Đặc điểm chính trị

Một phần của tài liệu luan an TS Do Thi Anh (Trang 37 - 40)

Xây dựng bộ máy quyền lực nhà nước và củng cố hệ thống chính quyền là vấn đề chính trị nội bộ cực kỳ quan trọng của chính quyền mỗi quốc gia. Bộ máy quyền lực nhà nước và hệ thống chính trị của một đất nước phải hợp hiến, hợp pháp và được người dân tôn trọng, ủng hộ thì mới tồn tại vững chắc. Ở CHDCND Lào, bộ máy quyền lực nhà nước, hệ thống chính quyền đã được xây dựng từng bước khá thành công trong quá trình phát triển đất nước mấy chục năm vừa qua. Trên thực tế, bộ máy quyền lực của CHDCND Lào hoạt động khá hiệu quả, phù hợp với tập quán sinh hoạt tôn giáo và văn hóa của nhân dân các bộ tộc Lào, đáp ứng cơ bản các quyền lợi về chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội. Hệ thống chính trị - xã hội ở Lào là hệ thống các thiết chế chính trị, bao gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận Lào xây dựng đất nước, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức chính trị - xã hội của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng NDCM Lào, vì mục tiêu xây dựng nước Lào “Hòa bình - Độc lập - Thống nhất - Dân chủ - Thịnh vượng”. Có thể thấy rằng, đây là một trong những thể chế chính trị có nhiều nét khác biệt so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Lịch sử xây dựng, phát triển của chính quyền dân chủ nhân dân ở Lào là một quá trình đấu tranh lâu dài, oanh liệt và phức tạp. CHDCND Lào là quốc gia theo chế độ nhất nguyên chính trị, dưới sự lãnh đạo của một chính đảng duy nhất (Đảng NDCM Lào), tuyên bố xây dựng đất nước theo mô hình nhà nước pháp quyền XHCN - nhà nước “của dân, do dân, vì dân”.

Năm 1991, Hiến pháp Lào được ban hành bằng sắc lệnh của Chủ tịch nước ký ngày 15-8-1991 và Lào quyết định tổ chức bầu cử Quốc hội khóa III (1991-1995) vào ngày 20-12-1991 theo tinh thần Hiến pháp 1991 và Luật bầu

cử đại biểu Quốc hội mới. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình phát huy quyền làm chủ của nhân dân các bộ tộc Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng NDCM Lào.

Điều đặc biệt chú ý ở Lào hiện nay là người giữ chức vụ cao nhất về Đảng thường kiêm chức người đứng đầu chính quyền: Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Tỉnh trưởng, Bí thư Huyện ủy kiêm Huyện trưởng, Bí thư Đảng địa phương kiêm Trưởng ban, v.v., ở tất cả các cơ cấu chính quyền và đoàn thể khác cũng đều như vậy. Thiết chế này giúp cho công việc tránh chồng chéo và tinh giảm bộ máy. Đây là một thiết chế rất có ý nghĩa mà các nước có chế độ một đảng lãnh đạo có thể nghiên cứu, tham khảo, học tập. Đối với cơ quan tư pháp, Lào thành lập hệ thống Tòa án và Viện Kiểm sát theo Luật Tổ chức Tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân năm 1989 gồm: Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Tòa án và Viện Kiểm sát quân sự Trung ương. Với mô hình này, nền dân chủ ở Lào được thực hiện theo hình thức tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, địa phương phục tùng Trung ương trên nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Theo Hiến pháp của Lào thì người dân trực tiếp bầu ra Quốc hội (hiện nay gồm 132 đại biểu) là những người đại diện cho dân để họ bầu ra Chủ tịch nước và các thành viên Chính phủ.

Đối với Lào, việc xác định một Đảng duy nhất lãnh đạo, một hệ thống quyền lực thống nhất có thể nói là phù hợp, nhưng khi vận hành cả hệ thống chính trị thì việc phân biệt vai trò, chức năng của Đảng và chính quyền cấp tỉnh, bộ, ngành còn hết sức phức tạp. Từ trước đến nay, đặc điểm của thể chế chính trị Lào được hiểu là thống nhất cao với sự lãnh đạo của Đảng NDCM Lào. Đảng là một thành viên của hệ thống chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như xây dựng đất nước không thể

phủ nhận. Trong bối cảnh thế giới mới sau Chiến tranh lạnh, nhận thức này không sai nhưng chưa đủ; bởi vì, sự tham gia của đông đảo các lực lượng chính trị - xã hội đã làm thay đổi tính chất thuần nhất của hệ thống chính trị truyền thống. Khách quan mà nói, kết quả hoạt động của cả hệ thống chính trị là sản phẩm của sự tương tác về chính trị - xã hội rất đa dạng. Trong tính thống nhất của lợi ích quốc gia, dân tộc vẫn có sự đa dạng về lợi ích giữa những nhóm xã hội khác nhau. Chính vì vậy, nền chính trị hiện đại không thể là sản phẩm của riêng hệ thống chính trị như quan niệm trước đây; do đó, để phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, cần đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của Đảng; đồng thời nêu cao vai trò các thiết chế trong toàn bộ hệ thống chính trị - xã hội đó. Sự hiện diện của các tổ chức xã hội rộng lớn, đặc biệt là các hội đoàn trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp, kinh doanh, dịch vụ xã hội, v.v., tuy không trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng nhưng trong điều kiện nền dân chủ XHCN, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên, các tổ chức này có tác động to lớn đến đời sống kinh tế - chính trị của đất nước.

Ở Lào, không có xung đột giữa chính trị và tôn giáo. Trong một chừng mực nhất định, công tác vận động tôn giáo ở Lào có nhiều thuận lợi hơn so với các nước láng giềng như Thái Lan, Việt Nam, Campuchia v.v., vì ở Lào Phật giáo được xem như là quốc giáo, các tôn giáo khác như Thiên chúa giáo, Kitô giáo, đạo Tin lành, v.v. đều có tồn tại ở Lào nhưng số lượng rất ít, không đáng kể nên phạm vi ảnh hưởng hẹp. Phật giáo trên đất nước Lào thuộc dòng tiểu thừa đã hiện diện từ nhiều thế kỷ, bản chất đôn hậu, thuần khiết hơn nhiều so với Phật giáo ở một số nước Đông Nam Á khác.

Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đến nay, nhìn chung, nhân dân các bộ tộc Lào đã nhận thức tương đối sâu sắc, rõ ràng về vị trí, vai trò của mình đối với công cuộc đổi mới đất nước, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, đa số nhân dân tỏ thái độ tự hào,

trân trọng về truyền thống vẻ vang của dân tộc cũng như những giá trị truyền thống cao đẹp, quý báu mà tổ tiên, cha ông đã để lại; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế; tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước, của dân tộc. Bên cạnh đó, người dân Lào, đặc biệt là thế hệ trẻ có trình độ văn hóa khá cao, am hiểu khá sâu sắc về nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong đời sống chính trị, về đặc điểm, tình hình và xu hướng phát triển của thời đại ngày nay.

Một phần của tài liệu luan an TS Do Thi Anh (Trang 37 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(183 trang)
w