Sơ đồ : Phân cấp quản lý Chương trình giảm nghèo
1.4.1. Kinh nghiệm quốc tế về giảm nghèo bền vững
* Trung Quốc
Xóa đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển của quốc gia. Nhờ những cố gắng tích cực của mình trong nhiều năm liên tục. Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công cuộc chiến chống đói nghèo kể từ cuối những năm 70, trở thành điểm sáng trong khu vực Châu Á cũng như Thái Bình Dương. Số người nghèo ở Trung Quốc giảm mạnh từ 250 triệu người năm 1978 xuống còn 50 triệu người năm 1997. Trung Quốc đã đề ra các chiến lược, chính sách xóa đói giảm nghèo, những thành tựu XĐGN của Trung Quốc có thể thấy rõ qua 4 giai đoạn: 1978- 1985, 1985-1993, 1994-2000, 2001-2011.
Chương trình giảm nghèo của Trung Quốc được đề xướng và thực hiện qui mô lớn sau khi có chính sách cải cách và mở cửa. Từ năm 1978 đến năm 2011, chương trình này cơ bản trải qua 4 giai đoạn chính:
+ Giai đoạn 1: cải cách cơ cấu đẩy mạnh công tác giảm nghèo (1978- 1985). Trong giai đoạn này, Trung Quốc đã thực hiện một loạt các chính sách cải cách như cải cách hệ thống quản lý ruộng đất, nới lỏng kiểm soát giá nông sản phẩm, tập trung phát triển xí nghiệp ở các thị trấn nhằm mở ra các hướng mới giải quyết đói nghèo ở vùng nông thôn. Những cải cách này đã đẩy nhanh tốc độ phát triển nền kinh tế, đồng thời đem lại lợi ích cho người nghèo theo ba khía cạnh: nâng giá nông sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và định hướng theo giá trị gia tăng cao hơn, tận dụng nguồn lao động phi nông nghiệp ở nông thôn, nhờ đó tạo điều kiện người nghèo thoát đói nghèo, trở lên giàu có và góp phần giảm tỷ lệ nghèo ở các vùng nông thôn.
+ Giai đoạn 2: nỗ lực giảm nghèo theo định hướng phát triển trên qui mô rộng (1986-1993). Bên cạnh việc xác định vùng thuộc phạm vi được hỗ trợ trực tiếp của chính phủ, chính phủ thực hiện hàng loạt các chương trình như: (i) chương trình viện trợ trực tiếp bằng việc đưa kinh phí từ chính quyền trung ương xuống các vùng được lựa chọn, (ii) chương trình “lao động đổi lấy lương thực” sử dụng lao động người nghèo để xây dựng CSHT và dịch vụ công cộng; (iii) chương trình vay vốn bao cấp - hộ gia đình nghèo được vay khoản vốn nhỏ với điều kiện ưu đãi. Các chương trình này có điểm chung đều chú trọng đến hỗ trợ thôn nghèo và hộ nghèo, đặc biệt các nhóm đặc biệt khó khăn như dân tộc thiểu số, người tàn tật và phụ nữ
+ Giai đoạn 3: xử lý các vấn đề quan trọng trong công tác giảm nghèo (1994-2000). Chính phủ tập trung hướng tới việc cải thiện hơn nữa các điều kiện sản xuất nông nghiệp, cải tạo CSHT và các dịchvụ xã hội; tiếp tục và tăng cường sự tham gia của các cấp chính quyền, xã hội dân sự và cộng đồng quốc tế trong nỗ lực XĐGN. Một loạt các chính sách cụ thể được triển khai như tăng cường huy động và tổ chức mọi thành phần xã hội tham gia hỗ trợ người nghèo; đẩy mạnh hợp tác khu vực Đông và Tây trong công tác hỗ trợ
người nghèo; hỗ trợ người nghèo qua hình thức khuyến khích di cư; chuyển lao động từ các khu vực nghèo; kết hợp giảm nghèo với bảo vệ môi trường sinh thái và kế hoạch hoá gia đình; thúc đẩy trao đổi quốc tế và hợp tác trong công tác hỗ trợ người nghèo. Đặc biệt để nâng cao hiệu quả đầu tư cho giảm nghèo, Trung Quốc đã chú trọng đến phương thức giảm nghèo
+ Giai đoạn 4: Ưu tiên xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn và kết hợp giữa phát triển đô thị và nông thôn và chính sách phân phối lại. Ưu tiên xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn đây là vấn đề mà Trung Quốc luôn quan tâm và nỗ lực giải quyết, đã triển khai nhiều chính sách cụ thể như: (i) Loại bỏ thuế nông nghiệp và lệ phí, và gia tăng hỗ trợ trực tiếp nông nghiệp; (ii) Miễn giảm học phí cho giáo dục bắt buộc ở các vùng nông thôn; (iii) Mở rộng phạm vi cung cấp bảo hiểm y tế nông thôn; (iv) Triển khai Đề án hỗ trợ y tế nông thôn và chương trình hỗ trợ thu nhập tối thiểu.
* Hàn Quốc
Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, Chính phủ Hàn Quốc không chú ý đến phát triển nông nghiệp nông thôn mà đi vào tập trung phát triển ở các vùng đô thị, xây dựng các khu công nghiệp tập trung ở các thành phố lớn, thế nhưng 60% dân số Hàn Quốc sống ở khu vực nông thôn, cuộc sống nghèo đói, tuyệt đại đa số là tá điền, ruộng đất tập trung vào sở hữu của giai cấp địa chủ, nhân dân sống trong cảnh nghèo đói tột cùng. Từ đó, gây ra làn sóng di dân tự do từ nông thôn vào thành thị để kiếm việc làm, chính phủ không thể kiểm soát nổi gây nên tình trạng mất ổn định chính trị - xã hội. Để ổn định tình hình chính trị - xã hội, Chính phủ Hàn Quốc buộc phải xem xét lại các chính sách kinh tế - xã hội của mình, cuối cùng đã phải chú ý đến việc điều chỉnh các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn và một chương trình phát triển nông nghiệp nông thôn được ra đời gồm 04 nội dung cơ bản:
- Mở rộng hệ thống tín dụng nông thôn bằng cách tăng số tiền cho hộ nông dân vay
- Nhà nước thu mua ngũ cốc của nông dân với giá cao - Thay giống lúa mới có năng xuất cao.
- Khuyến khích xây dựng cộng đồng mới ở nông thôn bằng việc thành lập các HTX sản xuất và các đội ngũ lao động để sửa chữa đường xá, cầu cống và nâng cấp nhà ở.
Với những nội dung này, Chính phủ Hàn Quốc đã phần nào giúp nhân dân có việc làm, ổn định cuộc sống, giảm bớt tình trạng di dân ra các thành phố lớn để kiếm việc làm. Chính sách này được thể hiện thông qua kế hoạch 10 năm cải tiến cơ cấu nông thôn nhằm cải tiến cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, từng bước đưa nền kinh tế phát triển nhằm xóa đói giảm nghèo cho nhân dân ở khu vực nông thôn.
Hàn Quốc trở thành một nước công nghiệp phát triển nhưng Chính phủ vẫn coi trọng những chính sách có liên quan đến việc phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn nhằm xóa đói giảm nghèo cho người dân ở khu vực nông thôn, có như vậy mới xóa đói giảm nghèo cho nhân dân tạo thế ổn định và bền vững cho nền kinh tế.
* Đài Loan
Đài Loan là một trong những nước công nghiệp mới nhưng là một nước thành công về mô hình kết hợp chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp với phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn (mặc dù Đài Loan không có các điều kiện thuận lợi như một số nước trong khu vực ) đó là Chính phủ Đài Loan đã áp dụng thành công một số chính sách về phát triển kinh tế xã hội như:
+ Đưa lại ruộng đất cho nông dân, tạo điều kiện hình thành các trang trại gia đình với quy mô nhỏ, chủ yếu đi vào sản xuất nông phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa.
+ Đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn, mở mang thêm những ngành sản xuất kinh doanh ngoài ngành nông nghiệp cũng được phát triển nhanh chóng, số trang trại vừa sản xuất nông nghiệp vừa kinh doanh ngoài nông nghiệp chiếm 91%, số trang trại sản xuất thuần nông chiếm 90%. Việc tăng sản lượng và tăng năng xuất lao động trong nông nghiệp tạo điều kiện cho các ngành sản xuất công nghiệp phát triển.
+ Đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển nông thôn, Đài Loan rất coi trọng phát triển mạng lưới giao thông nông thôn cả về đường bộ, đường sắt và đường thủy.
Trong nhiều thập kỷ qua, Chính quyền Đài Loan đã xây dựng các cơ sở sản xuất công nghiệp ngay vùng nông thôn để thu hút lao động nhàn rỗi của khu vực nông nghiệp, tăng thu nhập cho những người nông dân nghèo, để góp phần cho họ ổn định cuộc sống. Đài Loan áp dụng chế độ giáo dục bắt buộc đối với những người trong độ tuổi đi học nên trình độ học vấn của nhân dân nông thôn được nâng lên đáng kể, điều kiện sống được cải thiện, tỷ lệ tăng dân số giảm; hệ thống chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm đầu tư thích đáng,…góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân ở vùng nông thôn.