- Chuyển mạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng sản xuất các loại sản phẩm có giá trị gia tăng cao, gắn với thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Tạo ra các vùng chuyên canh, thâm canh các loại cây trồng trên cơ sở áp dụng quy trình công nghệ hiện đại; tiến hành sản xuất đồng bộ, hiện đại, tiên tiến từ khâu gieo trồng, chăm sóc, bảo quản cho đến khi chế biến. Thực hiện quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp nhất là các vùng lúa trọng điểm của Tỉnh, đảm bảo ổn định an ninh lương thực.
Phát triển chăn nuôi theo hướng quy mô lớn, phòng chống dịch bệnh; bảo đảm sản xuất sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sử dụng và bảo vệ môi trường sinh thái.
Phát huy lợi thế khí hậu nhiệt đới, tiếp tục thực hiện hiệu quả quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng; xây dựng chương trình phát triển và bảo vệ rừng đi đôi với khai thác có hiệu quả.
Đổi mới cơ cấu trong phát triển và nuôi trồng thuỷ sản theo hướng bảo vệ không làm cạn kiệt tài nguyên biển. chuyển mạnh sản xuất, nuôi trồng theo hướng sản xuất hàng hoá. Gắn nuôi trồng và chế biến hải sản, không ngừng tăng thêm giá trị sản xuất hàng thuỷ sản.
Gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn với phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp, đặc biệt là dịch vụ nông nghiệp. Đảm bảo quá trình chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững.
Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp nói riêng, cơ cấu kinh tế nông thôn nói chung cần đặt ra yêu cầu cao trong việc tạo ra việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn; đảm bảo lao động ly nông mà không ly hương. Hay nói cách khác chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phải đảm bảo yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng tạo công ăn việc làm ngày một nhiều hơn. Đây là vấn đề cần được tiếp tục đặt ra, có thái độ nghiêm túc nhằm thực hiện tốt, đảm bảo sự ổn định trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn nói riêng, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn nói chung.
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp theo hướng phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, tạo ra giá trị sản phẩm có giá trị kinh tế cao, sản xuất sạch; có thị trường tiềm năng song hành với phát triển các ngành công nghiệp truyền thống, nhằm khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của tỉnh trong phát triển công nghiệp; tạo mở việc làm có giá trị kinh tế cao; nghiên cứu, ứng dụng và triển khai khoa học và công nghệ hướng đến sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là các nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn; gắn chuyển dịch cơ cấu công nghiệp với mức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường. Mục tiêu cốt lõi trong chuyển dịch cơ cấu công nghiệp là hướng đến phát triển bền vững; vừa tạo ra giá trị gia tăng cao, có đóng góp tích cực vào tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp hướng tới đồng bộ phát triển công nghiệp chế biến, chế tác, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sản xuất tư liệu quan trọng… tạo nền tảng để phát triển công nghiệp hiện đại, đảm bảo quá trình đẩy nhanh, hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Phát triển công nghiệp và nâng cao chất lượng các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao, tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu, thu hút tốt một lực lượng lao động từ nông nghiệp, nông thôn. Trong thời gian tới, các ngành có lợi thế cạnh tranh cần tiếp tục phát triển đó là: chế biến nông lâm thuỷ sản; may mặc, giày dép; đồ gỗ gia dụng; thiết bị xây dựng; công nghiệp chế tạo thiết bị…
- Chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ theo hướng phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có chất lượng cao đi đôi với phát triển các dịch vụ truyền thống, sử dụng tốt nguồn lao động của tỉnh.
Huy động sức mạnh tổng hợp các thành phần kinh tế cùng tham gia vào quá trình đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và thân thiện với môi trường.
Phát huy hiệu quả nhằm phát triển dịch vụ giao thông vận tải biển thông qua đường 8 và đường 12 qua Lào.