Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.1. Cơ sở lý luận về tái cơ cấu ngành nông nghiệp
2.1.3. Nội dung nghiên cứu về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp
a. Tái cơ cấu đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp: Từ quan điểm nghiên cứu cho thấy thực chất của tái cơ cấu ngành nông nghiệp chính là sự thay
đổi về cơ cấu đầu tư công để đạt được các kết quả như mục tiêu đã đặt ra. Trong nghiên cứu về vấn đề này sẽ tập trung làm rõ các nội dung:
Cơ sở hạ tầng NN, NT: Phản ánh các can thiệp trong đầu tư xây dựng phát triển về giao thông; xây dựng mới, nâng cấp, kiên cố hoá các công trình thuỷ lợi và phát triển mạng lưới điện phục vụ phát triển nông nghiệp.
Khoa học công nghệ: Bao gồm các biện pháp can thiệp thúc đẩy, tăng cường mức độ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật;
Công tác khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật: Đối với khuyến nông bao gồm những thay đổi trong khuyến khích, tuyên truyền ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đối với thú y và bảo vệ thực vật các can thiệp chủ yếu tập trung vào trong công tác phòng và chống các dịch bệnh cho các loại vật nuôi (đối với chăn nuôi); phòng, chống dịch bệnh và quản lý, sử dụng thuốc BVTV (đối với trồng trọt).
Lao động nông nghiệp, nông thôn: Bao gồm các biện pháp can thiệp nhằm nâng cao tay nghề, tạo việc làm mới, thực hiện phân công lao động.
Xúc tiến thương mại: Phản ánh các biện pháp can thiệp trong xúc khuyến khích tiêu thụ, xây dựng và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp.
Nghiên cứu về nội dung này sẽ cho thấy tình hình đầu tư công và thay đổi về cơ cấu đầu tư công đối với các lĩnh vực nông nghiệp trọng tâm, từ đó có thể cho thấy sự phù hợp hoặc không phù hợp trong cơ cấu đầu tư. Trên cơ sở đó có thể đưa ra những giải pháp phù hợp.
b. Tái cơ cấu giữa các ngành trong sản xuất nông nghiệp
Nghiên cứu đối với nội dung này sẽ cho thấy kết quả đã đạt được trong sản xuất nông nghiệp về các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Qua nghiên cứu đánh giá sự thay đổi trong việc thực hiện tái cơ cấu các ngành trong sản xuất nông nghiệp.
Tái cơ cấu trong ngành trồng trọt: Nghiên cứu đối với nội dung này là việc xem xét những thay đổi trong lĩnh vực trồng trọt sau khi tiến hành tái cơ cấu, điển hình như: Thay đổi về kết quả sản xuất trồng trọt hàng năm; tình hình sản xuất, giá trị sản xuất của các nhóm cây trồng chủ yếu; các thay đổi về diện tích, sản lượng, năng suất cây trồng qua các năm và những thay đổi về cơ cấu trồng trọt,... Trên cơ sở nghiên cứu đó, sẽ cho thấy thực trạng về tái cơ cấu trồng trọt qua đó sẽ có những giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu trồng trọt hơn nữa.
Tái cơ cấu trong ngành chăn nuôi: Nghiên cứu về kết quả tái cơ cấu chăn nuôi là xem xét các vấn đề như: Những thay đổi về kết quả sản xuất chăn nuôi sau khi thực hiện tái cơ cấu; tình hình chăn nuôi qua các năm, thay đổi về cơ cấu trong lĩnh vực chăn nuôi,... Từ đó, tìm ra các biện pháp thúc đẩy tái cơ cấu chăn nuôi mạnh hơn.
Tái cơ cấu trong ngành lâm nghiệp: Lâm nghiệp là lĩnh vực có đặc thù riêng, nghiên cứu về kết quả tái cơ cấu lâm nghiệp là xem xét về những thay đổi về tình hình, kết quả sản xuất lâm nghiệp trong thời gian gần đây; sự thay đổi về diện tích, cơ cấu một số nhóm rừng, cây trồng rừng hằng năm,... Dựa trên những xem xét đó, chỉ ra được thực trạng tái cơ cấu lâm nghiệp và có những giải pháp đề xuất phù hợp.
Tái cơ cấu trong ngành thuỷ sản: Đối với tái cơ cấu thuỷ sản, để phân tích thực trạng vấn đề này, cần nghiên cứu các nội dung như: Sự thay đổi về diện tích, giống thuỷ sản nuôi trồng hằng năm; những thay đổi về cơ cấu trong lĩnh vực thuỷ sản. Trên cơ sở đó, chỉ ra thực trạng trong tái cơ cấu thuỷ sản nhằm có những phương hướng giải quyết tốt hơn.
Tình hình tái cơ cấu đối với công nghiệp chế biến và ngành nghề nông nghiệp, nông thôn: Công nghiệp chế biến và ngành nghề NN, NT có vai trò quan trọng trong hỗ trợ phát triển sản xuất, sau sản xuất; góp phân nâng cao giá trị gia tăng trong từ khâu sản xuất đến tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp. Nghiên cứu về thực trạng tái cơ cấu vấn đề này là xem xét các nội dung như: Tình hình phát triển của công nghiệp chế biến và ngành nghề NN, NT sau khi thực hiện tái cơ cấu; Mức độ đáp ứng, hỗ trợ của lĩnh vực đối với phát triển sản xuất nông nghiệp. Từ đó chỉ ra thực trạng và có biện pháp phù hợp hơn.
Tái cơ cấu trong một số lĩnh vực nông nghiệp khác: Bên cạnh thực hiện tái cơ cấu các tiểu ngành như: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thuỷ sản; song song với đó tái cơ cấu các vùng sản xuất, tái cơ cấu chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp, hay tái cơ cấu các tổ chức sản xuất nông nghiệp cũng là những vấn đề quan trọng. Trong nghiên cứu, đề tài sẽ kết hợp phân tích thực trạng tái cơ cấu đối với những nội dung này.
c. Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hình thức tổ chức
Hiện nay, nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn chủ yếu dựa vào phương thức sản xuất nông hộ nhỏ, cá thể. Vì vậy một trong các nhiệm vụ quan trọng của
tái cơ cấu nông nghiệp là địa phương cần tái cơ cấu tổ chức sản xuất từ nông hộ nhỏ, cá thể sang phương thức liên kết, hợp tác song song với phát triển thị trường trên cơ sở tái cơ cấu doanh nghiệp, nông nghiệp; từ đó xây dựng các mô hình "nông dân liên kết sản xuất với các doanh nghiệp".
Chuyển đổi ruộng đất, khuyến khích tăng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế trang trại quy mô lớn ; ưu tiên đầu tư, phát triển HTX nông nghiệp mới; ưu đãi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, tạo môi trường hành chính, kinh doanh thông thoáng, đây thực sự là yêu cầu cấp thiết cho cả trước mắt và lâu dài.
d. Tái cơ cấu theo vùng sản xuất nông nghiệp
Nghiên cứu nội dung này là xem xét các vấn đề liên quan đến tái cơ cấu tại các vùng sản xuất tập trung theo sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.
Khi nghiên cứu tổng quan về thực trạng tái cơ cấu ngành nông, đánh giá kết quả thực hiện của ngành là một trong những nội dung quan trọng. Thông qua đánh giá sẽ cho thấy được thực tế về cơ cấu của ngành, sự phân bổ nguồn lực, các biện pháp quản lý. Trên cơ sở đó có thể đưa ra những hành động điều chỉnh để hướng tới sự phân bổ hiệu quả và đạt được một cơ cấu hợp lý hơn.
Về cơ bản, đánh giá là việc so sánh, đối chiếu giữa thực tế về kết quả đã đạt được so với các chỉ tiêu nghiên cứu được xây dựng. Trong nghiên cứu về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đề tài sẽ tiến hành đánh giá chung về kết quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua lồng ghép với các nội dung phân tích. Từ đó sẽ cho thấy kết quả tổng quát của quá trình tái cơ cấu ngành.