7. Kết cấu của luận văn
2.3.2. Những tồn tại, hạn chế
Thứ nhất, công tác ban hành các văn bản pháp luật về phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại mặc dù được quan tâm thực hiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của địa phương, chưa chủ động trong việc đề xuất hướng giải quyết các bất cập, vướng mắc trong quá trình cụ thể hóa các văn bản luật trong phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Nhiều văn bản về phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại được các ngành ban hành còn chồng chéo, chưa thống nhất, gây khó khăn, cản trở cho hoạt động quản lý nhà nước cũng như hoạt động của các cá nhân, doanh nghiệp. Tính kịp thời của văn bản chưa cao, chưa phù hợp với tình hình thực tế, còn thiếu tính định hướng, dự báo. Nổi bật là việc còn thiếu chế tài xử phạt của một số hành vi vi phạm mới phát sinh. Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm còn thấp, chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm trong hoạt động phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Ngoài ra, chưa xây dựng được chương trình riêng cho công tác quản lý nhà nước đối với hành vi buôn lậu và gian lận thương mại tách biệt với chương trình chung về phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Thứ hai, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho doanh nghiệp, người dân còn chưa thường xuyên, chưa bao quát hết đối tượng, phương pháp chưa linh hoạt. Do vậy, việc tham gia vào hoạt động phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại của các doanh nghiệp, người dân chưa nhiều, chưa chủ động, tự giác. Việc tố giác vi phạm đôi khi chỉ được thực hiện do ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ mà chưa mang tính trách nhiệm cộng đồng.
Hoạt động tuyên truyền chủ yếu được thực hiện trong những thời điểm gần Tết, khi hoạt động tiêu dùng gia tăng mạnh và chỉ tập trung ở các trung tâm
thương mại, siêu thị và các chợ ở thị trấn và tại một số địa bàn trọng điểm. Trong khi đó, còn bỏ sót đối tượng những hộ kinh doanh cá thể, người dân sống tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng giáp ranh biên giới đường thủy, bộ, nơi rất dễ xảy ra tình trạng tiếp tay tiêu thụ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại, cũng như đối tượng là người dân nhập cư, tạm trú trong các khu vực nhà trọ, công nhân làm việc trong công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, là một đội ngũ sẽ góp phần không nhỏ trong việc tố giác các hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại.
Có thể thấy, góp một phần quan trọng trong việc tiêu thụ hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh không chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp mà còn có một phần không nhỏ từ phía các hộ kinh doanh cá thể, hệ thống bán lẻ (điển hình như việc tiêu thụ các mặt hàng rượu, đường cát, gỗ, thuốc lá, mỹ phẩm... nhập lậu trong thời gian qua). Do đó, công tác tuyên truyền cần quan tâm nhiều hơn đến các đối tượng này, góp phần xây dựng nên một hàng rào bảo vệ vững chắc đối với các hành vi buôn lậu và gian lận thương mại từ tận “gốc” (các đối tượng có khả năng tham gia vào hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại) cho đến “ngọn” (các đối tượng có khả năng tiêu thụ hàng cấm, hàng nhập lậu....).
Thứ ba, cơ chế phối/kết hợp giữa các ngành, địa phương trong phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại chưa thật sự phát huy hiệu quả cao. Công tác phối hợp trong xử lý một số vụ vi phạm có quy mô lớn, tính chất phức tạp còn kéo dài, chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Mối quan hệ kết hợp chủ yếu các ngành hiện nay là sự chấp hành thực thi các quyết định của cấp trên khi tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành, hỗ trợ xác minh vụ việc. Ngoài ra, với đặc thù là tỉnh cò đường biên giới đất liền và đường biển, do đó rất cần có cơ chế phối/kết hợp giữa các ngành chức năng như Hải Quan, Bộ Đội biên phòng, Cảnh sát biển, Công an với UBND các địa phương có đường biên giới đất liền và đường biển để thuận lợi cho việc thanh, kiểm tra các hành vi buôn lậu và gian
lận thương mại ở khu vực biên giới đất liền, đường biển, “nơi tiềm ẩn” khá nhiều nguy cơ buôn lậu và gian lận thương mại.
Còn có UBND các huyện chưa thể hiện rõ vai trò, chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc chủ động xử lý các hành vi buôn lậu và gian lận thương mại, chủ yếu chỉ dừng ở việc tuyên truyền, thực hiện các chỉ đạo của các ngành cấp trên cũng như phối hợp các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra hoạt động kinh doanh trên địa bàn. Một ít vài thành viên của Ban Chỉ đạo chưa thực hiện tốt quy chế do Ban đề ra, hoạt động không đồng đều, nhất là đối với chế độ thông tin báo cáo chưa kịp thời.
Hiện nay, bên cạnh cơ chế phối/kết hợp chung, việc ký kết cơ chế phối/kết hợp riêng giữa các ngành chỉ mới có vài ngành thực hiện. Do vậy chưa tạo được sức mạnh tổng hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Thêm vào đó, công tác phân tích, dự báo tình hình thị trường của các cơ quan chức năng không kịp thời, thiếu tính chính xác, còn chung chung không cụ thể. Vì vậy, chưa tạo sự chủ động đối phó khi thị trường có biến động. Ví dụ như khi một nguồn nguyên liệu trong sản xuất kinh doanh có sự đột biến về giá, nếu có sự dự báo trước, các cơ quan có chức năng về chống buôn lậu và gian lận thương mại sẽ chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra ngăn chặn đối với việc nhập khẩu, tiêu thụ nguyên liệu đó hay có định hướng ưu tiên hơn cho việc kiểm tra đối với hoạt động xuất, nhập khẩu nguồn nguyên liệu này.
Thứ tư, đội ngũ cán bộ, công chức quản lý phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại còn quá mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, mạng lưới thị trường kết nối với khu vực và biên giới, không đảm bảo được tần suất thanh, kiểm tra. Nhiều cán bộ, công chức làm công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế... nhưng lại chưa được bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ, v.v.... Nhiều cơ quan còn tình trạng phân công công việc cho công chức chưa
phù hợp, gây khó khăn cho việc theo dõi hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác quản lý đối với các thương nhân, công tác quản lý xuất, nhập khẩu hàng hóa,...., cũng như công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Thứ năm, các nguồn lực đầu tư cho hoạt động phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại còn hạn chế.
Theo quy định tại Thông tư số 59/2008/TT-BTC ngày 04 tháng 7 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; Thông tư số 51/2010/TT-BTC ngày 14 tháng 4 năm 2010 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 59/2008/TT-BTC ngày 04 tháng 7 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, theo quy định này các lực lượng có chức năng đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (sau đây gọi chung là cơ quan, đơn vị chống buôn lậu), bao gồm: Công an, Bộ Đội biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường, Quản lý cạnh tranh, Kiểm lâm, Thanh tra chuyên ngành, Thuế, Hải quan và các lực lượng chức năng khác (của Trung ương và địa phương) được giao nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả theo quy định của pháp luật. Nhưng trên thực tế, theo Quyết định số 3107/QĐ-BTC ngày 26 tháng 11 năm 2010 của Bộ Tài chính ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng hóa chỉ tập trung hướng dẫn việc thu, chi cho ngành Thuế, Hải quan, mang tính liên ngành trực thuộc Bộ Tài chính quản lý. Mặc dù, công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại còn có các ngành khác thực hiện. Chính vì vậy, mà trong thời gian qua việc chi chế độ bồi dưỡng cho cán bộ kiêm nhiệm trong Ban Chỉ đạo 127 (nay là Ban Chỉ đạo 389) chưa được quan tâm thực hiện, cho các lực lượng chức năng trực tiếp thực thi công tác phòng, chống
buôn lậu và gian lận thương mại chưa được thực hiện thống nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, các trang thiết bị, phương tiện hỗ trợ cho công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại trong tình hình mới, chẳng hạn như trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ cho công tác kiểm tra, xử lý, phục vụ nghiệp vụ chuyên môn.