Tăng trưởng và thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh hà tĩnh (Trang 40 - 44)

Xuất khẩu có thể tác động một cách trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế vì nó là một phần của tổng sản phẩm. Xuất khẩu làm tăng trưởng thông qua việc tăng nhu cầu trong nền kinh tế, mở rộng thị trường cho sản xuất nội địa. Ngoài ra, xuất khẩu còn tác động tích cực đến tăng trưởng thông qua việc giúp giảm bớt ràng buộc về cán cân thương mại. Việc hướng về xuất khẩu và cởi mở thương mại làm cải thiện quá trình tái phân bổ nguồn lực, làm tăng năng lực sử dụng và cạnh tranh. Xuất khẩu có thể kích thích tiết kiệm và làm tăng đầu tư trong nước cũng như thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Xuất khẩu còn thúc đẩy thay đổi công nghệ và cải thiện nguồn vốn nhân lực, qua đó làm tăng năng suất.

Sự thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu cũng có những ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng. Sự phát triển cần phải được kết hợp với quá trình chuyển đổi nền kinh tế

theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Công nghiệp hoá là cần thiết cho tăng trưởng vì ngành công nghiệp chế biến có những đặc trưng sau: (1) độ co dãn cầu của hàng công nghiệp chế biến so với thu nhập tương đối cao; (2) hàng công nghiệp có tính khả thương cao nhưng với mức độ khả năng thay thế khác nhau giữa hàng nội địa và hàng nhập khẩu; (3) việc thành lập các ngành công nghiệp ứng với lợi thế so sánh cho phép có sự tái phân bổ lao động và vốn đến những ngành có năng suất cao hơn và khai thác được những lợi thế tiềm năng từ việc chuyên môn hoá cũng như lợi thế tăng dần theo qui mô và (4) tăng trưởng trong ngành công nghiệp chế biến là một trong những nguồn chính cho việc thay đổi công nghệ. Vì những đặc trưng trên của ngành công nghiệp chế biến, hàng xuất khẩu công nghiệp có những tác động và những mối liên kết mạnh hơn hàng xuất khẩu nông nghiệp trong nền kinh tế.

1.3.7. Các chính sách của nhà nước

Cũng như các nhân tố cung, các chính sách kinh tế của nhà nước đối với khía cạnh cầu có tác động mạnh tới sự hình thành và phát triển của những phân ngành kinh tế nhất định. Sự khuyến khích hay không khuyến khích, thậm chí cấm ngặt đối với một số lĩnh vực nào đó sẽ có tác động làm gia tăng mức tăng trưởng hay kìm hãm, thậm chí loại bỏ một số lĩnh vực (sản phẩm hàng hoá hoặc dịch vụ) mặc dù tiềm năng cung và mức cầu của dân cư vẫn tồn tại. Thường thì đây là những lĩnh vực có thể đem lại lợi nhuận xét về mặt kinh tế tài chính, nhưng việc có cho phép phát triển hay không lại phụ thuộc vào các quan điểm chính trị, văn hoá và xã hội, ví dụ như sản xuất và kinh doanh vũ khí, casino, các hoạt động quán bar, vũ trường v.v....

Trong phần trình bày về tác động của các nhân tố cung và các nhân tố cầu đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nêu trên cũng đã đề cập một phần vấn đề cơ chế chính sách, trước hết là các chính sách kinh tế của nhà nước tác động đến các yếu tố cung và cầu; và qua đó tác động đến cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, với tư cách là một loại nhân tố độc lập, cơ chế chính sách thực sự có tác động rất mạnh đến xu hướng vận động tổng quát của sự hình thành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, kể cả cơ cấu ngành kinh tế. Những ví dụ chứng minh cho vai trò tác động của cơ chế chính sách

đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế thì rất nhiều. Chẳng hạn, trong một thời gian dài trong cơ chế kế hoạch hoá tập trung, xu hướng hình thành cơ cấu kinh tế tổng quát của Việt Nam và nhiều nước xã hội chủ nghĩa thời kỳ đó là “ưu tiên phát triển công nghiệp nặng”. Ở dạng cực đoan hơn là những chiến dịch như kiểu “nhà nhà làm gang thép” của Trung Quốc hồi thập kỷ 60-70. Từ sự chỉ đạo này, phần lớn nhất nguồn lực quốc gia của Việt Nam trong một thời kỳ dài cũng đã được giành cho phát triển lĩnh vực công nghiệp nặng. Vì nhiều lý do, chương trình này đã không đem lại hiệu quả như mong đợi. Một chủ trương khác được thay thế vào đầu những năm 1980 là “3 chương trình kinh tế lớn: lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu”. Cơ cấu kinh tế nhờ đó mà có sự điều chỉnh nhất định do các nguồn lực được phân bổ lại theo hướng ưu tiên hơn cho những chương trình kinh tế này. Tình hình cũng diễn ra tương tự như vậy đối với các thành phần kinh tế, khi mà đường lối đổi mới với chủ trương đa dạng hoá các thành phần kinh tế được khẳng định, các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đã có điều kiện phát triển lên. Các chính sách về phát triển vùng với hướng tập trung cho các vùng kinh tế trọng điểm ở Việt Nam hay chương trình phát triển kinh tế dải ven biển trước đây là những ví dụ rất rõ ràng về tác động của nhân tố cơ chế chính sách đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành. Như vậy trong điều kiện của kinh tế thị trường, việc nghiên cứu tác động của yếu tố thị trường (đầu ra của các sản phẩm) là một nội dung không thể bỏ qua đối với các chính sách về cơ cấu kinh tế. Lý do đơn giản là vì, mức độ ảnh hưởng của chúng đối với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng mạnh mẽ không kém các nhân tố cung (đầu vào của sản xuất). Tuy nhiên, đây lại đang là một điểm yếu trong tiếp cận nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Việt Nam hiện nay, một phần do “tập quán” chỉ tập trung vào khía cạnh các nhân tố của sản xuất vật chất trong cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung trước đây vẫn còn chi phối mạnh trong tư duy chính sách kinh tế.

Tóm lại, quá trình chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế chịu tác động của nhiều nhân tố. Trong điều kiện hiện nay, dưới tác động của quá trình toàn cầu hoá, thị trường hoá, và tiến bộ khoa học - công nghệ diễn ra nhanh chóng, bản thân những

nhân tố tác động đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng không ngừng biến đổi và hàm chứa những nội dung kinh tế không hoàn toàn giống nhau. Vì vậy, khi đánh giá mức độ tác động của từng nhân tố cũng như tổng hợp các nhân tố đó, cần phải nhìn nhận chúng như những quá trình “động” để xem xét xu hướng tác động dài hạn lên quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành của nền kinh tế. Nhưng dù có tiếp cận vấn đề như thế nào đi nữa thì trong một nền kinh tế thị trường, tập hợp các nhân tố đầu vào (nguồn lực sản xuất), đầu ra (điệu kiện thị trường) vẫn là những tác nhân quan yếu nhất đối với xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế.

Chương 2

THỰC TRẠNG CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh hà tĩnh (Trang 40 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)