7. Kết cấu của luận văn
2.1.5. Các hoạt động chủ yếu của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam
2.1.5.1. Cho vay vốn với lãi suất ưu đãi
Theo quy định tại Thông tư 03, cho vay với lãi suất ưu đãi là hình thức hỗ trợ tài chính của Nhà nước thông qua Quỹ BVMTVN cho chủ đầu tư vay vốn với lãi suất ưu đãi để thực hiện các dự án bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
Hằng năm, HĐQL sẽ ban hành quyết định lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí lựa chọn cho vay ưu đãi của Quỹ BVMTVN trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Quỹ. Hiện nay, theo Quyết định số 11/QĐ-HĐQL ngày 28/12/2018, lĩnh vực ưu tiên cho vay của Quỹ BVMTVN gồm:
- Xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có công suất thiết kế từ 2.500 m3 nước thải trở lên trong một ngày đêm đối với khu vực đô thị từ loại IV trở lên.
- Xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các khu, cụm công nghiệp làng nghề.
- Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường tập trung. - Xử lý chất thải nguy hại, đồng xử lý chất thải nguy hại.
- Xử lý, cải tạo các khu vực môi trường bị ô nhiễm tại các khu vực công cộng.
- Sản xuất, nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện chuyên dùng sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; quan trắc và phân tích môi trường; sản xuất năng lượng tái tạo; xử lý ô nhiễm môi trường; ứng phó, xử lý sự cố môi trường.
- Sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận.
- Quan trắc môi trường.
Ngoài các lĩnh vực ưu tiên cho vay nêu trên, Quỹ BVMTVN cũng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi đối với các lĩnh vực khác được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường.
Về lãi suất cho vay, hằng năm căn cứ vào tình hình thực tế, HĐQL Quỹ sẽ ban hành quyết định áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi của Quỹ BVMTVN trên cơ sở đề xuất của Giám đốc Quỹ. Hiện nay, theo Quyết định số 10/QĐ-
HĐQL ngày 28/12/2018, lãi suất cho vay ưu đãi đối với các dự án đầu tư bảo vệ môi trường năm 2019 như sau:
(i) Áp dụng mức lãi suất 2,6%/năm đối với:
a) Các dự án thuộc các lĩnh vực sau (không phân biệt biện pháp đảm bảo tiền vay):
- Xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có công suất thiết kế từ 2.500 m3 nước thải trở lên trong một ngày đêm đối với khu vực đô thị từ loại IV trở lên.
- Xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các khu, cụm công nghiệp làng nghề.
- Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường tập trung. - Xử lý chất thải nguy hại, đồng xử lý chất thải nguy hại.
b) Các dự án có biện pháp đảm bảo tiền vay bằng bảo lãnh của Ngân hàng (không phân biệt lĩnh vực cho vay).
(ii) Áp dụng mức lãi suất 3,6%/năm đối với: các dự án không thuộc đối tượng tại mục (i) ở trên.
Kết quả hoạt động cho vay: Tính đến thời điểm ngày 30/6/2019, Quỹ BVMTVN đã cho vay 301 dự án trên phạm vi 56 tỉnh thành trong cả nước với tổng số vốn cho vay là 2.697 tỷ đồng.
2.1.5.2. Hỗ trợ lãi suất sau đầu tư
Hỗ trợ lãi suất sau đầu tư là một trong các hình thức hỗ trợ tài chính của Nhà nước thông qua Quỹ BVMTVN để hỗ trợ một phần lãi suất cho nhà đầu tư (tổ chức, cá nhân) có các dự án bảo vệ môi trường, khi tổ chức, cá nhân đó vay vốn của các tổ chức tín dụng ngoài Quỹ được phép hoạt động tại Việt Nam; dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng; vốn vay đã hoàn trả cho các tổ chức tín dụng.
Việc cấp kinh phí hỗ trợ lãi suất sau đầu tư được tiến hành mỗi năm một lần trên cơ sở số nợ gốc và lãi vay đầu tư dự án mà nhà đầu tư đã trả cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các khoản nợ quá hạn).
Nhà đầu tư có dự án bảo vệ môi trường chỉ được nhận hỗ trợ lãi suất sau đầu tư một lần đối với số vốn vay đầu tư (không bao gồm các khoản nợ quá hạn) tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam trong phạm vi tổng mức đầu tư của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
Việc xác định mức hỗ trợ lãi suất vay vốn căn cứ vào tổng số vốn đã vay của nhà đầu tư từ các tổ chức tín dụng để đầu tư và lãi suất vay tại thời điểm vay nhưng không quá 50% mức trần lãi suất do Bộ Tài chính thông báo tại thời điểm ký kết hợp đồng hỗ trợ lãi suất.
Nhà đầu tư có dự án bảo vệ môi trường vay vốn từ các tổ chức tín dụng khác theo quy định của pháp luật, đề nghị được hỗ trợ lãi suất vay phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Dự án được cơ quan quản lý nhà nước về môi trường xác nhận là dự án thực hiện có hiệu quả trong hoạt động bảo vệ môi trường hoặc giải quyết các vấn đề bước xúc về môi trường;
- Việc hỗ trợ lãi suất thực hiện khi dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và hoàn trả được vốn vay cho các tổ chức tín dụng;
- Dự án chưa được vay với lãi suất ưu đãi hoặc tài trợ bằng nguồn vốn hoạt động của Quỹ và có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc này;
- Được chấp nhận sau khi thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi suất và ký hợp đồng hỗ trợ lãi suất vay vốn.
Kết quả: Tính đến thời điểm ngày 30/6/2019, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hỗ trợ lãi suất sau đầu tư với tổng số tiền là 1.100 triệu đồng. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn trong giai đoạn này không được nhiều, nguyên nhân là các chủ đầu tư có các dự án bảo vệ môi trường xin hỗ trợ không đáp ứng được các điều kiện hỗ trợ theo các quy định về chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn (chủ đầu tư phải hoàn thành dự án, đã đi vào hoạt động và trả hết nợ gốc, lãi vay cho tổ chức tín dụng khác hoặc chủ đầu tư có dự án
đúng đối tượng hỗ trợ lãi suất vay nhưng lại dùng vốn của chính mình đầu tư mà không vay ngân hàng thương mại do đó cũng không đủ điều kiện để hỗ trợ theo quy định).
2.1.5.3. Tài trợ và đồng tài trợ
Tài trợ và đồng tài trợ dự án bảo vệ môi trường là một trong các hình thức hỗ trợ tài chính không hoàn lại của Nhà nước thông qua Quỹ đối với các nhà đầu tư (tổ chức, cá nhân) có các dự án bảo vệ môi trường tại Việt Nam được các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường xác nhận thuộc đối tượng theo quy định.
Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam tài trợ cho nhà đầu tư (tổ chức, cá nhân) có các chương trình, dự án, hoạt động bảo vệ môi trường sau:
- Phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ môi trường;
- Xây dựng, triển khai các dự án huy động nguồn vốn của Quỹ nhằm thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động xử lý khắc phục ô nhiễm môi trường, ứng phó, khắc phục hậu quả do sự cố, thảm họa môi trường gây ra;
- Các chương trình, kế hoạch, dự án theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
- Tổ chức các giải thưởng môi trường, các hình thức khen thưởng nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Quỹ BVMTVN phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đồng tài trợ cho các chương trình, dự án, hoạt động bảo vệ môi trường được quy định nêu trên.
Điều kiện tài trợ và đồng tài trợ:
+ Chương trình, dự án, hoạt động bảo vệ môi trường được cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường xác nhận thuộc đối tượng quy định nêu trên;
+ Đối với dự án đầu tư bảo vệ môi trường, nhà đầu tư phải có vốn đối ứng ít nhất là 50% tổng kinh phí đầu tư để thực hiện dự án đó;
+ Hồ sơ xin tài trợ hoặc đồng tài trợ được Quỹ chấp thuận và tiến hành ký hợp đồng tài trợ hoặc đồng tài trợ.
Mức tài trợ: Tối đa bằng 50% tổng chi phí để thực hiện các dự án, chương trình, hoạt động bảo vệ môi trường xin tài trợ và phải phù hợp với khả năng nguồn vốn của Quỹ cho phép.
Thẩm quyền quyết định: Giám đốc Quỹ quyết định mức tài trợ trong phạm vi thẩm quyền được phân cấp; trên mức thẩm quyền của Giám đốc Quỹ do Chủ tịch Hội đồng quản lý quyết định.
Kết quả: Tính đến thời điểm ngày 30/6/2019, Quỹ BVMTVN đã tài trợ cho 68 dự án và hoạt động bảo vệ môi trường với tổng số tiền 91,9 tỷ đồng trên phạm vi 50 tỉnh/thành trong cả nước.
2.1.5.4. Trợ giá sản phẩm dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch
Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam được Nhà nước giao cho thực hiện một số cơ chế, chính sách tài chính đối với dự án đầu tư theo Cơ chế phát triển sạch (CDM), bao gồm: (i) tổ chức, theo dõi, quản lý, thu lệ phí bán chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận (CERs) được Ban Chấp hành quốc tế về CDM cấp tại Việt Nam; (ii) Hỗ trợ cho các hoạt động phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức về dự án CDM; xem xét, phê duyệt tài liệu dự án CDM; quản lý và giám sát dự án CDM; (iii) Trợ giá sản phẩm của dự án CDM.
Quỹ BVMTVN thực hiện trợ giá sản phẩm của dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch (CDM) theo Quyết định 130/2007/QĐ-TTg ngày 02/08/2007 của Thủ tướng và Thông tư số 58/2008/TTLT-BTC-BTN&MT ngày 04/7/2008 của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Quyết định 130/2007/QĐ-TTg ngày 02/08/2007 của Thủ tướng về
một số cơ chế, chính sách tài chính đối với dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch (sau đây gọi là dự án CDM), cụ thể như sau:
Đối tượng được trợ giá:
- Điện được sản xuất từ năng lượng gió, mặt trời, địa nhiệt và thuỷ triều; - Điện được sản xuất từ thu hồi khí mêtan (CH4) từ các bãi chôn lấp rác thải, từ các hầm khai thác than.
Điều kiện trợ giá:
- Thuộc sản phẩm được trợ giá quy định;
- Phương án giá sản phẩm được Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam thẩm định, có kết quả là chi phí sản xuất thực tế của sản phẩm lớn hơn giá bán theo hợp đồng;
- Hợp đồng bán sản phẩm đã được ký kết và có hiệu lực, trong hợp đồng thể hiện rõ giá bán của sản phẩm;
- Dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Thư xác nhận hoặc Thư phê duyệt;
- Nhà đầu tư có sản phẩm trợ giá có văn bản đề nghị trợ giá kèm theo hồ sơ hướng dẫn gửi Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
Kết quả: Tính đến thời điểm ngày 30/6/2019, Quỹ BVMTVN đã thực hiện hỗ trợ giá điện gió nối lưới cho 05 dự án điện gió với số tiền 129 tỷ đồng; hỗ trợ hoạt động và dự án Cơ chế phát triển sạch (CDM) 3,09 tỷ đồng; trợ giá sản phẩm CDM (điện gió Bình Thuận) số tiền 67,6 tỷ đồng; thu lệ phí bán/chuyển chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận (CERs) 45,52 tỷ đồng.