6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu
1.2.2. Hỗ trợ tín dụng cho phát triển sản xuất
Vốn, kỹ thuật, kiến thức làm ăn là “chìa khoá” để người nghèo vượt khỏi ngưỡng nghèo đói. Cùng với kiến thức sản xuất lạc hậu, do không đáp ứng đủ vốn nhiều người nghèo rơi vào tình thế luẩn quẩn làm không đủ ăn, phải đi làm thuê, vay nặng lãi, cầm cố ruộng đất… mong đảm bảo được cuộc sống tối thiểu hằng ngày, nhưng nguy cơ nghèo đói vẫn thường xuyên đe doạ. Vì vậy, vốn đối với người nghèo là điều kiện tiên quyết, là động lực đầu tiên giúp họ vượt qua khó khăn để thoát khỏi đói nghèo. Khi có vốn trong tay, với bản chất cần cù của người nông dân, bằng chính sức lao động của bản thân và gia đình; người nghèo có điều kiện mua sắm vật tư, phân bón, cây con giống để tổ chức sản xuất thực hiện thâm canh tạo ra năng xuất và sản phẩm hàng hoá cao hơn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Ở nước ta, chính sách tín dụng là công cụ điều tiết của Nhà nước nhằm kích thích nền kinh tế cũng như thúc đẩy, hỗ trợ sự phát triển của một nhóm đối tượng được chính sách hướng tới. Muốn giảm nghèo bền vững cần triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm. Tín dụng đối với người nghèo là những khoản tín dụng chỉ dành riêng cho những người nghèo, có sức lao động, nhưng thiếu vốn để phát triển sản xuất trong một thời gian nhất định phải hoàn trả số tiền gốc và lãi; tuỳ theo từng nguồn có thể hưởng theo lãi suất ưu đãi khác nhau nhằm giúp người nghèo mau chóng vượt qua nghèo đói vươn lên hoà nhập cùng cộng đồng.
Chính sách hỗ trợ sản xuất cho người nghèo hiện nay gồm hỗ trợ tín dụng không hoàn lại và hỗ trợ tín dụng với mức lãi suất ưu đãi. Đối với nước ta hiện nay thực hiện đồng thời hai chính sách. Tuy nhiên, đối với chính sách tín dụng cho vay với lãi suất ưu đãi, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần chứ không hỗ trợ hoàn toàn, vì thế người dân mới có thể tự thân vận động làm ăn sản
xuất, tạo thu nhập cũng như tạo việc làm cho các thành viên trong hộ gia đình nhằm nâng cao mức sống. Hiện có rất nhiều chính sách tín dụng ưu đãi hướng đến các đối tượng khác nhau, nhằm các mục tiêu khác nhau. Được chia làm 2 nhóm chính sách tín dụng chính: hỗ trợ SXKD (hỗ trợ tạo thu nhập/việc làm), và tín dụng có tính chất an sinh xã hội (hỗ trợ các nhu cầu xã hội cơ bản).
Các tiêu chí đánh giá:
- Số lượng vốn cho vay đối với hộ nghèo. - Số lượng hộ được vay vốn đã thoát nghèo.