Nội dung phân tích các phương án xử lý chất thải chăn nuôi

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu các phương án xử lý chất thải chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện ứng hòa, thành phố hà nội (Trang 29 - 31)

Phần 2 .Tổng quan tài liệu

2.1. Cơ sở lý luận của đề tài

2.1.3. Nội dung phân tích các phương án xử lý chất thải chăn nuôi

Đề tài tài tập trung nghiên cứu phân tích lợi ích – chi phí của ba phương án xử lý chất thải chăn nuôi ở dạng rắn, lỏng và hỗn hợp của hộ: thu gom chất thải rắn để bón cho cây trồng, làm thức ăn cho cá hoặc để bán; sử dụng công nghệ khí sinh học biogas; phương án kết hợp giữa xử lý qua hầm biogas và thu gom. Trên cơ sở đó giải thích sự lựa chọn áp dụng các phương án khác nhau của hộ dưới góc độ cá nhân. Trong các phương án xử lý chất thải từ chăn nuôi, mỗi phương án có lợi ích và chi phí khác nhau. CBA là một công cụ mà sẽ giúp người chăn nuôi lợn đưa ra quyết định tốt hơn về việc đầu tư cho xử lý chất thải chăn nuôi của họ bằng cách đo lường và so sánh giữa chi phí và kết quả của các phương án khác nhau.

Tất cả các mục chi phí và lợi ích của mỗi phương án được giả định là ổn định và hầm khí sinh học biogas được cho là kéo dài một thời gian dài (15 năm theo thiết kế). Tuy nhiên, những giả định này có thể không thích hợp cho tất cả các trường hợp. Vì vậy, trong nghiên cứu này, giả định tỷ lệ chiết khấu có thể thay đổi ở các mức như: 5%, 10% và 12%. Việc tính toán CBA khi giả định thay đổi nhằm mục đích tìm ra những phương án tốt nhất, phù hợp nhất trong từng điều kiện.

2.1.3.1. Xác định các khoản chi của hộ cho các phương án xử lý chất thải chăn nuôi

a. Các khoản chi của phương án thu gom

Các khoản chi phí của phương án thu gom gồm có:

Chi phí thường xuyên bao gồm chi phí mua dụng cụ vệ sinh phục vụ cho hoạt động thu gom chất thải rắn như chổi tre, xẻng, hót rác. Chi phí này phát sinh hàng năm.

Chi phí lao động: được tính toán dựa trên giả định với thời gian lao động là 8 giờ/ngày thì mức tiền công là 100 nghìn đồng/ngày/công lao động. Lao động thu gom có thể trực tiếp là người chăn nuôi hoặc có thể thuê bên ngoài (đối với hộ chăn nuôi số lượng lớn).

b. Các khoản chi khi sử dụng hầm khí sinh học biogas

Chi phí đầu tư ban đầu là những khoản chi cho xây dựng hệ thống hầm biogas và đầu tư cơ sở vật chất ban đầu có thể kể đến như chi phí mua nguyên liệu cát, sỏi, xi măng, gạch, thép, thuê lao động để xây dựng hầm.

Chi phí hàng năm bao gồm: (a) Chi phí lao động tham gia dọn vệ sinh, rửa chuồng trại; (b) Chi phí điện bơm nước; (c) Chi phí sửa chữa, bảo dưỡng hầm gồm chi phí mua van khóa, ống dẫn, thuê người lắp đặt lại; (d) Chi phí hút bã thải hàng năm; (e) Chi phí thuốc hóa học.

c. Các khoản chi của phương án kết hợp (biogas + thu gom)

Chi phí của phương án kết hợp bao gồm các khoản mục chi phí của 2 phương án riêng lẻ như:

Chi phí ban đầu: chi phí mua nguyên liệu cát, sỏi, xi măng, gạch, thép, thuê lao động để xây dựng hầm.

Chi phí hàng năm gồm có: Chi phí lao động (lao động trực tiếp thực hiện thu gom và cọ rửa chuồng, giả định người lao động làm việc 8h/ngày thì nhận được mức lương 100.000 đồng); chi phí mua dụng cu thu gom và các khoản chi phí thường xuyên khác của phương án sử dụng hầm biogas.

2.1.3.2. Lợi ích hộ thu được từ các phương án xử lý chất thải chăn nuôi

Đối với thu gom chất thải rắn: Lợi ích kinh tế của phương án gồm có số tiền thu được từ việc bán phân (nếu hộ thu gom không dùng hết mà để bán); số tiền tiết kiệm được từ việc không phải mua phân lượng phân hữu cơ tương đương

để bón cho cây trồng; tiền tiết kiệm được từ dùng phân bón bổ sung thức ăn cho cá (đối với hộ có ao nuôi). Ngoài ra phương án thu gom chất thải rắn còn giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí lao động cho việc thực hiện vệ sinh, cọ rửa chuồng nuôi. Lợi ích môi trường mang lại của phương án thể hiện ở việc phân tách chất thải rắn lỏng đã làm giảm đáng kể lượng vi sinh vật gây ô nhiễm phát tán vào môi trường khu chăn nuôi.

Đối với phương án sử dụng hầm biogas, lợi ích thu được từ việc đầu tư lắp đặt hệ thống hầm biogas mà các chủ hộ thu được: khí sinh học dùng để đun nấu; tiết kiệm tiền gas hàng tháng; tiết kiệm tiền mua củi, chất đốt; tiết kiệm thời gian cho việc đun nấu của gia đình. Các hộ nông dân đã sử dụng nước thải sau biogas để tưới cây, rau màu cho năng suất cao tiết kiệm được tiền do tiết kiệm phân bón hoặc đưa xuống làm thức ăn cho cá.

Phương án kết hợp mang lại lợi ích kép cho chủ hộ từ việc tiết kiệm chi phí cho chất đốt; tiết kiệm được chi phí mua thức ăn cho cá, phân bón cho cây trồng; tiết kiệm được thời gian và đặc biệt là giảm được mùi hôi thối khu vực chuồng nuôi khá nhiều.

2.1.3.3. Phân tích lợi ích – chi phí của các phương án xử lý chất thải chăn nuôi

Từ việc xác định và tính toán các khoản chi phí, lợi ích thu được từ các phương án xử lý chất thải chăn nuôi, tiến hành so sánh lợi ích thu được và chi phí đầu tư ứng với các mức chiết khấu khác nhau để có cơ sở kết luận phương án xử lý chất thải nào đem lại hiệu quả cao nhất. Phương án xử lý chất thải hiệu quả đối với hộ được định nghĩa là đạt được mục tiêu xử lý của hộ đồng thời đem lại lợi ích kinh tế cao nhất cho hộ. Phân tích lợi ích – chi phí được thực hiện cho từng phương án và kết quả được thể hiện qua giá trị hiện tại ròng (NPV), tỷ số lợi ích – chi phí (B/C). Phương án có lợi ích ròng cao nhất là hiệu quả nhất và được ưa thích.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu các phương án xử lý chất thải chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện ứng hòa, thành phố hà nội (Trang 29 - 31)