Trong những năm tới Hà Tĩnh cần xem xét kỹ 3 phương án tăng trưởng tiềm năng, qua đó xác định mục tiêu kinh tế và quỹ đạo tăng trưởng cho tỉnh đến năm 2020. Các phương án này được tóm tắt như sau:
Phương án 1, Tăng trưởng Cao Bền vững: Trong phương án này, Hà Tĩnh tận dụng thành công các nguồn tài nguyên, đa dạng hoá nền kinh tế và mở rộng sang sản xuất và dịch vụ tuyến dưới. Hà Tĩnh sẽ trở thành một nền kinh tế công nghiệp, song vẫn có ngành nông nghiệp phát triển mạnh, năng suất cao cùng lĩnh vực dịch vụ ngày càng phát triển. Trong phương án này, Hà Tĩnh tăng trưởng cao nhờ bởi ba cụm ngành động lực chính - (a) tỉnh hiện đại hoá thành công nền nông nghiệp của mình; (b) phát triển ngành sắt - thép, gồm cả nhà máy thép Formosa, mỏ Thạch Khê và nhà máy thép sử dụng nguồn quặng này, và (c) xây dựng Hà Tĩnh là
một trung tâm thương mại và hậu cần phục vụ khu vực, bao gồm cả Lào và Đông Thái Lan. Ngoài ra, vào năm 2020, bên cạnh các cụm ngành động lực này, Hà Tĩnh cũng sẽ thấy được hiệu quả từ việc phát triển các cụm công nghiệp phụ trợ tuyến dưới như sản xuất các sản phẩm thép, dệt may, xây dựng, cũng như các cụm dịch vụ hỗ trợ tuyến dưới như giáo dục và đào tạo, thông tin liên lạc. Phương án này giả định tổng sản lượng thép hàng năm là 15 triệu tấn, sản lượng thực tế hàng năm đến 2020 là 10 triệu tấn. Hạ tầng phụ trợ sẽ bao gồm hệ thống giao thông được nâng cấp và mở rộng, các khu kinh tế đã hoàn thiện, và nguồn cung cấp điện, nước dồi dào. Tỉnh cũng sẽ đầu tư vào các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Trong phương án này, GDP sẽ tăng trưởng 17%/năm, đạt được mức GDP bình quân đầu người là 85,1 triệu đồng vào năm 2020. Nông nghiệp sẽ chiếm 9% GDP; công nghiệp dẫn đầu với 62% GDP; và dịch vụ 29%. Lượng vốn đầu tư được huy động theo phương án này là 449 nghìn tỉ, 91% là từ vốn ngoài ngân sách nhà nước (FDI, doanh nghiệp trong nước qua hợp tác công ty, ODA).
Phương án 2, Tăng trưởng Vừa phải: Trong phương án này, Hà Tĩnh sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải trong 10 năm tới. Hà Tĩnh sẽ tăng trưởng nhanh hơn tốc độ trung bình của cả nước và do đó, liên tục cải thiện thứ hạng của mình (về GDP trên đầu người) tuy nhiên tốc độ vẫn được coi là thấp hơn nhiều so với phương án 1. Tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư hiện đại hoá nông nghiệp, song cũng hạn chế hơn ước tính trong phương án 1. Ngoài ra, giai đoạn 1 nhà máy thép Formosa sẽ bắt đầu và hoàn thành với công suất 7,5 triệu tấn, hoàn toàn sử dụng quặng nhập khẩu. Phương án này giả định mỏ sắt Thạch Khê phải mất nhiều thời gian chuẩn bị khai thác hơn và đến năm 2020 vẫn chưa đưa vào vận hành được. Phương án này có thể xảy ra nếu tỉnh không có khả năng phát triển mỏ sắt Thạch Khê theo kế hoạch, chủ yếu do thiếu đầu tư, công nghệ, hoặc các yếu tố vĩ mô. Thương mại, vận tải, hậu cần và các cụm ngành phụ trợ cùng dịch vụ hỗ trợ cũng tăng, song đều chậm hơn trong phương án 1, do thiếu đầu tư (ví dụ tăng trưởng kinh tế cả nước và khu vực thấp hơn hoặc các yếu tố khác), hoặc do sản xuất tuyến trên trong tỉnh giảm xuống. Trong phương án này, GDP sẽ tăng trưởng trung bình 9%/ năm, đạt mức 56.0 triệu đồng/ đầu
người vào năm 2020. Nông nghiệp sẽ đóng góp 14% tổng GDP, ngành công nghiệp 62% và dịch vụ 24%.
Phương án 3, Tăng trưởng Nhảy vọt: Theo phương án này, Hà Tĩnh thậm chí còn phát triển nhanh hơn và có tăng trưởng GDP còn cao hơn phương án 1. Phương án này giả định tăng trưởng của Việt Nam và khu vực ở mức cao hơn, là động lực giúp các cụm ngành của Hà Tĩnh tăng trưởng nhanh hơn. Sản xuất thép sẽ đạt công suất tối đa cho phép là 11,5 triệu tấn đến năm 2020. Điều này thúc đẩy phát triển sớm hơn và nhanh hơn các cụm sản xuất tuyến dưới như sản phẩm từ thép và dệt may. Nông nghiệp có năng suất cao hơn so với phương án 1, nhờ năng lực đầu tư lâu dài cao hơn vào công nghệ và đào tạo. Theo phương án này, GDP sẽ tăng trưởng 18% hàng năm, đạt mức 90,6 triệu đồng/người vào năm 2020. Nông nghiệp chiếm 10% GDP, ngành công nghiệp dẫn đầu với 62% và dịch vụ chiếm 29%.
Lựa chọn phương án: Trên cơ sở phân tích tính khả thi của mỗi phương án nói trên, Phương án số 1 là phương án có vẻ hợp lý nhất bởi ba lý do chủ yếu sau. Thứ nhất, phương án này phù hợp với những lợi thế cạnh tranh vốn có và nguồn tài nguyên sẵn có của Hà Tĩnh. Thứ hai, phương án 1 giúp tận dụng cơ hội cải thiện năng suất và sản lượng cũng như đa dạng hoá sản phẩm tốt hơn phương án 2 – phương án giả định mức độ phát triển thấp hơn. Thứ ba, phương án 1 có tính khả thi hơn phương án 3, dựa trên điều kiện hiện tại về xuất phát điểm, mốc thời gian phát triển các tiềm năng thế mạnh quan trọng, năng lực của tỉnh trong thực hiện các kế hoạch nhằm đảm bảo đầu tư và nguồn nhân lực cần thiết cho chiến lược và kế hoạch có trong phương án này. Do đó, trong thời gian từ 2011-15, tỉnh chủ yếu là (a) khởi đầu từ phát triển cụm ngành sắt - thép, (b) tập trung hiện đại hoá nông nghiệp và (c) xây dựng nền tảng (ví dụ như phát triển cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh, xây dựng năng lực con người) để phát triển thương mại, giao thông vận tải và hậu cần và hỗ trợ các cụm công nghiệp và dịch vụ phụ trợ. Trong giai đoạn 2016-20, tỉnh đầu tư nhiều hơn và tăng trưởng cao hơn về công nghiệp và dịch vụ, do đó phát triển kinh tế tổng thể của tỉnh cũng cao hơn, do tỉnh đã bắt đầu nhận được thành quả từ nền tảng mình đã xây dựng trong 5 năm trước đó.