Các yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn cách thức xử lý chất thải chăn nuôi

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu các phương án xử lý chất thải chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện ứng hòa, thành phố hà nội (Trang 31 - 33)

Phần 2 .Tổng quan tài liệu

2.1. Cơ sở lý luận của đề tài

2.1.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn cách thức xử lý chất thải chăn nuôi

2.1.4.1. Diện tích đất sử dụng cho chăn nuôi

Hộ có quy mô diện tích đất sử dụng lớn hoặc ngoài khu dân cư có thể xây dựng các hệ thống xử lý chất thải có quy hoạch, khoa học, hiệu quả xử lý triệt để còn những hộ chăn nuôi nằm xen kẽ với khu dân cư, thường bị hạn chế bởi diện tích hạn hẹp do đó khi muốn quy hoạch để xử lý chất thải cũng khó vì không có diện tích để trống. Nếu diện tích hạn chế hộ chuyển sang bán phân hoặc xả thải ra cống rãnh nhiều hơn.

2.1.4.2. Quy mô chăn nuôi

Quy mô chăn nuôi khác nhau thì việc lựa chọn các phương án cũng khác nhau như đối với sử dụng hầm biogas xử lý chất thải, điều kiện cần để có thể áp dụng là quy mô chăn nuôi phải đủ lớn, ứng với thể tích hầm từ 5 m3 trở lên. Thứ hai là nguyên liệu cho vào hầm khí. Các nhà khoa học đã chỉ ra, nếu hộ chăn nuôi ít hoặc diện tích đất sử dụng cho chăn nuôi không đủ để xây dựng hầm hoặc số đầu gia súc không đủ cung cấp lượng nguyên liệu thì họ cũng không ứng dụng được công nghệ KSH. Đối với phương án thu gom, hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, lượng phân thải chưa đáng kể, vốn ít thường hay áp dụng. Như vậy, quy mô chăn nuôi là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới lựa chọn cách thức xử lý của hộ và cũng ảnh hưởng tới lợi ích, chi phí của phương án xử lý chất thải mà hộ áp dụng.

2.1.4.3. Nguồn lực tài chính của chủ hộ

Nguồn lực tài chính là một trong các yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới xử lý chất thải chăn nuôi, chủ hộ có nguồn lực tài chính lớn có thể áp dụng các quy trình xử lý chất thải hiện đại mang lại kết quả cao ngược lại các chủ hộ có nguồn lực này hạn hẹp chỉ có thể áp dụng các phương án xử lý chất thải đơn giản, hiệu quả không cao. Chẳng hạn như với phương án sử dụng hầm biogas, khi quyết định xây hầm hộ phải bỏ ra một lượng vốn đầu tư ban đầu, lượng vốn này phụ thuộc vào từng kiểu hầm, đó chính là giá thành xây hầm. Do vốn đầu tư cho con giống, thức ăn cho chăn nuôi lợn khá cao cho nên việc phân bổ nguồn vốn cho xây dựng, đầu tư hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi của các hộ bị ảnh hưởng. Vốn tự có không đủ để đầu tư công nghệ thì chủ hộ tiến hành vay anh/em, họ hàng, bạn bè hoặc vay ngân hàng. Điều đó còn phụ thuộc vào mức lãi suất trên thị trường.

2.1.4.4. Trình độ học vấn, nhận thức của chủ hộ

Trình độ của chủ hộ cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc áp dụng phương án xử lý chất thải. Nghiên cứu cho rằng khi chủ hộ có trình độ học vấn cao thì nhận thức của họ về các vấn đề sẽ được nâng lên. Họ có điều kiện tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật trong xử lý chất thải chăn nuôi. Với những chủ hộ chăn nuôi có kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm, trình độ học vấn cao thì họ dễ dàng đưa ra những quyết định trong quá trình chăn nuôi nói chung, xử lý chất thải chăn nuôi nói riêng phù hợp với tình hình chăn nuôi của gia đình mình, góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận. Có nhiều ứng dụng chăn nuôi, xử lý chất thải giảm thiểu ô nhiễm môi trường được đưa vào thử nghiệm một số nơi, tuy nhiên, mỗi

phương pháp xử lý chất thải có ưu nhược điểm riêng, việc lựa chọn phương án xử lý chất thải phụ thuộc vào trình độ và kinh nghiệm chăn nuôi của chủ hộ.

2.1.4.5. Nguồn cung cấp thông tin về xử lý chất thải trong chăn nuôi

Nguồn thông tin về tình hình chăn nuôi và xử lý chất thải mà đa dạng sẽ giúp các hộ nhanh chóng nắm bắt được thông tin trong chăn nuôi như thị trường tiêu thụ; giá cả; các mô hình chăn nuôi hiệu quả; các công nghệ xử lý chất thải tiên tiến,… Các hộ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm và áp dụng các biện pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi góp phần giảm chi phí chăn nuôi, tăng lợi ích và doanh thu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu các phương án xử lý chất thải chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện ứng hòa, thành phố hà nội (Trang 31 - 33)