Để có được một cơ cấu kinh tế tối ưu thì nó phải đáp ứng được những yêu cầu sau:
- Một là, phản ánh được và đúng các quy luật khách quan bao gồm các quy luật tự nhiên, kinh tế - xã hội; nhất là các quy luật kinh tế như: quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; những quy luật của kinh tế thị trường như: quy luật giá trị, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, quy luật lưu thông tiền tệ; các quy luật của tái sản xuất như: quy luật năng suất lao động, quy luật tích luỹ, phân phối tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân.
- Hai là, đảm bảo khai thác tối đa các tiềm năng, nguồn lực của cả nước cho các phương án sản xuất kinh doanh.
- Ba là, sử dụng được ngày càng nhiều lợi thế tuyệt đối và lợi thế so sánh giữa các nước, các vùng và các khu vực. Vai trò này gắn liền với việc hình thành “cơ cấu kinh tế mở”. Ở góc độ vĩ mô phải gắn với việc xây dựng chiến lược hướng mạnh về xuất khẩu, đồng thời thay thế nhập khẩu những mặt hàng trong nước sản xuất không hiệu quả, gắn với sự phân công lao động và thương mại quốc tế.
- Bốn là, phản ánh được xu hướng phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, xu hướng quốc tế hoá và khu vực hoá.
- Năm là, lấy hiệu quả kinh tế-xã hội làm thước đo kết quả cuối cùng của một cơ cấu kinh tế tối ưu.
Tóm lại, quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế của một quốc gia thường được xem xét như một quá trình làm thay đổi thu nhập bình quân đầu người. Mặc dù có nhiều thay đổi trong quan niệm về tăng trưởng và phát triển nhưng chỉ tiêu
trên vẫn được coi trọng và làm thước đo cho sự phát triển về kinh tế. Một xu hướng mang tính qui luật là cùng với sự phát triển của nền kinh tế, cũng diễn ra một quá trình thay đổi về cơ cấu kinh tế tức là một sự thay đổi tương đối về vai trò mức đóng góp, tốc độ phát triển của từng thành phần, từng yếu tố riêng về cấu thành nên toàn bộ nền kinh tế. Một trong những cơ cấu kinh tế được quan tâm và nghiên cứu nhiều nhất trong mối liên hệ với quá trình tăng trưởng và phát triển nền kinh tế là cơ cấu ngành. Cơ cấu đó về phần mình lại được thể hiện trong quá trình sản xuất tiêu dùng và ngoại thương. Mối quan hệ giữa cơ cấu và sự phát triển kinh tế có vai trò rất quan trọng vì gắn với nó là cả một động thái về sự phân bổ các nguồn lực hạn hẹp của nền kinh tế một cách tối ưu trong những thời điểm nhất định cho các ngành sản xuất khác nhau. Cơ cấu ngành trong quan hệ ngoại thương cũng thể hiện lợi thế tương đối và khả năng cạnh tranh của một quốc gia trong toàn cảnh nền kinh tế thế giới. Quá trình chuyển dịch cơ cấu là một quá trình tất yếu gắn với sự phát triển kinh tế. Đồng thời nhịp độ phát triển, tính bền vững của quá trình tăng trưởng lại phụ thuộc vào khả năng chuyển dịch cơ cấu linh hoạt, phù hợp với những điều kiện bên ngoài và các lợi thế tương đối của một nền kinh tế.
Một trong những đặc điểm rõ nét nhất của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình phát triển là việc tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp trong tổng sản phẩm quốc nội trong khi tỷ trọng của nông nghiệp lại giảm sút. Tuy tất cả các nước đều có xu hướng chuyển dịch cơ cấu giống nhau nhưng tốc độ chuyển dịch lại hoàn toàn không giống nhau vì bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác. Quá trình chuyển dịch diễn ra như thế nào phụ thuộc vào các yếu tố như: quy mô kinh tế, dân số của quốc gia, các lợi thế về tự nhiên, nhân lực, điều kiện kinh tế, văn hoá… Theo Tomich và Kilby, có hai nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu, đó là quá trình chuyên môn hoá và thay đổi công nghệ, tiến bộ kỹ thuật. Quá trình chuyên môn hoá mở đường cho việc trang bị kỹ thuật hiện đại, hoàn thiện tổ chức, áp dụng công nghệ tiên tiến và nâng cao năng suất lao động. Chuyên môn hoá cũng tạo nên những hoạt động dịch vụ, chế biến mới. Điều đó làm cho tỷ trọng các ngành truyền thống giảm trong khi tỷ trọng của các ngành công nghiệp mới càng chiếm ưu thế.
Chuyển dịch cơ cấu tạo ra những tiền đề cho sự phát triển và hoàn thiện của các thị trường yếu tố sản xuất và ngược lại, việc hoàn thiện của các thị trường đó lại thúc đẩy quá trình phát triển, tăng trưởng kinh tế và do vậy làm sâu sắc thêm quá trình chuyển dịch cơ cấu. Hai thị trường về tài chính và lao động cũng có liên hệ chặt chẽ với quá trình chuyển dịch cơ cấu. Không thể có một chính sách chuyển dịch cơ cấu đáng kể nếu không có các chính sách hỗ trợ về vốn và nguồn lực con người. Không có sự phát triển về nguồn lực thì quá trình chuyển dịch không thể bền vững cũng như thiếu vắng một thị trường tài chính sẽ không thể tạo ra sự di chuyển vốn giữa các ngành, không thể có tiền đề để sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hạn hẹp của xã hội.