Giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy việc áp dụng các phương án xử lý chất

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu các phương án xử lý chất thải chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện ứng hòa, thành phố hà nội (Trang 113 - 118)

Phần 4 Kết quả và thảo luận

4.3. Định hướng và các giải pháp

4.3.2. Giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy việc áp dụng các phương án xử lý chất

chất thải trong chăn nuôi lợn

Qua quá trình điều tra về tình hình lựa chọn xử lý chất thải của các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn, tôi có một số đề xuất và giải pháp để cải thiện tình hình như sau:

4.3.2.1. Giải pháp về mặt kinh tế

Hiện nay, vấn đề nguồn lực được bố trí và sử dụng chưa hiệu quả là một vấn đề quan trọng, gây nhiều khó khăn và làm giảm hiệu quả chăn nuôi cũng như hiệu quả xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn. Hạn chế về mặt nguồn lực kinh tế đó là nguồn lực còn hạn hẹp, mức hỗ trợ từ ngân sách còn thấp, phân tán, chưa đúng đối tượng, thiếu sự phối hợp lồng ghép trong quá trình thực hiện hỗ trợ, chưa huy động hết sự tham gia từ cộng đồng và xã hội.

Do vậy, để nâng cao hiệu quả chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi lợn. Chính quyền địa phương cần hỗ trợ nguồn vốn cho các hộ chăn nuôi tiến hành mở rộng quy mô, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động xử lý chất thải chăn nuôi. Chính quyền phối hợp với các hộ chăn nuôi thường xuyên khơi thông cống rãnh, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi trong giao thông để vận chuyển chất thải chăn nuôi phục vụ cho các hộ khác sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón, thức ăn cho cá. Nguồn vốn sử dụng trong chăn nuôi nói chung, xử lý chất thải chăn nuôi nói riêng cần được chính quyền địa phương, cơ quan , tổ chức, tích cực hỗ trợ cho để các hộ mở rộng quy mô chăn nuôi, tiết kiệm chi phí đầu vào, giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi, tăng cường liên kết hỗ trợ về vốn giữa các trang trại, gia trại chăn nuôi nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ, từ đó các chủ chăn nuôi tiến hành đầu tư nhiều hơn cho hệ thống xử lý chất thải của gia đình và cộng đồng địa phương.

4.3.2.2. Giải pháp về mặt quản lý, tổ chức

Chính quyền địa phương cần nỗ lực hoàn thành quy hoạch vùng chăn nuôi lợn tập trung tại các thôn, xã trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi nhiều tách khỏi khu dân cư giúp thuận tiện cho hoạt động xử lý chất thải; Hỗ trợ, ưu tiên cho những chủ hộ có điều kiện thuê đất, vay vốn, tiến hành đầu tư xây dựng chuồng trại ở xa khu dân cư. Việc quy hoạch khu chăn nuôi tập trung phải đảm bảo cho các hộ chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững lâu dài và tránh ô nhiễm môi trường do chăn nuôi. Quy hoạch xây dựng hệ thống giao thông, hệ thống thoát nước thải, nhằm đảm bảo công tác xử lý, vệ sinh môi trường được

diễn ra ổn định, lâu dài. Ngoài ra, địa phương cần có những cán bộ phụ trách hướng dẫn, giúp đỡ các hộ trong việc bố trí, sắp xếp xây dựng chuồng trại, khu xử lý chất thải trên khu đất mới trong vùng chăn nuôi tập trung.

Ban hành các văn bản pháp luật quản lý các vấn đề môi trường trong sản xuất chăn nuôi. Hiện nay, Nhà nước chưa có những văn bản cụ thể quy định và hướng dẫn việc quản lý môi trường cho lĩnh vực sản xuất chăn nuôi. Các nội dung này vẫn nằm rải rác trong các chương mục của Luật Bảo vệ môi trường.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện xử lý chất thải tại các cơ sở chăn nuôi. Tại mỗi thôn, xã, thành lập một đơn vị kiểm tra thường xuyên đi kiểm tra, có biện pháp nhắc nhở việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi ngay tại nguồn phát sinh. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần sử dụng biện pháp kinh tế để bắt buộc người chăn nuôi phải thay đổi hành vi, thói quen xả thẳng chất thải ra cống rãnh.

4.3.2.3. Giải pháp tuyên truyền, giáo dục

Theo kết quả điều tra cho thấy rằng hiện nay, tại huyện Ứng Hòa đã có các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi tới các hộ. Tuy nhiên, các hình thức tuyên truyền còn ít, kiến thức của các cán bộ khuyến nông còn hạn chế nên quá trình tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi lợn chưa đạt hiệu quả.

Do đó, cần trang bị và nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường cho cán bộ khuyến nông để họ có thể hỗ trợ trưc tiếp và hiệu quả cho quá trình xử lý vấn đề môi trường tại các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn quản lý. Đa dạng hóa các hình thức phổ biến tuyên truyền cho người dân, tạo hứng thú khi tiếp nhận thông tin.

Phổ biến kiến thức pháp luật, tuyên truyền, phổ cập hóa nhận thức môi trường cho các hộ chăn nuôi. Đồng thời tuyên truyền, giáo dục người dân đặc biệt là các chủ hộ chăn nuôi về ý nghĩa của việc xử lý chất thải, áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Trong đó, cần nhấn mạnh việc bảo vệ môi trường không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe gia đình, bản thân họ cũng như mọi người xung quanh mà còn có thể nâng cao hiệu quả sản xuất và tiết kiệm chi phí cho chính hoạt động chăn nuôi của họ. Giới thiệu những phương án xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả, tư vấn giúp họ lựa chọn được phương án phù hợp với điều kiện chăn nuôi của gia đình.

Mở các lớp tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ thuật xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn, quy trình xử lý cho các chủ hộ chăn nuôi. Nội dung tập huấn liên quan tới chủ đề quy trình xử chất thải đảm bảo vệ sinh, an toàn với môi trường cũng như cách tận dụng nguồn phân thải như một nguồn tài nguyên, trong đó giới thiệu các biện pháp xử lý như sử dụng hầm biogas, sử dụng làm phân bón thông qua thu gom, mô hình VAC trong chăn nuôi,… cũng như tư vấn phương án phù hợp cho từng nhóm hộ dựa trên điều kiện sản xuất chung. Ngoài ra, trong lớp tập huấn cũng sẽ đề cập tới chủ đề hậu quả của ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi. Để các chủ hộ có cách nhìn nhận tích cực hơn trong việc xử lý chất thải chăn nuôi lợn của gia đình. Cán bộ sẽ thu thập ý kiến về những khó khăn mà các hộ gia đình gặp phải trong công tác xử lý chất thải chăn nuôi hiện nay, trên cơ sở đó định hướng và tư vấn cho họ.

Mở các lớp tập huấn đào tạo kỹ năng quản lý chất thải tổng hợp cho các chủ hộ chăn nuôi giúp họ có thể chủ động tự giải quyết hoặc vận hành các công trình xử lý chất thải một cách đúng kỹ thuật.

4.3.2.4. Giải pháp về mặt kỹ thuật

Thực tế cho thấy, các biện pháp xử lý chất thải truyền thống như biogas, ủ phân compost, cho cá ăn, thu gom làm phân bón,… khá thích hợp với điều kiện của các hộ chăn nuôi do dễ thực thực hiện và đem lại tính kinh tế cho hộ. Tuy nhiên cần phải cải tiến và phối kết hợp các biện pháp này với nhau để nâng cao hiệu quả xử lý.

Thực hiện nghiên cứu nhằm đẩy mạnh tối đa việc tái sử dụng chất thải chăn nuôi lợn cho các mục đích khác nhau.

Với công trình biogas, có một vài vấn đề nảy sinh khi sử dụng hầm khí đó là mùi hôi của khí sinh học (lượng khí gas sử dụng cho đun nấu vẫn có mùi hôi) do vậy cần nghiên cứu loại bỏ được mùi khó chịu khi sử dụng khí; trong quá trình vận hành, nhiều khi không được cho nguyên liệu vào hầm biogas (do thừa nguyên liệu, nguyên liệu có hóa chất,…) vì vậy trong bản vẽ thiết kế cần nghiên cứu, thiết kế bộ phận van đóng, mở tiện dụng cho hệ thống nạp nguyên liệu. Hơn nữa, cần phải phổ biến kỹ thuật vận hành và sử dụng biogas cho người chăn nuôi.

4.3.2.5. Giải pháp cụ thể cho từng phương án xử lý chất thải

Hiện nay đa số người chăn nuôi lợn chỉ dựa trên những kinh nghiệm tiếp thu được từ quá trình chăn nuôi mà không tiếp cận với bất kỳ quy trình công

nghệ xử lý chất thải nào khác. Trong đó, nhiều hộ chăn nuôi cho rằng chỉ có các trang trại mới cần xử lý chất thải theo một quy trình kỹ thuật. Sự thiếu hiểu biết của hộ có thể ảnh hưởng đến lựa chọn các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi lợn, có thể gây ra ô nhiễm và làm giảm hiệu quả xử lý của các biện pháp. Vì vậy, các hộ chăn nuôi nên tiếp thu những kiến thức về kỹ thuật xử lý chất thải trong chăn nuôi cũng như học hỏi các mô hình ứng dụng của các cơ sở chăn nuôi khác và thử nghiệm để đạt được hiệu quả lớn nhất khi thực hiện xử lý chất thải.

Đối với phương án thu gom phân rắn: cần phải tiến hành tách nguồn phân và nước thải. Để làm được điều này cần phải thay đổi quy trình cọ rửa và thiết kế chuồng trại một cách hợp lý, cũng như thay đổi khẩu phần ăn của lợn nuôi. Thông thường biện pháp này nên áp dụng với các hộ chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ, lượng chất thải ở mức tương đối và diện tích đất hạn hẹp.

Đối với phương án sử dụng hầm biogas: cần đưa một lượng phân vừa đủ (không quá nhiều, không quá ít) để đảm bảo biogas hoạt động tốt. Nếu lượng phân thải quá lớn có thể mở rộng diện tích bể hoặc kết hợp các biện pháp xử lý khác để giảm đầu vào cho các bể biogas. Chẳng hạn như kết hợp với thu gom. Hiện nay, tình trạng dư thừa khí gas đang khá phổ biến nên các hộ cần tăng cường sử dụng gas như: dùng cho đun nấu, phát điện, sưởi ấm tránh xả khí gas thừa ra ngoài môi trường vì tiềm ẩn các nguy cơ cháy nổ và gây ô nhiễm môi trường. Đối với nước thải và chất thải rắn sau biogas có thể sử dụng tốt để bón cho cây trồng, bón ruộng hoặc đưa xuống ao để làm thức ăn cho cá. Phương án này phù hợp với cả 3 quy mô (lớn, trung bình, nhỏ).

Đối với phương án kết hợp: thực tế cho thấy nếu các hộ chăn nuôi quy mô lớn và các trang trại hiện nay nếu chỉ sử dụng 1 biện pháp xử lý chất thải đơn lẻ thì không giải quyết triệt để được nguồn thải phát sinh. Do đó, phương án kết hợp cùng lúc nhiều biện pháp xử lý sẽ giúp các hộ không những xử lý triệt để được nguồn thải mà còn giúp hộ tăng cường sử dụng chất thải, tiết kiệm được chi phí và thu nhập tăng thêm.

Khó khăn lớn nhất trong việc lựa chọn phương án xử lý chất thải của hộ là diện tích đất sử dụng trong chăn nuôi bị giới hạn. Hộ chăn nuôi mở rộng quy mô chuồng trại dẫn tới lượng chất thải thải ra môi trường cũng tăng theo, gây quá tải với hệ thống xử lý chất thải sẵn có. Diện tích đất chăn nuôi hạn chế là khó khăn lớn nhất khi hộ muốn mở rộng quy mô chăn nuôi cũng như xây dựng hệ thống xử lý chất thải phù hợp với quy mô chăn nuôi.

Để giải quyết khó khăn về diện tích đất sử dụng cho chăn nuôi lợn, Chính quyền địa phương cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể như quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, hỗ trợ cho thuê đất dài hạn. Các hộ chăn nuôi cần chủ động giải quyết khó khăn, liên kết sản xuất với các hộ chăn nuôi khác mở rộng quy mô và hệ thống xử lý chất thải.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu các phương án xử lý chất thải chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện ứng hòa, thành phố hà nội (Trang 113 - 118)