng góp nguồn lực. Quy trình huy động nguồn lực trong dân luôn được bàn kỹ với phương châm dân đứng ra tổ chức triển khai là chính. Nhờ vậy nên chỉ sau một thời gian, Thiên Lộc đã xây dựng được 32 km đường bê tông, 30 km kênh bê tông, 19 nhà văn hóa xóm, hiến đất mở đường giao thông nông thôn, xây dựng hàng chục km mương thoát nước trong khu dân cư, được nhân dân đồng thuận ủng hộ nhiệt tình. Cùng với huy động nguồn lực từ người dân, xã Thiên Lộc có nhiều tuyến tỉnh lộ, huyện lộ đi qua, trên địa bàn của xã có khu du lịch Chùa Hương Tích nên địa phương đã tạo môi trường thu hút đầu tư và tranh thủ các nguồn lực từ các chương trình, dự án về đầu tư xây dựng trên địa bàn để xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội. Các công trình xây dựng trên địa bàn đều do người dân quản lý, tổ chức giám sát và phân cấp quản lý bảo vệ trong quá trình hưởng lợi nên chất lượng của các công trình luôn được đảm bảo. Ông Đặng Phúc Vượng phấn khởi cho biết: “Với những nỗ lực và kết quả đã đạt được, Thiên Lộc đang có đà để bước những bước vững chắc trong chặng đường xây dựng NTM tiếp theo. Hiện tại, Thiên Lộc đang tập trung dồn sức chỉ đạo quyết liệt, huy động tối đa nguồn lực để phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí vào trước năm 2013 (Việt Thắng, 2017).
2.2.3.2. Kinh nghiệm của xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định Hải Đường là một trong 11 xã được Ban Bí thư chọn thí điểm xây dựng mô hình NTM, từ một xã thuần nông, sau gần 2 năm, xã Hải Đường - Hải Hậu - Nam Định nay đã mang một diện mạo mới. Được sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước, xã được hỗ trợ gần 20 tỷ đồng kinh phí triển khai. Cùng với số vốn được nhà nước hỗ trợ, xã đã phát động thu đối ứng toàn dân với số tiền 50.000 đồng/người/năm. Miễn hoãn những trường hợp khó khăn, 10.000 khẩu còn lại đều tích cực góp phần mình xây dựng quê hương. Đến nay, bằng nguồn vốn từ trung ương và đóng góp của người dân trong xã, Hải Đường đã cơ bản cứng hóa gần 100% đường giao thông nông thôn, đầu tư xây dựng mới 2 trường mầm non, 1 trường tiểu học và tu sửa, nâng cấp 1 trường trung học cơ sở với tổng số vốn là hơn 10 tỷ đồng. Trạm y tế cũng được xây mới với hai tầng và 14 phòng, kinh phí xây dựng gần 2,5 tỷ đồng. Chợ mới của xã cũng được xây dựng bằng nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh trên 300 triệu đồng, xã huy động xã hội hóa được trên 700 triệu đồng. Nhờ đó, bà con trong xã có điều kiện mua bán hàng hóa dễ dàng, ai cũng phấn khởi. Toàn bộ người dân trong xã đều được sử dụng nước sạch, các làng
đều có nhà văn hóa, đảm bảo phục việc hội họp và nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần… (Kiều Khải, 2015).
Ngay sau khi được chọn làm xã điểm, chính quyền xã đã nhanh chóng thành lập ban quản lý xây dựng chương trình nông thôn mới gồm 11 người do Chủ tịch xã làm Trưởng ban. Xã đã tiến hành nhiều buổi họp dân và tổ chức các buổi thảo luận đến từng thôn. Tại buổi họp, người dân trình bày tâm tư nguyện vọng của mình. Ban quản lý tổng hợp ý kiến người dân để xây dựng dự án.
Xác định là xã thuần nông, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, không nghề phụ, không nghề truyền thống. Muốn tăng thu nhập cho người dân, Hải Đường đã chú trọng đầu tư đào tạo nghề cho người lao động. Xã đã liên hệ, phối hợp với các đơn vị chức năng khai giảng 14 lớp học nghề. Trong đó, có 10 lớp hoàn thiện chương trình đào tạo nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Chính phủ; 4 lớp khuyến công, khuyến nông. Đào tạo cho người dân những nghề phù hợp với điều kiện của xã như: Trồng rau sạch, nuôi cá nước ngọt, mộc, may, thảm cói … (Kiều Khải, 2015).
Thành công lớn nhất của Hải Đường là khi hỏi bất kỳ người dân nào nơi đây thì ai cũng hiểu về NTM. Xã xem công tác tuyên truyền rất quan trọng. Các tổ chức phải tham gia hội họp với dân, nghe tâm tư nguyện vọng của họ. Và mỗi cán bộ trước tiên phải hiểu rõ về quá trình, mục đích của chương trình NTM. 2.2.3.3. Kinh nghiệm của xã Đông La, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội
Đông La là xã nằm ở cuối huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội. Không được chọn làm xã điểm, nhưng chỉ hơn sau 2 năm thực hiện xây dựng NTM, đến nay toàn xã đã đạt 15/19 tiêu chí và dự kiến sẽ về đích cuối năm 2013.
Sau khi lập đề án quy hoạch, Thường trực Đảng ủy đã bàn bạc, quán triệt cụ thể đến từng cấp ủy, chi bộ tập trung lãnh đạo để giải phóng mặt bằng. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã tích cực tuyên truyền vận động các đoàn viên, hội viên, người dân nhận thức rõ về lợi ích của xây dựng hạ tầng, đặc biệt là công trình giao thông. Nhờ vậy mà đã có 197 hộ trong xã tham gia hiến 12.579 m2 đất, trong đó có 20 hộ đã hiến gần 500 m2 đất thổ cư để làm đường giao thông. Tại tuyến Đông La - Dương Nội có 15 hộ tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm trả lại 200 m2 đất công để làm đường. Ông Bùi Văn Luyện ở xóm 3, thôn Đồng Nhân một trong những hộ điển hình hiến tới 30m2 đất thổ cư, vì nghĩ cho lợi ích chung; mặc dù đất thổ cư của xã rất có giá trị. Ngoài vận động người dân đóng
góp, xã còn vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn góp hàng nghìn ngày công và hơn 2 tỷ đồng, góp sức hoàn thành hơn 12km đường liên thôn, xã. Từ đó kinh tế xã phát triển, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 7% xuống còn 2 % (Quang Thiện, 2015).
Do có sự đồng thuận của người dân trong xây dựng NTM, đến nay, hạ tầng nông thôn ở Đông La đã cơ bản đáp ứng nhu cầu dân sinh với 15/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt chuẩn. Tình hình kinh tế của Đông La khá vững, tỷ lệ hộ nghèo chỉ chiếm 2% dân số. Cả xã có 2.300 hộ dân, với diện tích đất nông nghiệp chiếm gần 300ha, trong đó đất lúa chỉ có 39ha, còn lại là đất bãi ven sông Đáy. Ngoài ra, mô hình trồng phong lan cũng đang được nhân rộng và đã được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ/năm (Quang Thiện, 2015).